Bất thần và tiến dần

Hubert Benoit gọi Thiền là ‘học thuyết đột ngột’ như đối lập với mọi học thuyết khác mà ông ấy gọi là ‘học thuyết tiến dần’. Vì điều đầu tiên, với Thiền, ông ấy dùng số ít, còn với các học thuyết khác dùng số nhiều – vì học thuyết đột ngột chỉ có thể là một. Nhưng có thể có nhiều học thuyết tiến dần như có nhiều người; từng người có tiến bộ theo cách riêng của mình. Cho nên có thể có hàng triệu học thuyết tiến dần – ông ấy là đúng trong việc dùng số nhiều – và học thuyết đột ngột chỉ có thể là một. Nó không thể khác cho những người khác nhau, vì nó là đột ngột. Nó không phụ thuộc vào bạn, bạn là ai, nó chỉ phụ thuộc vào một điều: rằng bạn biến mất. Và sự biến mất là đột ngột, bất thần. Điểm này phải được hiểu vì nó là rất nền tảng cho Thiền.

Yoga là học thuyết tiến dần; Thiền, học thuyết đột ngột. Đó là cái nhìn nền tảng của nó – có cái đẹp lớn lao và vĩ đại. Nó đơn giản ngụ ý một điều: rằng Phật tính không phải là cái gì để được đạt tới. Trong Yoga samadhi phải được đạt tới: bạn phải hoàn thiện trên bản thân bạn, bạn phải đi tiếp và làm việc trên bản thân bạn. Nó là một chương trình hoàn thiện lớn, chương trình thành đạt, chương trình hoàn thành. Trong Thiền mọi điều bạn phải tìm là ở chỗ bạn đã là Phật rồi, rằng không có hoàn thành, rằng không có trưởng thành, rằng không có đạt tới, rằng Phật tính là bản tính bên trong của mọi người.

Mọi người là Phật; dù bạn biết điều đó hay không thì cũng không tạo ra khác biệt gì. Vài chư phật đang ngủ say và ngáy, vài chư phật đã trở nên thức tỉnh, nhưng cả hai đều là chư phật.

Trong Thiền không có phương pháp. Không phải là Thiền sư không cho phương pháp cho đệ tử của họ, họ có cho – họ cho phương pháp chỉ để chứng tỏ cho bạn, cho ham muốn và sự hài lòng của trái tim bạn, rằng mọi phương pháp là vô dụng. Họ cho các phương pháp để cho bạn làm việc trên phương pháp, và dần dần, dần dần bạn thấy ra cái vô tích sự của nó. Khoảnh khắc bạn thấy ra cái vô tích sự của một phương pháp và bạn được kết thúc với cái đó, phương pháp cao hơn sẽ được trao cho bạn và cứ thế tiếp tục. Các phương pháp mỗi lúc cao hơn sẽ được cho; và chung cuộc, dần dần, dần dần bạn sẽ không bám vào mọi phương pháp vì bạn sẽ thấy cái vô tích sự của tất cả chúng.

Một ngày nào đó bạn sẽ đi tới điểm mà bạn sẽ thấy rằng chẳng có gì để được đạt tới, không đâu mà đi. Khoảnh khắc đó trong Thiền được gọi là ‘hoài nghi lớn’. Khoảnh khắc đó được biết ở phương Tây qua các nhà huyền bí Ki tô giáo là ‘đêm tối của hồn’. Nó thực sự là đêm tối của hồn, hoài nghi lớn. Không cái gì được đạt tới, không đâu mà đi, mọi tương lai biến mất; bạn ở trong một loại choáng. Thế thì bạn là ai? Thế thì bạn đang làm gì ở đây? Thế thì tại sao có sự tồn tại này? Mọi thứ dường như vô nghĩa nếu không có đạt tới, nếu không có cách nào đạt tới và không có chỗ nào để đạt tới và không có ai để đạt tới. Thế thì tất cả những cái này là gì? Hoài nghi lớn nảy sinh.

Hoài nghi nào đi trước tỏ ngộ satori? Hoài nghi lớn này, đêm tối này của hồn, bao giờ cũng đi trước tỏ ngộ. Hoặc bạn rơi trở lại vì hoài nghi này – bạn bắt đầu lại đi vào trong các phương pháp, bạn lại bắt đầu bám lấy các phương pháp, con đường và cách thức, và kinh sách và nguyên lí và triết lí và học thuyết. Bạn rơi trở lại; chỉ để tránh hoài nghi bạn bắt đầu bám lấy cái gì đó lần nữa. Nhưng nếu bạn thực sự dũng cảm… Và đây là dũng cảm thực: rằng bạn vẫn còn trong hoài nghi, và bạn không rơi trở lại, và bạn không bám vào bất kì cái gì lần nữa. Bạn bỏ bản thân bạn trong đêm tối này của hồn, bất lực, mất hút – hoàn toàn mất hút, không thấy nghĩa và không thấy tương lai. Nếu dũng cảm này có đó, tỏ ngộ xảy ra. Đột nhiên, từ hoài nghi lớn này, và nỗi đau và phiền não của nó, bạn trở nên thức tỉnh.

