Cho nên nhớ, chân lí không phải là ý kiến. Nó không phải là tri thức. Tri thức thay đổi, tri thức tích luỹ, sự kiện mới được khám phá. Tri thức không thể vẫn còn cùng một thứ. Cho nên chân lí không là tri thức. Khoa học thay đổi mọi ngày, bạn biết.
Mới vài năm trước, cái gì đó đã được coi là chân lí, bây giờ nó không còn được coi là chân lí. Chân lí của Newton không còn là chân lí. Einstein đã phá huỷ hoàn toàn thế giới của Newton. Chân lí của Einstein sẽ không còn là chân lí rất lâu. Chúng đang bị phá huỷ. Trong ba trăm năm của khoa học, ít nhất ba mươi lần cấu trúc của khoa học đã thay đổi. Cấu trúc thay đổi mọi ngày vì sự kiện mới được khám phá. Và không có tận cùng cho nó. Tri thức là thứ được tích luỹ.
Khi sự kiện mới được khám phá, bạn phải thay đổi lí thuyết cũ. Và có thể là bạn đã khám phá ra sự kiện mới vì lí thuyết cũ. Nhưng thế rồi sự kiện mới phải được xem xét và lí thuyết này phải được thay đổi. Khoa học liên tục thay đổi.
Bây giờ các nhà khoa học nói, “Chúng ta sẽ không bao giờ đi tới bất kì chân lí tuyệt đối nào. Tất cả đều là giả thuyết.” Với ‘giả thuyết’ họ ngụ ý nó là đúng vì nó làm việc, và nó là đúng chừng nào nó còn làm việc. Khi cái gì đó khác làm việc tốt hơn, cái đó sẽ là chân lí. Cho nên chân lí là thứ tiện dụng trong thế giới khoa học.
Nhưng trong tôn giáo, chân lí không là tri thức, không là ý kiến. Nó không phụ thuộc vào sự kiện. Chân lí là việc biết, thấy, hiện hữu. Chân lí chẳng liên quan gì tới đối thể, chân lí có cái gì đó liên quan tới tính chủ thể của bạn. Nó chẳng có cái gì liên quan tới việc thấy cái gì đó bên ngoài kia như một đối thể. Nó có cái gì đó liên quan tới chính phẩm chất của việc thấy của bạn, của cảm nhận của bạn, của cái nhìn của bạn. Đó là lí do tại sao ở Ấn Độ, chúng ta gọi triết học là darshan. Darshan ngụ ý năng lực thấy.
Cái bạn thấy là thế giới của khoa học; cách bạn thấy là thế giới của nghệ thuật. Và khi việc thấy là thuần khiết — về đối thể và về cách thấy nữa, khi việc thấy là thuần tuý cả khoa học và nghệ thuật — nó là tôn giáo. Để tôi nhắc lại nó cho bạn hiểu đúng nó.
Khi bạn nhìn vào một đối thể, chẳng hạn bạn nhìn vào cây, toàn thể ý thức của bạn được hướng vào cây như một đối thể. Chính từ ‘đối thể’ ngụ ý cái cản trở bạn. Nó đứng đó đối lập với bạn, bên ngoài bạn. Mũi tên đang nhắm vào cây, bạn đã quên mất bản thân bạn.
Nhà khoa học trong công việc hoàn toàn quên mất bản thân ông ta, ông ta phải vậy. Thực ra, đó là nền tảng của khoa học, rằng nhà khoa học phải không can nhiễu vào, rằng ông ấy phải không mang vào bất kì giá trị nào, rằng ông ấy phải không mang vào bất kì phán xét nào, rằng ông ấy phải không mang vào bất kì ưa thích nào — những cái thích và không thích — ông ấy phải là người quan sát tách rời, phải được tách rời. Ông ấy phải gần như không có ở đó, chỉ là người quan sát. Và dù sự kiện là bất kì cái gì, ông ấy phải ghi nhận nó như nó vậy. Đó là tính khách quan.
