Chúng ta hãy thăm dò trung ấm đầu tiên trong Bốn Trung ấm, trung ấm tự nhiên của cuộc đời này, và mọi hệ quả của nó; rồi chúng ta sẽ tiến hành thăm dò ba trung ấm kia vào thời gian và trình tự thích hợp. Trung ấm tự nhiên của cuộc đời này trải trên toàn thể đời người của chúng ta giữa sinh và chết. Giáo huấn của nó làm rõ ràng cho chúng ta tại sao trung ấm này là cơ hội quí giá thế, việc là con người thực sự ngụ ý cái gì, và điều quan trọng nhất và là bản chất thực duy nhất với chúng ta là làm gì với món quà về kiếp người này.
Các thầy nói cho chúng ta rằng có một khía cạnh của tâm trí chúng ta là cơ sở cơ bản của nó, trạng thái được gọi là “nền tảng của tâm trí thường.” Longchenpa, một thầy Tây Tạng nổi tiếng thế kỉ mười bốn, mô tả nó theo cách này: “Nó là trạng thái trung tính và không chứng ngộ, thuộc vào lớp các biến cố tâm trí và tinh thần, và nó đã trở thành nền tảng cho mọi nghiệp và ‘dấu vết’ của luân hồi và niết bàn.”[i] Nó vận hành như nhà kho, trong đó in dấu các hành động quá khứ được gây ra bởi các cảm xúc tiêu cực của chúng ta, tất cả đều được lưu giữ như các hạt mầm. Khi những điều kiện đúng nảy sinh, chúng nảy mầm và biểu lộ dưới dạng những hoàn cảnh và tình huống trong đời chúng ta.
Tưởng tượng nền tảng của tâm trí thường này giống như ngân hàng trong đó nghiệp được gửi vào như những dấu ấn và khuynh hướng thói quen. Nếu chúng ta có thói quen suy nghĩ theo hình mẫu đặc biệt, tích cực hay tiêu cực, thế thì những khuynh hướng này sẽ được lẩy cò và được gợi ra rất dễ dàng, và tái diễn và tiếp tục tái diễn. Với việc lặp lại thường xuyên thiên hướng và thói quen của chúng ta trở thành được xác lập vững chắc hơn và tiếp tục tăng lên, thu thập sức mạnh, ngay cả khi chúng ta ngủ. Đây là cách chúng đi tới định đoạt cuộc đời chúng ta, chết của chúng ta và tái sinh của chúng ta.
Chúng ta thường tự hỏi: “Mình sẽ thế nào khi mình chết?” Câu trả lời cho điều đó là ở chỗ bất kì trạng thái tâm trí nào chúng ta hiện nay đang có bây giờ, bất kì loại người nào chúng ta đang là bây giờ: đó là điều chúng ta sẽ giống vào khoảnh khắc chết, nếu chúng ta không thay đổi. Đây là lí do tại sao điều tuyệt đối quan trọng là dùng cuộc đời này để làm thuần khiết luồng tâm trí của chúng ta, và cũng thế cho cả con người cơ bản và tính cách của chúng ta, trong khi chúng ta còn có thể làm được.
CÁI NHÌN NGHIỆP
Chúng ta đi tới sống động như con người thế nào? Mọi người có nghiệp tương tự sẽ có cái nhìn chung về thế giới quanh họ, và tập hợp các cảm nhận này mà họ có chung được gọi là “cái nhìn nghiệp.” Tương ứng chặt chẽ đó giữa nghiệp của chúng ta và loại cõi giới trong đó chúng ta thấy bản thân chúng ta cũng giải thích cho các hình thể khác nhau nảy sinh thế nào: Bạn và tôi, chẳng hạn, là con người vì nghiệp chung cơ bản mà chúng ta cùng có.
