Osho ơi, cái nhìn “không cái này không cái nọ” cho cảm giác phủ định thế. Làm sao tôi có thể chấp nhận hay thậm chí có tính sáng tạo được với điều này? Tôi cảm thấy bị rối toàn bộ.
Prem Helmut,
Tâm trí sống trong nhị nguyên của khẳng định và phủ định. Nó sống như con lắc, chuyển từ có sang không, từ không sang có. Nó không thể sống trong có tuyệt đối, nó không thể sống trong không tuyệt đối. Có tuyệt đối ngụ ý bây giờ không có khả năng nào cho con lắc chuyển đi bất kì chỗ nào. Không tuyệt đối cũng ngụ ý cùng điều: không không gian nào cho tâm trí chơi trò chơi. Bất kì cái gì tuyệt đối đều là chết cho tâm trí.
Có hai khả năng giết chết tâm trí, siêu việt trên tâm trí: hoặc có tuyệt đối hoặc không tuyệt đối. Upanishads đã dùng khả năng thứ nhất, có tuyệt đối, và Phật đã dùng khả năng thứ hai, không tuyệt đối. Nhưng nhìn sâu vào và bạn sẽ thấy chúng không khác biệt, chúng được bắc cầu bởi cùng một hiện tượng – tính tuyệt đối. Bất kì cái gì tuyệt đối đều trở thành mồ của tâm trí; nó cần tính nhị nguyên để tồn tại.
Đó là lí do tại sao bạn sợ phủ định tuyệt đối thế, vì trong cái tuyệt đối bạn bắt đầu biến mất. Bạn là tâm trí bạn. Tất nhiên, có cái gì đó nữa trong bạn hơn là tâm trí bạn, nhưng bạn không nhận biết về nó. Và khi bạn bắt đầu biến mất, nỗi sợ nảy sinh, lộn xộn nảy sinh; người ta hoảng sợ, người ta muốn bám lấy bất kì cái gì đang sẵn có để bám vào.
Chính bởi vì phép màu này của cái tuyệt đối mà Thượng đế đã là đồng nghĩa với cái tuyệt đối. Thượng đế ngụ ý cái tuyệt đối. Hoặc nói có tuyệt đối và tâm trí bạn biến mất, hoặc nói không tuyệt đối và tâm trí bạn biến mất.
Tại sao Phật đã chọn nói không tuyệt đối, tại sao không nói có tuyệt đối? Bởi lí do nào đó: với có tuyệt đối, có nguy hiểm. Nguy hiểm là ở chỗ bạn có thể không hiểu tính tuyệt đối của cái có; bạn có thể vẫn liên tục nghĩ rằng nó là tính khẳng định cũ của bạn. Với không tuyệt đối, nguy hiểm đó là không thể có được. Với không tuyệt đối, chết dường như là rõ ràng tới mức bạn không thể bỏ lỡ nó – do đó có rối ren.
Rối ren này là tốt. Đừng cố thoát khỏi nó, đi sâu hơn vào trong nó đi. Nó sẽ sớm trở thành hỗn độn – không chỉ rối ren mà hỗn độn. Khi mọi điều bạn đã biết về bản thân bạn bị tan tành, khi mọi điều bạn đã tin đã bay hơi, khi mọi điều bạn bị đồng nhất đã tuột ra khỏi tay bạn – chính đất dưới chân bạn không còn sẵn có, bạn đang rơi và rơi vào trong vực thẳm không đáy – đó là hỗn độn. Và chỉ từ hỗn độn sao được sinh ra. Từ hỗn độn có tính sáng tạo.
Bạn hỏi: Làm sao tôi có thể chấp nhận hay thậm chí sáng tạo với điều này?
Không có vấn đề về chấp nhận vì mọi chấp nhận ngụ ý rằng sâu bên dưới có bác bỏ. Bằng không, tại sao có câu hỏi về chấp nhận? Tại sao ngay chỗ đầu tiên bạn nghĩ tới chấp nhận? Bạn phải bác bỏ ở đâu đó.
Tôi không chấp nhận sống vì tôi không bác bỏ nó ngay chỗ đầu tiên. Nó đơn giản có đó, không bị bác bỏ không được chấp nhận. Nó là vậy. Phật gọi nó là tathata, như vậy.