Thế rồi tới nhà thơ, hay hoạ sĩ, hay ca sĩ nhìn vào cây. Ông ấy cũng nhìn cây, nhưng ông ấy mang vào cái gì đó khác — ông ấy không còn là người quan sát tách rời. Ông ấy là người yêu; ông ấy mang phẩm chất thẩm mĩ cho cái nhìn của ông ấy. Ông ấy đang đi tìm cái đẹp. Ông ấy có việc nghiêng nào đó tới cái đẹp; có chủ định, không chủ định, ông ấy đang tìm cái đẹp. Ông ấy sẽ thấy cái đẹp trong cùng cây mơi nhà khoa học sẽ chỉ thấy hoá chất. Nhà khoa học sẽ chỉ thấy mầu sắc, nhưng hoạ sĩ sẽ thấy cái gì đó khác — không chỉ mầu sắc, mà hình mẫu, động thái của mầu sắc, thơ ca của mầu sắc. Nhà khoa học sẽ đơn giản đo trọng lượng của cây, hay chiều cao. Nhà thơ không quan tâm tới chiều cao hay việc đo; ông ấy quan tâm tới linh hồn của cây, không phải lớp da bên ngoài của cây mà hiện hữu bên trong của cây — chính linh hồn của cây. Nhà thơ đối xử với cây như với người, như mục đích lên bản thân nó.
Nhà khoa học nhìn với con mắt tiện dụng; nhà thơ nhìn với con mắt thẩm mĩ — ông ấy mang phương pháp luận về cách nhìn vào cây. Có nhiều cách, cách thơ ca, của việc nhìn vào cây; chỉ thế thì cây mới làm lộ ra cái đẹp của nó và điều bí ẩn của nó. Khi người tôn giáo nhìn vào cây, người đó không quan tâm tới tính đối thể của cây, không quan tâm tới cái đẹp của cây. Người đó quan tâm nhiều hơn tới năng lực thấy của người đó. Người đó quan tâm hơn tới câu hỏi: “Điều này, cái phản xạ cây bên trong tôi là gì? Ai là chủ thể này? Tôi là ai?”
Nhà khoa học hỏi: “Ai đang cản trở con đường của tôi?” Và người tôn giáo hỏi: “Tôi là ai, người đang bị cản trở bởi cây này?” Câu hỏi này lấy lối ngoặt toàn bộ — lối ngoặt một trăm tám mươi độ. Nghệ sĩ đứng giữa người tôn giáo và nhà khoa học — ở giữa. Nghệ sĩ là chiếc cầu: nghệ sĩ có cái gì đó của nhà khoa học và cái gì đó của nhà huyền bí. Người đó là nửa-nửa. Đó là lí do tại sao nghệ sĩ là người rất căng thẳng — họ bị kéo theo hai hướng. Nghệ sĩ phát điên rất dễ dàng. Ông ấy thường xuyên bị lôi vào hai hướng đối lập, đối lập đối xứng — cái gì đó của chủ thể và cái gì đó của đối thể. Và ông ấy chẳng thoải mái ở đâu cả.
Nhà khoa học thoải mái với đối thể; người tôn giáo thoải mái với chủ thể của mình. Chân lí không là đối thể, chân lí không là sự kiện; nó là việc nhận ra. Và khi chân lí xảy ra, nó xảy ra trong tính toàn bộ.
Điều khác cần được hiểu, thế thì câu chuyện này sẽ rất đơn giản và bạn sẽ thích nó và bạn sẽ có khả năng suy ngẫm con đường của bạn vào trong nó.
Sự kiện tới từng cái một. Bạn không bao giờ có thể chắc chắn rằng bạn đã biết mọi sự kiện. Những cách nhìn mới, nhưng công cụ mới, phương cách mới, và bạn có thể đi tới biết các sự kiện mới về điều cũ. Sự kiện là vô tận, chúng tới theo từng phần, dưới dạng tuần tự — cái này tới, thế rồi cái khác tới. Chúng đang đứng xếp hàng. Chúng tới dần dần. Vâng, Newton đã biết một số sự kiện, Einstein biết nhiều hơn, Heisenberg thậm chí còn biết nhiều hơn, vân vân và vân vân. Con bạn sẽ biết nhiều hơn bạn biết về thế giới sự kiện. Con họ thậm chí sẽ biết nhiều hơn. Đó là lí do tại sao một người đi học khoa học, người đó nghĩ bố mẹ người đó là ngu. Một cách tự nhiên, vì người đó biết nhiều hơn.