Vậy mà bên trong cõi người, tất cả chúng ta có nghiệp cá nhân riêng của chúng ta. Chúng ta được sinh ra ở các nước, các thành phố hay các gia đình khác nhau; chúng ta có việc nuôi lớn, giáo dục, ảnh hưởng và niềm tin khác nhau, và mọi ước định này gộp lại là nghiệp. Từng người trong chúng ta là một tổng thể phức tạp các thói quen và hành động quá khứ, và do vậy chúng ta không thể làm gì ngoài việc nhìn mọi thứ theo cách cá nhân duy nhất của riêng chúng ta. Con người có vẻ nhiều phần như nhau nhưng cảm nhận mọi thứ hoàn toàn khác nhau, và từng người chúng ta sống trong thế giới cá nhân tách biệt và duy nhất của riêng chúng ta. Như Đại sư Kalu nói:
Nếu một trăm người ngủ và mơ, từng người trong số họ sẽ trải nghiệm một thế giới khác trong mơ của mình. Mơ của mọi người có thể được nói là thực, nhưng sẽ là vô nghĩa để xác quyết rằng chỉ mơ của người này là thế giới thực còn mơ của mọi người khác là ảo tưởng. Có chân lí cho từng người cảm nhận tương ứng với hình mẫu nghiệp ước định cảm nhận của người đó.[ii]
SÁU CÕI GIỚI
Sự tồn tại con người của chúng ta không phải là loại cái nhìn nghiệp duy nhất. Sáu cõi của sự tồn tại được nhận diện trong Phật giáo: thần, á thần, người, súc sinh, ngạ quỉ và địa ngục. Từng cõi trong chúng là kết quả của một trong sáu cảm xúc tiêu cực chính: kiêu ngạo, ghen tị, ham muốn, vô minh, tham lam và giận dữ.
Liệu các cõi này thực tại có tồn tại bên ngoài không? Thực ra, chúng có thể tồn tại bên ngoài miền cảm nhận của cái nhìn nghiệp của chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ quên: Điều chúng ta thấy là điều cái nhìn nghiệp của chúng ta cho phép chúng ta thấy, và không gì hơn. Cũng như chúng ta, trong trạng thái hiện tại, không được thuần khiết, và không được tiến hoá về cảm nhận của chúng ta, chỉ có thể nhận biết về vũ trụ này, một con côn trùng có thể thấy một trong các ngón tay của chúng ta là toàn thể phong cảnh trong bản thân nó. Chúng ta tự phụ tới mức chúng ta tin chỉ coi “thấy là tin.” Vậy mà giáo huấn Phật giáo vĩ đại nói về vô số thế giới trong các chiều khác nhau – thậm chí có thể có nhiều thế giới rất giống, hay chỉ giống như thế giới của chúng ta – và nhiều nhà thiên văn hiện đại đã phát triển các lí thuyết về sự tồn tại của các vũ trụ song song. Làm sao chúng ta có thể nói một cách dứt khoát cái gì tồn tại hay không tồn tại bên ngoài những giới hạn của cái nhìn giới hạn của chúng ta?
Nhìn vào thế giới xung quanh chúng ta, và nhìn vào trong tâm trí riêng của chúng ta, chúng ta có thể thấy rằng sáu cõi giới dứt khoát tồn tại. Chúng tồn tại theo cách chúng ta vô ý thức cho phép những cảm xúc tiêu cực của chúng ta phóng chiếu và kết tinh toàn bộ các cõi quanh chúng ta, và xác định ra kiểu cách, hình thể, hương vị và hoàn cảnh của cuộc đời chúng ta trong các cõi giới đó. Và chúng cũng tồn tại bên trong như những hạt mầm và khuynh hướng khác nhau của các cảm xúc tiêu cực đa dạng bên trong hệ thống tâm lí của chúng ta, bao giờ cũng sẵn sàng nảy nở và mọc ra, tuỳ theo ảnh hưởng nào tác động lên chúng và cách chúng ta chọn sống.
Chúng ta hãy nhìn vào cách thức một số trong các cõi giới này được phóng chiếu và kết tinh trong thế giới quanh ta. Đặc trưng chính của cõi thần, chẳng hạn, là ở chỗ nó không có khổ, một cõi của cái đẹp không thay đổi và cực lạc giác quan. Tưởng tượng về các thần: cao lớn, tóc vàng, nằm dài trên bãi biển và trong vườn tràn ngập ánh mặt trời rực rỡ, lắng nghe bất kì loại nhạc họ chọn, say sưa với mọi loại kích thích, cao trong thiền, yoga, rèn luyện thân thể và các cách cải thiện bản thân họ, nhưng không bao giờ yêu cầu não làm việc, không bao giờ đương đầu với bất kì tình huống phức tạp hay đau đớn nào, không bao giờ ý thức về bản tính thật của họ, và bị mê mẩn tới mức họ không bao giờ nhận biết về hoàn cảnh thực của họ là gì.
