Kĩ thuật biết người biết và chứng kiến

Bất kì khi nào bạn biết cái gì đó, nó được biết thông qua việc biết. Đối thể tới với tâm trí bạn qua năng lực hiểu biết. Bạn nhìn đoá hoa. Bạn biết đây là hoa hồng. Hoa hồng có đó và bạn ở bên trong. Cái gì đó từ bạn đi tới hoa hồng, cái gì đó từ bạn được phóng chiếu lên hoa hồng. Năng lượng nào đó chuyển đi từ bạn, tới hoa hồng, lấy hình dạng, mầu sắc và mùi của nó, và quay lại và thông báo cho bạn rằng đây là hoa hồng.

Mọi tri thức, bất kì cái gì bạn biết, được hiển lộ qua năng lực biết. Việc biết là năng lực của bạn. Tri thức được thu thập qua năng lực này. Nhưng việc biết làm lộ ra hai điều: cái được biết và người biết. Bất kì khi nào bạn biết hoa hồng, tri thức của bạn là một nửa nếu bạn quên người biết, người đang biết nó. Cho nên khi biết hoa hồng có ba điều: đoá hồng – cái được biết; và người biết – bạn; và mối quan hệ giữa hai điều này – tri thức.

Cho nên tri thức có thể được phân chia thành ba điểm: người biết, cái được biết và việc biết. Việc biết giống như chiếc cầu giữa hai điểm – chủ thể và đối thể. Bình thường tri thức của bạn chỉ làm lộ ra cái được biết; người biết vẫn còn không được lộ ra. Bình thường tri thức của bạn là mũi tên một chiều: nó trỏ tới hoa hồng nhưng nó không bao giờ trỏ tới bạn. Chừng nào nó chưa bắt đầu trỏ tới bạn, tri thức đó sẽ cho phép bạn biết về thế giới, sẽ không cho phép bạn biết về bản thân bạn.

Mọi kĩ thuật thiền là để làm lộ ra người biết. George Gurdjieff đã dùng một kĩ thuật đặc biệt cũng giống điều này. Ông ấy gọi nó là nhớ cái ngã. Ông ấy nói rằng bất kì khi nào bạn biết cái gì đó, bao giờ cũng nhớ tới người biết. Đừng quên nó trong đối thể. Nhớ tới chủ thể. Ngay bây giờ bạn đang nghe tôi. Khi bạn nghe tôi, bạn có thể lắng nghe theo hai cách. Một: tâm trí bạn có thể được hội tụ hướng tới tôi – thế thì bạn quên mất người nghe. Thế thì diễn giả được biết nhưng người nghe bị quên.

Gurdjieff nói rằng trong khi nghe, biết diễn giả và cũng biết người nghe. Tri thức của bạn phải là mũi tên kép, trỏ tới hai điểm – người biết và cái được biết. Nó phải không bay theo một hướng tới đối thể. Nó phải bay đồng thời theo hai hướng – cái được biết và người biết. Điều này ông ấy gọi là nhớ cái ngã.

Nhìn đoá hoa, cũng nhớ tới người đang nhìn. Khó đấy, bởi vì nếu bạn thử điều đó, nếu bạn thử nhận biết về người biết, bạn sẽ quên hoa hồng. Bạn đã trở nên bị cố định với một hướng tới mức điều đó sẽ cần thời gian. Nếu bạn trở nên nhận biết về người biết, thế thì cái được biết sẽ bị quên. Nếu bạn trở nên nhận biết về cái được biết, thế thì người biết sẽ bị quên.

Nhưng nỗ lực chút xíu, và dần dần bạn có thể nhận biết về cả hai đồng thời. Và khi bạn trở nên có năng lực nhận biết cả hai, điều này Gurdjieff gọi là nhớ cái ngã. Đây là một trong những kĩ thuật cổ nhất mà Phật đã dùng, và Gurdjieff giới thiệu nó cho thế giới phương tây.

Phật đã gọi là samyak smriti – chính niệm. Ông ấy nói rằng tâm trí bạn không phải trong chính niệm nếu nó chỉ biết một điểm. Nó phải biết cả hai. Và thế thì phép màu xảy ra: nếu bạn nhận biết cả hai cái được biết và người biết, đột nhiên bạn trở thành cái thứ ba – bạn không là cả hai. Chỉ bằng nỗ lực nhận biết cả hai cái được biết và người biết, bạn trở thành cái thứ ba, bạn trở thành nhân chứng. Khả năng thứ ba nảy sinh ngay lập tức – cái ngã chứng kiến đi vào hiện hữu – vì làm sao bạn có thể biết được cả hai? Nếu bạn là người biết, thế thì bạn vẫn còn bị cố định với một điểm. Trong nhớ cái ngã bạn dịch chuyển từ điểm cố định đó của người biết. Thế thì người biết là tâm trí bạn và cái được biết là thế giới, và bạn trở thành điểm thứ ba, cái ngã chứng kiến.

Điểm thứ ba này không thể được siêu việt lên, và cái mà không thể được siêu việt lên là cái tối thượng. Cái mà có thể được siêu việt lên là không có giá trị, vì thế thì nó không phải là bản tính của bạn – bạn có thể siêu việt nó.