Tri thức liên tục tăng lên. Và không có kết thúc cho nó, và nó không bao giờ có tính kết luận. Không có khoảnh khắc nào mà bạn có thể nói, “Bây giờ, đây là kết luận.”
Chân lí xảy ra trong tính toàn bộ, như một toàn bộ. Đột nhiên, nó có đó, trong mọi hiện hữu của nó. Không phải là trước hết bạn biết chút ít về Thượng đế, thế rồi thêm chút nữa, thế rồi thêm chút nữa — không. Nó giống như tia sét. Cái toàn thể được hiển lộ. Đó là nghĩa của từ ‘khải lộ’.
Sự kiện được khám phá và chân lí được hiển lộ. Nó tới toàn bộ, nó có tính kết luận. Đó là lí do tại sao chân lí tạo ra tin cậy; hoài nghi đơn giản biến mất. Kết luận đã tới.
Chân lí mà người tôn giáo đang nói tới — Phật và Jesus — là khải lộ. Và điều khác: việc hiểu ra này không phải là cái gì đó mới mà bạn đã đạt tới hôm nay. Nó là cái gì đó bao giờ cũng đã có đó rồi, cái đã có đó nhưng là cái mà bạn đã không nhìn vào. Bạn đã quay lưng lại nó. Cho nên việc hiểu ra không là gì ngoài việc nhận ra.
Tôi đã đọc một chuyện Thiền:
Một hôm Bách Trượng đi dạo cùng với Thầy của ông ấy Mã Tổ thì một đàn vịt trời bay qua trên đầu.
“Đó là cái gì?” Mã Tổ hỏi.
“Vịt trời.”
“Bay đi đâu?”
“Bay mất rồi, thưa thầy.”
Mã Tổ bèn nắm mũi Bách Trượng và véo mạnh một cái, đau quá Bách Trượng kêu lên, “Ái, ái!”
“Ông nói chúng đã bay mất,” Mã Tổ nói, “nhưng thực sự chúng vẫn ở đây từ chính lúc bắt đầu.”
Chúng có thể bay mất đi đâu? Chỗ nào? Không có chỗ nào để đi, chúng bao giờ cũng ở đây, và chúng đang ở đây. Không có chỗ nào khác hơn ờ đây, và không có lúc nào khác hơn bây giờ.
Mã Tổ là một Thầy lớn. Bản thân Bách Trượng đã trở thành một Thầy lớn. Câu chuyện này đã xảy ra trước khi bản thân ông ấy trở thành Thầy. Vịt trời đang bay, một cách tự nhiên, Mã Tổ hỏi, “Chúng đã bay đi đâu? Bây giờ chúng ở đâu?” Và đệ tử này trả lời, “Chúng đã bay mất rồi.”
Bây giờ là chỗ ngoặt trong câu chuyện này. Các Thiền sư dùng bất kì phương cách nào. Ông ấy véo mũi đệ tử của ông ấy cho tới khi bị đau quá, Bách Trượng kêu lên, “Ái, ái!”
“Ông nói chúng đã bay mất,” Mã Tổ nói, “nhưng thực ra chúng đã từng ở đây từ chính lúc bắt đầu. Và chúng đang ở đây! Và chúng sẽ ở đây. Không cái gì có thể đi ra ngoài sự tồn tại và không cái gì có thể tới trong sự tồn tại. Mọi thứ đơn giản hiện hữu!”
Sự tồn tại là đồng thời. Chúng ta đang ngồi đây. Trên trời, mặt trời có đó và mây. Và bên ngoài mặt trời, sao và sao và sao — vô tận. Có những ngôi sao phải mất hàng triệu năm để ánh sáng tới trái đất. Có những ngôi sao ánh sáng còn chưa tới từ khi trái đất đi vào sự tồn tại. Và có những ngôi sao mà ánh sáng của nó có thể chẳng bao giờ tới được trái đất vì chúng ở xa xăm thế. Nhưng tất cả chúng ta tồn tại đồng thời. Vào khoảnh khắc này những ngôi sao đó đang ở trong sự tồn tại như chúng ta ở trong sự tồn tại.