Nếu phần nào đó của California hay Australia nảy ra trong tâm trí chúng ta như cõi thần, bạn có thể thấy cõi á thần vận hành mọi ngày có lẽ trong các mưu đồ và sự kình địch của Phố Wall, hay trong các hành lang náo động của Washington và Nhà Trắng. Còn cõi ngạ quỉ? Chúng tồn tại ở bất kì chỗ nào mọi người, mặc dù rất giàu có, không bao giờ được thoả mãn, khao khát chiếm giữ công ti này công ti nọ, hay thể hiện ham muốn vô tận của mình trong các vụ án ở toà. Bật bất kì kênh ti vi nào lên là bạn ngay tức khắc đi vào thế giới của á thần và ngạ quỉ.
Chất lượng cuộc sống trong cõi thần có thể có vẻ cao hơn cõi của chúng ta, vậy mà các thầy bảo chúng ta rằng cuộc sống con người có giá trị hơn vô hạn lần. Tại sao? Vì chính sự kiện chúng ta có nhận biết và thông minh, cái là chất liệu thô cho chứng ngộ, và vì chính những khổ tràn ngập cõi người bản thân nó là sự thôi thúc biến đổi tâm linh. Đau, tiếc thương, mất mát và thất vọng không ngừng đủ mọi loại có đó vì chủ định thực và gây ấn tượng sâu sắc: đánh thức chúng ta, tạo khả năng và gần như buộc chúng ta phải phá vỡ vòng luân hồi và do đó giải thoát sự huy hoàng bị cầm tù của chúng ta.
Mọi truyền thống tâm linh đều nhấn mạnh rằng cuộc đời con người là duy nhất, và có tiềm năng mà bình thường chúng ta thậm chí khó bắt đầu tưởng tượng. Nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội mà cuộc đời này đem lại cho chúng ta để biến đổi bản thân chúng ta, họ nói, rất có thể phải qua một thời gian cực kì dài trước khi chúng ta có cơ hội khác. Tưởng tượng một con rùa mù, lang thang ở các chiều sâu của đại dương có kích thước cả vũ trụ. Nổi phía trên là một cái vòng gỗ, dập dờn trên sóng. Cứ một trăm năm con rùa mới nổi lên mặt nước một lần. Được sinh ra là người, theo lời các Phật tử, là khó khăn hơn là con rùa đó nổi lên mặt nước ngẫu nhiên đội đúng cái vòng gỗ. Ngay cả trong số những người được sinh trong kiếp người, người ta nói, những người có may mắn lớn tạo ra kết nối với những giáo huấn này là hiếm; và những người thực sự nhận chúng vào tim và cụ thể hoá chúng trong hành động của họ lại càng hiếm hơn nữa, thực ra, hiếm như “sao ban ngày.”
CÁNH CỬA CỦA CẢM NHẬN
Như tôi đã nói, cách chúng ta cảm nhận thế giới phụ thuộc toàn bộ vào cái nhìn nghiệp của chúng ta. Các thầy dùng một thí dụ truyền thống: sáu loại sinh linh khác nhau gặp bờ của một sông. Người trong nhóm này thấy sông là nước, chất để giặt rửa hay làm dịu cơn khát của mình; với con vật như cá, sông là nhà của nó; thần thấy sông như nước cam lồ đem đến phúc lạc, á thần xem nó như vũ khí; ngạ quỉ xem nó như mủ và máu thối; còn sinh linh ở cõi địa ngục xem nó như nham thạch lỏng. Nước vẫn là vậy, nhưng nó được cảm nhận theo những cách hoàn toàn khác nhau, thậm chí trái ngược.
Việc có nhiều cách cảm nhận này chỉ cho chúng ta rằng mọi cái nhìn nghiệp là ảo tưởng; vì nếu một chất có thể được cảm nhận theo nhiều cách thế, làm sao bất kì cái gì có thể có thực tại cố hữu, thực? Nó cũng chỉ cho chúng ta cách thức mà có thể một số người cảm thấy thế giới này như cõi trời, số khác coi như địa ngục.