Một người tới Phật và hỏi, “Chúng tôi nên làm gì với chết? Chúng tôi có nên chấp nhận nó không?”
Phật nói, “Không có vấn đề chấp nhận hay bác bỏ. Chết hiện hữu! Nó là như vậy. Như vậy là bản chất của mọi thứ: chúng được sinh ra một ngày nào đó, một ngày nào đó chúng chết đi.”
Tại sao bạn nghĩ về bác bỏ hay chấp nhận? Nếu bạn cố chấp nhận, điều đó đơn giản có nghĩa là một loại đè nén. Đầu tiên bạn phải đã bác bỏ; bạn phải vẫn đang bác bỏ và bạn đang che đậy việc bác bỏ của bạn bằng chấp nhận. Sâu bên dưới bạn giận và trên bề mặt bạn mỉm cười, bạn toàn là các nụ cười. Sâu bên dưới bạn buồn; trên bề mặt bạn cười và cố che giấu sự kiện này không chỉ với người khác mà với bản thân bạn nữa.
Friedrich Nietzsche đã nói, “Tôi cười vì tôi sợ rằng nếu tôi không cười tôi sẽ bắt đầu kêu và khóc. Tôi liên tục cười chỉ để né tránh khả năng của kêu và khóc. Tôi không muốn kêu và khóc. Tôi muốn quên rằng có nước mắt trong tôi.”
Nhưng đây chỉ là việc che đậy; tiếng cười này là không thực. Đây không phải là tiếng cười của chư phật – nó không thể thế được. Nó là nỗ lực tuyệt vọng của tâm trí chia chẻ. Đây là tinh thần phân liệt: phần này muốn khóc, phần kia đang cố che giấu điều đó. Bạn trong xung đột. Nhưng chúng ta được nuôi dưỡng trong xung đột, chúng ta đã học cách sống trong xung đột – điều này đã trở thành chính phong cách sống của chúng ta. Vấn đề không phải là chấp nhận.
Chấp nhận thực sự không phải là chấp nhận chút nào. Bạn sẽ ngạc nhiên bởi phát biểu của tôi: chấp nhận thực sự không phải là chấp nhận chút nào. Chấp nhận thực sự là việc thiếu vắng bác bỏ và chấp nhận. Người ta đơn giản biết rằng đây là cách mọi sự là vậy – tính như vậy của mọi sự vật, tathata.
Do đó có một trong những cái tên hay của Phật: Tathagata – Như Lai. Kinh sách Phật giáo bao giờ cũng dùng từ như lai – tathagata cho Phật: người sống trong sự như vậy, không bác bỏ không chấp nhận, đơn giản thấy bất kì cái gì là hoàn cảnh, chỉ phản xạ.
Và bạn hỏi tôi: Làm sao tính sáng tạo là có thể được từ tính phủ định tuyệt đối này? Bạn không biết bất kì cái gì về tính sáng tạo. Tính sáng tạo chỉ tới từ phủ định toàn bộ, nó bắt nguồn từ trống rỗng tuyệt đối. Toàn thế giới đã bắt nguồn từ hư không và toàn thế giới một ngày nào đó sẽ chuyển vào trong hư không.
Bây giờ các nhà khoa học đã tình cờ gặp một trong những khám phá quan trọng nhất đã từng có: khám phá ra lỗ đen. Họ nói rằng có vài chỗ trong sự tồn tại, mà có thể được gọi là lỗ đen, nơi nếu bất kì cái gì tới gần nó đều bị lỗ đen hút vào và biến mất, trở thành hư không.
Nhưng đây chỉ là một nửa câu chuyện; nửa kia vẫn còn để được khám phá. Tôi có thể dự đoán nó sẽ sớm được khám phá ra: lỗ trắng, phía bên kia của lỗ đen, từ đó mọi thứ bắt đầu đi ra từ hư không. Sự tồn tại đi vào trong nghỉ ngơi, thế thì hư không thịnh hành. Khi nghỉ ngơi qua rồi, sự tồn tại lại trở thành hoạt động, biểu lộ; thế thì tính sáng tạo thịnh hành. Tính sáng tạo bắt nguồn từ hư không.