Điều song song tồn tại trong ác mộng. Bạn phải đã thấy nó xảy ra lặp đi lặp lại: nếu ác mộng là quá khủng khiếp, mơ bị tan vỡ. Bạn có thể liên tục mơ những giấc mơ dịu ngọt cả đêm; không có vấn đề gì. Mơ dịu ngọt tới mức nó giống như điệu ru: nó giữ bạn say sưa, ngất ngây. Nhưng nếu mơ là khủng khiếp? – bạn bị hổ đuổi theo, và con hổ đang tới mỗi lúc gần hơn và gần hơn và gần hơn; và sợ… và tim bạn đang đập nhanh, và hơi thở của bạn không còn nhịp điệu, và bạn vã mồ hôi; và bạn chạy và chạy, dường như không có lối thoát, và thế rồi bất thần bạn thấy rằng con được đã kết thúc trong vực thẳm, không còn đường nào mà đi; và con hổ đang tới mỗi lúc một gần hơn, bạn gần như có thể cảm thấy hơi thở của nó trên lưng bạn; và thế rồi móng vuốt của nó… và dòng máu chảy ra từ lưng bạn – bạn có thể tiếp tục vẫn ngủ được không? Ác mộng là quá nhiều; nó nhất định phá huỷ giấc ngủ của bạn. Đột ngột, bất thần, bạn tỉnh dậy. Nó giống như cú nhảy bất thần từ trạng thái tâm thức này sang trạng thái khác. Một khoảnh khắc trước bạn đã ngủ, giờ bạn thức. Không có hổ, chỉ vợ bạn – và tay cô ấy để trên lưng bạn, và hơi thở của cô ấy… Mọi thứ đã biến mất.

Hoài nghi lớn là điểm mà người ta cảm thấy ác mộng lớn nhất, nơi cả đời người ta biến thành ác mộng với mắt mở. Khi bạn thấy rằng toàn thể cuộc sống đã mất nghĩa… Vì sự sống có nghĩa chỉ nếu bạn có mục đích. Khi bạn được tôn cao bởi các mục đích, cuộc sống có nghĩa; khi không có mục đích, nghĩa biến mất. Đột nhiên bạn thấy rằng bạn không có bất kì nền đất nào dưới chân bạn; bạn đang treo trong trống rống. Bạn đang rơi như chiếc lá khô vào trong cái hố không đáy, không biết nào đó, và nó toàn là tối tăm, và thậm chí không có một tia sáng.

Đây là công việc của Thiền sư: đẩy bạn vào trong hoài nghi lớn này. Một khi điều này xảy ra, tỏ ngộ nhất định xảy ra chừng nào bạn không rơi trở lại và bắt đầu mơ những giấc mơ dịu ngọt.

Ở cùng với Thầy thực là ở trong lửa. Ở cùng Thầy thực là đối diện với chết của bạn, là đối diện với sự triệt tiêu của bạn. Đó là lí do tại sao Thiền được biết như chứng ngộ bất thần, học thuyết đột ngột.

Hubert Benoit cũng nói rằng tỏ ngộ có hai nghĩa. Một là trạng thái tỏ ngộ trong đó mọi người hiện hữu: chim và cây và núi và bạn và mọi chư phật – quá khứ, hiện tại, tương lai. Toàn thể sự tồn tại là trong trạng thái tỏ ngộ. Đây là cách nói khác rằng Thượng đế ở mọi nơi, trong mọi thứ; rằng Thượng đế là hồn của mọi thứ. Phật tính là bản tính của mọi người. Và nghĩa thứ hai là biến cố tỏ ngộ. Mọi người từ mọi vĩnh hằng là trong trạng thái tỏ ngộ. Biến cố tỏ ngộ chỉ là chốc lát giai thoại, lịch sử, khi con người đột nhiên dừng việc không nhận ra rằng mình bao giờ cũng ở trong trạng thái tỏ ngộ.

Bạn là Phật. Khi bạn nhận ra điều đó, hay khi bạn nhớ điều đó, đó là biến cố tỏ ngộ. Biến cố tỏ ngộ chỉ là cửa sổ nhìn vào trạng thái tỏ ngộ, và biến cố tỏ ngộ này rõ ràng có thực tại chỉ trong con mắt của người chưa trải nghiệm nó. Người đã trải nghiệm nó nhận ra rằng người đó bao giờ cũng trong tỏ ngộ. Đó là lí do tại sao chúng ta không thể nói về tiến bộ, tiến hoá, đạt tới, nhận ra, vân vân và vân vân.

Thầy của Huyền Giác, Huệ Năng, nói ‘Không có hoàn thành. Không có nhận ra.’ Và thế rồi điều theo sau như chuyện tất nhiên là ở chỗ nỗ lực hướng tới nhận ra toàn là vô dụng.

Thế thì tại sao Thiền nhân làm nỗ lực? – chỉ để thấy ra cái vô tích sự của chúng. Dần dần cái vô tích sự được chứng minh, và thế thì người ta bị bỏ lại chỉ với một câu hỏi thường hằng. Trong Thiền nó được gọi là ‘hoài nghi lớn’; việc này đi trước biến cố tỏ ngộ. Việc nhận ra tỏ ngộ bao gồm việc nhận ra rằng ý tưởng về nhận ra là ảo vọng, và ý tưởng về con đường để nhận ra là ảo vọng, vì mọi thứ là việc nhận ra từ chính lúc ban đầu – nó đã là hoàn cảnh.

Đây là cái nhìn nền tảng nhất của Thiền. Nếu bạn hiểu nó, thế thì Chứng đạo ca, Bài ca chứng ngộ, của Huyền Giác Đại sư, có thể dễ dàng được hiểu.

 

Từ “Mặt trời mọc buổi tối”, Ch.1