Giáo huấn nói cho chúng ta rằng về bản chất có ba loại cái nhìn: “cái nhìn nghiệp, không thuần khiết” của người thường; “cái nhìn theo kinh nghiệm,” mở ra cho người tu luyện trong thiền và là con đường hay phương tiện của siêu việt; và “cái nhìn thuần khiết” của những người đã thực chứng. Người đã thực chứng, hay phật, sẽ cảm nhận thế giới này như cõi hoàn hảo tự phát, đầy đủ và thuần khiết một cách rực rỡ. Vì họ đã làm thuần khiết được mọi nguyên nhân của cái nhìn nghiệp, họ thấy mọi thứ một cách trực tiếp trong tính linh thiêng nguyên thuỷ, trần trụi của nó.
Mọi thứ chúng ta thấy xung quanh chúng ta được thấy như nó là vậy vì chúng ta đã từng củng cố lặp đi lặp lại kinh nghiệm của chúng ta về thực tại bên trong và bên ngoài theo cùng một cách, đời nọ tiếp đời kia, và điều này đã dẫn đến giả thiết sai lầm rằng điều chúng ta thấy là thực một cách khách quan. Thực ra, khi chúng ta đi xa hơn trên con đường tâm linh, chúng ta biết cách làm việc trực tiếp với cảm nhận cố định của chúng ta. Mọi khái niệm cũ của chúng ta về thế giới hay vật chất hay ngay cả bản thân chúng ta được làm thuần khiết và bị tan biến, và một điều hoàn toàn mới, điều bạn có thể gọi là trường nhìn và cảm nhận “siêu phàm” mở ra. Như Blake nói:
Nếu cánh cửa cảm nhận được lau sạch,
Mọi thứ sẽ xuất hiện … như nó vậy, vô hạn.[iii]
Tôi sẽ không bao giờ quên khi Đại sư Dudjom, trong khoảnh khắc thân mật, nghiêng người vào tôi và nói bằng giọng dịu dàng, khàn khàn hơi cao: “Con biết đấy, phải không, rằng về thực tại mọi thứ này xung quanh chúng ta đang ra đi, cứ ra đi…”
Tuy nhiên với phần lớn chúng ta, nghiệp và những cảm xúc tiêu cực che khuất năng lực thấy bản tính cố hữu riêng của chúng ta, và bản tính của thực tại. Kết quả là chúng ta bám lấy cả sướng lẫn khổ như là cái thực, và trong những hành động vô minh và vụng về của mình chúng ta tiếp tục gieo hạt mầm cho lần sinh tiếp của chúng ta. Hành động của chúng ta giữ chúng ta bị trói vào chu kì liên tục của sự tồn tại trần gian, với vòng sinh tử bất tận. Cho nên mọi thứ bị lâm nguy trong cách chúng ta sống bây giờ, tại chính khoảnh khắc này: Cách chúng ta sống bây giờ có thể làm tốn phí cho chúng ta toàn thể tương lai của chúng ta.
Đây là lí do thực và cấp bách tại sao chúng ta phải chuẩn bị từ bây giờ để gặp chết một cách khôn ngoan, để biến đổi tương lai nghiệp của chúng ta, và để tránh thảm kịch rơi đi rơi lại vào ảo tưởng và lặp lại vòng đau đớn của sinh và tử. Cuộc đời này là thời gian và chỗ duy nhất chúng ta có thể chuẩn bị, và chúng ta chỉ có thể thực sự chuẩn bị qua tu luyện tâm linh: Đây là thông điệp không tránh khỏi của trung ấm tự nhiên của cuộc đời này. Như Liên Hoa Sinh nói:
Giờ đây khi trung ấm của cuộc đời này đang bừng lên tôi,
Tôi sẽ bỏ lười nhác vì với điều đó sự sống không có thời gian,
Đi vào, không sao lãng, con đường của nghe và nghe thấy, suy ngẫm và suy tư, và thiền
Làm cảm nhận và tâm trí là con đường, và nhận ra “ba thân[iv]“: tâm trí chứng ngộ
Vì một khi tôi đã đạt tới thân người,
Không có thời gian trên đường để tâm trí lang thang.