Bạn càng là không ai cả, bạn càng biết rằng không có bản ngã trong bạn, tính sáng tạo sẽ càng tuôn chảy qua bạn. Bạn sẽ trở thành phương tiện, bạn sẽ trở thành lối chuyển. Bài ca sẽ trút ra từ bạn – và âm nhạc và tình yêu và niềm vui. Và bất kì cái gì bạn chạm vào sẽ được biến đổi thành vàng, và bất kì cái gì bạn nói sẽ có cái gì đó thơ ca trong nó, và bất kì cái gì bạn làm sẽ có duyên dáng, sẽ có cái gì đó thiêng liêng về nó, cái gì đó linh thiêng và thánh thiện.
Tính sáng tạo không là cái gì bạn phải làm; bạn là rào chắn – chính bởi vì bạn mà tính sáng tạo bị ngăn cản. Làm ra đường đi. Đừng đứng ở giữa. Chuyển bản thân bạn đi và để trống rỗng của bạn, trống rỗng bên trong của bạn, đối diện với sự tồn tại. Và trống rỗng bên trong đó sẽ phản xạ sự tồn tại và, từ phản xạ đó, tính sáng tạo được sinh ra.
Nhưng tôi không nói về tính sáng tạo bình thường: rằng bạn soạn thơ hay bạn vẽ bức tranh nhỏ hay bạn làm điêu khắc. Những thứ này có thể được làm mà không có tính sáng tạo; mọi điều bạn cần biết là nghệ thuật, là kĩ thuật làm chúng. Trong một trăm cái gọi là người sáng tạo, rất hiếm khi tìm ra một hay hai người là người sáng tạo thực; chín mươi chín phần trăm chỉ là người soạn, không là người sáng tạo. Họ biết cách đặt các lời lại với nhau, họ láu lính, họ tinh ranh, họ lắm mánh khoé; điều họ đang làm không phải là tính sáng tạo. Họ đang gắn mọi thứ lại với nhau – có thể trong bố trí mới, nhưng không có gì nguyên bản.
Cái nguyên bản bao giờ cũng tới từ trạng thái vô ngã, nó bao giờ cũng tới khi bạn vắng bóng. Khi bạn vắng bóng, tâm thức hiện hiện, Thượng đế hiện diện. Và thế thì cái gì đó huyền bí bắt đầu xảy ra, không phải bởi bạn mà qua bạn. Nó cho bạn cảm giác khiêm tốn lớn lao và lòng biết ơn.
Cho nên đừng lo nghĩ về tính phủ định tuyệt đối; đó là một trong những không gian đẹp nhất để hiện hữu trong đó. Người ta có thể ở trong không gian đó qua tính khẳng định tuyệt đối nữa, nhưng có nguy hiểm: tâm trí của bạn có thể giở trò với tính khẳng định tuyệt đối. Nhưng nó không thể giở trò được với tính phủ định tuyệt đối. Với tính khẳng định tuyệt đối nó vẫn có thể hi vọng vẫn còn theo cách này cách khác; tính khẳng định dường như là việc nương tựa, an toàn.
Do đó, ngoại trừ với Phật Gautam, mọi tôn giáo khác đã dùng cái khẳng định. Duy nhất Phật đã dùng cái phủ định. Nhưng bạn phải biết rằng nhiều người đã trở nên chứng ngộ qua cách tiếp cận của Phật Gautam hơn là qua mọi cách tiếp cận khác gắn lại bởi lẽ đơn giản là với cái phủ định tuyệt đối không có an toàn, không có chỗ nương tựa chút nào cho tâm trí, cho bản ngã. Nó là chết toàn bộ.
Đó là lí do tại sao bạn bị rối ren. Tôi sung sướng rằng bạn bị rối ren. Tôi sẽ sung sướng hơn nếu rối ren của bạn trở thành hỗn độn. Tôi sẽ càng sung sướng hơn nếu bạn biến mất trong lỗ đen, vì thế thì duy nhất một điều là có thể là bạn sẽ đi ra từ lỗ trắng. Bạn sẽ được phục sinh.
Đóng đinh là con đường của phục sinh. Chết là con đường của việc được tái sinh.
Từ “Bước trong thiền, ngồi trong thiền”, Ch. 4