Tôi sẽ thử giải thích nó qua một ví dụ. Trong đêm bạn ngủ và bạn mơ. Đến sáng bạn thức và mơ bị mất. Trong khi bạn thức không có mơ; thế giới khác đi vào trong cái nhìn của bạn. Bạn đi trên phố, bạn làm việc trong cơ xưởng hay trong văn phòng. Thế rồi bạn quay về nhà bạn, lần nữa bạn rơi vào giấc ngủ trong đêm. Thế thì thế giới này mà bạn đã biết trong khi bạn thức biến mất. Thế thì bạn không nhớ bạn là ai. Thế thì bạn không biết liệu bạn là đen hay trắng, nghèo hay giầu, khôn hay ngu. Bạn không biết bất kì cái gì. Bạn không biết liệu bạn là trẻ hay già. Bạn không biết liệu bạn là đàn ông hay đàn bà. Mọi điều có quan hệ với tâm thức thức biến mất; bạn đi vào thế giới mơ. Bạn quên thế giới thức; nó không còn nữa. Buổi sáng, thế giới mơ lại biến mất. Bạn quay lại.

Cái nào là thực? – vì trong khi bạn mơ, thế giới thực, thế giới bạn đã biết khi bạn thức, không còn nữa. Bạn không thể so sánh. Và khi bạn thức, thế giới mơ không còn nữa. Bạn không thể so sánh. Cái nào là thực? Tại sao bạn gọi thế giới mơ là không thực? Tiêu chí là gì?

Nếu bạn nói, ‘Vì nó biến mất khi tôi thức,’ điều này không thể là tiêu chí được, vì thế giới thức của bạn biến mất khi bạn mơ. Và thực sự, nếu bạn tranh cãi theo cách này, thế thì thế giới mơ có thể là thực hơn, vì trong khi bạn thức bạn có thể nhớ được mơ, nhưng trong khi bạn mơ bạn không thể nhớ được tâm thức thức và thế giới bao quanh nó. Cho nên cái nào là thực hơn và sâu hơn? Thế giới mơ tẩy sạch thế giới mà bạn gọi là thực. Thế giới thực của bạn không thể tẩy đi được thế giới mơ một cách toàn bộ thế; nó dường như vững chắc hơn, thực hơn. Và tiêu chí là gì? Nói thế nào? So sánh thế nào?

Mật tông nói rằng cả hai là không thực. Thế thì cái gì là thực? Mật tông nói rằng người biết thế giới mơ và người biết thế giới thức, người đó là thực – vì người đó không bao giờ siêu việt. Người đó không bao giờ bị cắt bỏ. Dù bạn mơ hay dù bạn thức, người đó có đó, không bị cắt bỏ.

Mật tông nói rằng người biết mơ, và người biết rằng bây giờ mơ đã dừng lại, người biết thế giới thức, và người biết rằng bây giờ thế giới thức đã biến mất, là cái thực. Vì không có vấn đề khi nào nó không có; nó bao giờ cũng có đó. Cái mà không thể bị cắt bỏ đi bởi bất kì trải nghiệm nào là cái thực. Cái mà không thể bị siêu việt, ở bên ngoài cái bạn không thể đi tới, là cái ngã của bạn. Nếu bạn có thể đi ra ngoài nó, thế thì nó không là cái ngã của bạn.

Phương pháp này của Gurdjieff, mà ông ấy gọi là nhớ cái ngã, hay phương pháp của Phật, mà ông ấy gọi là chính niệm, hay kinh mật tông này, dẫn tới một điều. Chúng dẫn bạn vào bên trong tới điểm mà không phải là cả cái được biết lẫn người biết, nhưng là cái ngã chứng kiến, cái biết cả hai.

Cái ngã chứng kiến này là cái tối thượng, bạn không thể đi ra ngoài nó, vì bây giờ bất kì cái gì bạn làm sẽ là việc chứng kiến. Bên ngoài việc chứng kiến bạn không thể đi được. Cho nên việc chứng kiến là nền móng tối thượng, nền đất cơ bản của tâm thức. Kinh này sẽ làm lộ nó ra cho bạn.

 

Từng vật được cảm nhận qua việc biết.

Cái ngã chiếu sáng trong không gian qua việc biết.

Cảm nhận người ta hiện hữu như người biết và cái được biết.

 

Nếu bạn có thể cảm nhận trong bản thân bạn một điểm mà là cả người biết và cái được biết, thế thì bạn đã siêu vệt trên đối thể và chủ thể cả hai. Thế thì bạn đã siêu việt trên vật chất và tâm trí cả hai; thế thì bạn đã siêu việt trên cái bên ngoài và cái bên trong cả hai. Bạn đã đi tới điểm mà người biết và cái được biết là một. Không có phân chia.

Với tâm trí, phân chia sẽ còn lại. Chỉ với cái ngã chứng kiến, phân chia biến mất. Với cái ngã chứng kiến, bạn không thể nói ai là cái được biết và ai là người biết – nó là cả hai. Nhưng điều này phải được dựa trên trải nghiệm, bằng không nó trở thành thảo luận triết lí. Cho nên thử nó đi, thực nghiệm đi.

 

Từ “Vigyan Bhairav Mật tông – tập 4, Ch.61”