TRÍ HUỆ NHẬN RA VÔ NGÃ
Đôi khi tôi tự hỏi một người ở một làng nhỏ Tây Tạng sẽ cảm thấy gì nếu đột nhiên bạn mang anh ta tới một thành phố hiện đại với đủ mọi công nghệ phức tạp của nó. Chắc là anh ta sẽ nghĩ anh ta đã chết và đang trong trạng thái trung ấm. Anh ta chắc phải há hốc mồm không tin được khi nhìn máy bay bay trên trời trên đầu anh ta, hay khi nhìn ai đó đang nói chuyện qua điện thoại với người khác ở đầu bên kia thế giới. Anh ta chắc sẽ cho là mình đang chứng kiến phép màu. Và vậy mà mọi điều này dường như bình thường với ai đó đang sống trong thế giới hiện đại với nền giáo dục Tây phương, với những giải thích từng bước một về nền tảng khoa học của những thứ đó.
Theo chính cùng cách, trong Phật giáo Tây Tạng có giáo dục tâm linh cơ sở, thông thường và cơ bản, có huấn luyện tâm linh đầy đủ về trung ấm tự nhiên của cuộc đời này, điều cho bạn các từ vựng bản chất, ABC về tâm trí. Cơ sở của việc huấn luyện này là cái được gọi là “ba công cụ trí huệ”: trí huệ về nghe và nghe thấy; trí huệ về suy tư và suy ngẫm; và trí huệ về thiền. Qua chúng, chúng ta được đưa tới đánh thức lại bản tính thực của chúng ta, qua chúng, chúng ta khám phá và đi tới cụ thể hoá niềm vui và tự do của điều chúng ta thực sự là gì, điều chúng ta gọi là “trí huệ nhận ra vô ngã.”
Tưởng tượng một cô gái đột nhiên thức dậy trong bệnh viện sau một tai nạn trên đường, thấy cô ấy đang bị mất trí nhớ hoàn toàn. Phía bên ngoài, mọi thứ vẫn nguyên vẹn: cô ấy có cùng khuôn mặt và hình thể, các giác quan và tâm trí của cô ấy có đó, nhưng cô ấy không có bất kì ý tưởng gì hay bất kì dấu vết kí ức nào về cô ấy thực sự là ai. Theo đích xác cùng cách, chúng ta không thể nhớ được căn cước thực của chúng ta, bản tính nguyên bản của chúng ta. Lo lắng, và trong khiếp sợ thực, chúng ta tìm cách nguỵ tạo ra căn cước khác, căn cước mà chúng ta bám lấy với mọi tuyệt vọng của ai đó liên tục ngã vào vực thẳm không đáy. Căn cước giả và được giả định một cách vô minh đó là “bản ngã.”
Thế thì, bản ngã là thiếu vắng của tri thức đúng về chúng ta thực sự là ai, cùng với kết quả của nó: giữ chặt cho đến chết, bằng mọi giá, sự cùng nhau tạm bợ này và hình ảnh tạm thời của bản thân chúng ta, cái ngã bịp bợm buộc phải thay đổi không tránh khỏi luôn giữ thay đổi và phải thay đổi, để giữ sống hư cấu về sự tồn tại của nó.
Trong tiếng Tây Tạng, bản ngã được gọi là dak dzin, nghĩa là “nắm giữ cái ngã.” Thế thì bản ngã được định nghĩa là những chuyển động không dừng của việc nắm giữ khái niệm hão huyền về “tôi” và “của tôi,” cái ngã và người khác, và tất cả những quan niệm, ý tưởng, ham muốn và hoạt động mà sẽ nâng đỡ cho kết cấu giả tạo đó. Việc nắm giữ như vậy là vô tích sự từ lúc bắt đầu và bị kết án là thất bại, vì không có cơ sở hay chân lí trong nó, và điều chúng ta nắm giữ bởi chính bản chất của nó là không thể nắm giữ được. Sự kiện rằng chúng ta cần nắm giữ mọi thứ và kiên tục nắm giữ chỉ ra rằng sâu trong con người của chúng ta, chúng ta biết rằng cái ngã không tồn tại một cách cố hữu. Từ bí mật này, tri thức đáng nản lòng đó bất ngờ làm xuất hiện mọi bất an ninh và sợ hãi cơ bản.