Thế giới là đồng thời, nó không phải là theo một dãy. Mọi sự không đứng trong hàng đợi. Chúng ta tất cả đều cùng nhau. Bất kì ai có thể đi đâu được?
Khi Raman Maharshi sắp chết, ai đó khóc và nói, “Bhagwan, thầy đang bỏ chúng tôi sao?”
Ông ấy mở mắt ra và ông ấy nói, “Chỗ nào? Nhưng ta có thể đi đâu? Ta sẽ ở đây. Ông thoải mái đi. Ta có thể đi đâu được?”
Ramakrishna sắp chết và vợ ông ấy bắt đầu khóc, cũng là điều tự nhiên. Và Ramakrishna nói, “Thôi khóc đi! Em đã không nghe anh sao? Em đã không nhìn anh sao? Việc sống cùng anh chỉ là vô nghĩa sao? Nhìn anh đây! Anh có thể đi đâu được? Anh sẽ ở đây.”
Mọi thứ hiện hữu. Mọi điều bạn cần biết chân lí là ở chỗ bạn phải không bị bận tâm. Đó là điều thiền tất cả là gì. Nếu bạn cũng ở đây bây giờ, không ý nghĩ nào vẩn vơ trong tâm trí bạn… vì ý nghĩ đem bạn đi lạc lối. Chúng hoặc đem bạn vào quá khứ hoặc chúng đem bạn vào tương lai. Chúng không cho phép bạn ở hiện tại. Chúng đóng cửa lại. Mắt bạn trở nên bị che mờ, gương của bạn trở thành quá nặng với bụi. Thế thì nó không phản xạ được cái gì. Khi không có ý nghĩ trong tâm trí, chân lí hiện hữu. Hay để tôi nói điều đó theo cách khác: khi tâm trí không hiện hữu, chân lí hiện hữu.
Tâm trí là rào chắn. Tâm trí bị bỏ đi, chân lí được khải lộ, được nhận ra. Bây giờ bạn có thể thấy sự khác biệt. Tri thức là qua tâm trí, còn chân lí là qua vô trí. Tri thức là kí ức; chân lí là việc biến mất kí ức, tâm trí và tất cả.
Một sư hỏi Vân Môn — Vân Môn là một trong rất ít Thiền sư mà từng phát biểu của ông ấy đều là kim cương — “Hoạt động của vị Phật là gì?”
Vân Môn trả lời, “Ta không có chút ý tưởng nào” — và bản thân ông ấy đã là Phật, người đã thức tỉnh đầy đủ. Và ông ấy nói, “Ta không có chút ý tưởng nào.”
Thế rồi sư này nói, “Tại sao thầy không có ý tưởng nào?”
Vân Môn đáp, “Ta chỉ muốn giữ vô ý tưởng.”
Một phát biểu hay vô cùng: “Ta chỉ muốn giữ vô ý tưởng” — vì ở trong vô ý tưởng người ta là chân lí. Khi không có ý nghĩ, bạn là chân lí; khi có ý nghĩ, bạn lại bị che mờ, bạn đã mất lối.
Một lần khác một người tìm kiếm tới Vân Môn, và ông ấy đang ở trong vườn. Và người tìm kiếm nói, “Thưa thầy, thầy biết nhiều vậy. Tôi bao giờ cũng phân vân làm sao thầy biết nhiều vậy!”
Vân Môn cười ha hả và nói, “Biết sao? Ông đang nói về cái gì vậy? Ta chẳng biết một thứ nào. Ta là một trong những người dốt nhất trên thế gian.”
Người này nói, “Sao thầy nói điều đó? Tri thức chẳng phải là tốt sao? ”
Vân Môn nói, “Tri thức có thể tốt, nhưng dốt nát là rất thân thiết.”
Dốt nát là rất thân thiết. Tri thức có thể là tốt — tri thức có thể là tốt hay xấu, nhưng không bao giờ thân thiết. Nó là cái gì đó xa lạ, cái gì đó ngoại lai, bạn thu được nó từ bên ngoài. Nó không bao giờ thân thiết. Nhưng không biết là rất thân thiết.
Từ “Thiền: con đường của nghịch lí”, t.3, ch.3