Chừng nào chúng ta còn chưa lột mặt nạ của bản ngã, nó vẫn tiếp tục đánh lừa chúng ta, giống như chính khách bẩn thỉu phô trương bất tận những lời hứa hẹn suông, hay như luật sư bịa đặt thường xuyên những điều dối trá và bào chữa lươn lẹo, hay như người dẫn chương trình nói chuyện cứ liến thoắng hàng tràng những lời ngọt ngào mà chẳng thuyết phục cái gì, thực tại chẳng nói cái gì chút nào.
Nhiều kiếp vô minh đã mang chúng ta đến chỗ đồng nhất toàn thể con người chúng ta với bản ngã. Thắng lợi lớn nhất của nó là tán tỉnh chúng ta tin những quyền lợi tốt nhất của nó là quyền lợi tốt nhất của chúng ta, và thậm chí tin vào việc đồng nhất chính sự sống còn của chúng ta với sự sống còn riêng của nó. Đây quả là sự mỉa mai ác ý nếu chúng ta xét rằng bản ngã và việc nắm giữ của nó là gốc rễ của mọi khổ của chúng ta. Vậy mà bản ngã có tính thuyết phục thế và chúng ta bị rơi vào sự lừa bịp này lâu đến mức ý nghĩ rằng chúng ta có thể trở thành vô ngã làm cho chúng ta kinh hãi. Là vô ngã, bản ngã thì thào với chúng ta, là mất mọi lãng mạn phong phú của việc là người, là bị thu lại thành robot không mầu hay thực vật chết não.
Bản ngã đóng vai sáng láng trên sợ hãi cơ bản của chúng ta về mất kiểm soát, và về cái không biết. Chúng ta có thể nói với bản thân chúng ta: “Mình phải thực sự buông bỏ bản ngã, mình đang trong đau thế; nhưng nếu mình buông bỏ, cái gì sẽ xảy ra cho mình?”
Bản ngã sẽ hoà theo ngay, nói một cách ngọt ngào: “Mình biết đôi khi mình cũng phiền hà đấy, và tin mình đi, mình hoàn toàn hiểu nếu mình muốn bản ngã ra đi. Nhưng đó có phải thực sự là điều mình muốn không? Nghĩ xem nào: bản ngã ra đi, cái gì sẽ xảy ra cho mình? Ai sẽ chăm nom mình? Ai sẽ bảo vệ và chăm chút cho mình như bản ngã đã làm mọi năm này?”
Và cho dù chúng ta có thấy xuyên thấu những dối trá của bản ngã, chúng ta quá sợ bỏ nó; vì không có bất kì tri thức đúng đắn nào về bản tính tâm trí chúng ta, hay về căn cước thực của chúng ta, chúng ta đơn giản không có phương án khác. Lặp đi lặp lại chúng ta nhượng bộ những đòi hỏi của nó với cùng cảm giác tự căm ghét buồn phiền như kẻ nghiện rượu cảm thấy khi với lấy rượu mà anh ta biết đang phá huỷ mình, hay như kẻ nghiện ma tuý dò dẫm tìm ma tuý mà vẫn biết sau một cơn bay bổng ngắn ngủi sẽ đem lại cho người đó sự chán chường tuyệt vọng.
Từ “Sách Tây Tạng về sống và chết”, Ch.8 Cuộc đời này Trung ấm tự nhiên
[i] Tulku Thondup, Buddha Mind (Ithaca, NY Snow Lion, 1989), 211.
[ii] Kalu Rinpoche, Essence of the Dharma (Delhi, India: Tibet House), 206.
[iii] From “The Marriage of Heaven and Hell,” Blake: Complete Writings (Oxford and New York- OUP, 1972), 154.
[iv] Ba thân là ba khía cạnh của bản tính thực của tâm trí được mô tả trong Chương 4: bản chất trống của nó, bản tính tự nhiên, và năng lượng tràn ngập khắp; cũng xem Chương 21, “Quá trình vũ trụ.”