Toàn thể nhân loại đều khổ từ hoài niệm. Vâng, tôi gọi nó là khổ – nó là bệnh. Nó xảy ra chỉ bởi vì chúng ta không có khả năng sống trong hiện tại một cách toàn bộ, đam mê, mãnh liệt. Thế thì tâm trí bắt đầu làm ra cái thay thế cho hiện tại, và thế thì có hai khả năng: hoặc bạn đi tới quá khứ hoặc bạn đi tới tương lai. Quá khứ không tồn tại mà tương lai cũng không tồn tại: quá khứ không còn nữa, tương lai chưa có. Mọi cái tồn tại đều là khoảnh khắc này, chỉ khoảnh khắc này. Bây giờ là thời gian thực duy nhất và ở đây là không gian thực duy nhất.
Nhưng bất kì khi nào bạn trở nên bị ám ảnh bởi quá khứ hay tương lai việc đó đơn giản chỉ ra một điều: chạy trốn khỏi hiện tại, chạy trốn khỏi sự tồn tại. Và tại sao người ta muốn chạy trốn khỏi sự tồn tại? Tại sao người ta muốn trốn vào trong kí ức hay trong tưởng tượng? Chỉ có thể có một lí do: bạn không biết cách sống bây giờ, bạn không biết nghệ thuật vào hoà điệu với thực tại. Vì sự hiện diện của bạn là trống rỗng thế, vô nghĩa thế, bạn phải bù lại nó bằng cái gì đó.
Cách dễ hơn là bù nó bằng quá khứ vì quá khứ đã có thời tồn tại; nó đã để lại dấu chân trên cát của kí ức của bạn, cho nên rơi trở lại là dễ dàng hơn. Quá khứ dường như thực chất hơn tương lai, do đó chín mươi chín phần trăm mọi người đều rơi vào quá khứ. Chỉ một phần trăm – các nhà thơ, người nhìn xa, nghệ sĩ – nhìn tới tương lai, họ bù cho hiện tại của họ bằng tương lai. Nhưng về căn bản cả hai đều đang làm cùng một điều; ít hay nhiều mọi người đều đang làm điều đó theo cách riêng của mình.
Hoài niệm có nghĩa là không có tính thiền, vô nhận biết, vô ý thức, và nó là bài tập cực kì vô tích sự, bài tập tuyệt đối vô tích sự. Bạn không thể được nuôi dưỡng bằng quá khứ, không có cách nào để sống nó lần nữa, nhưng bạn có thể sống nó trong kí ức. Sống trong kí ức là một hành động trống rỗng.
Cho nên điều đầu tiên, Ronald, là nhớ rằng không chỉ bạn chịu khổ từ hoài niệm, mọi người đều vậy mặc dầu có thể là tương đối khác nhau.
Và những người sống trong quá khứ cũng đang phóng chiếu quá khứ của họ, vì bạn có thể lấy vật liệu ở chỗ nào khác để làm ra giấc mơ tương lai? Họ sẽ lấy nó từ kí ức. Họ sẽ sửa đổi quá khứ của họ, trang điểm quá khứ đó, làm các tổ hợp mới của quá khứ và tạo ra tương lai – cõi trời tương lai. Và điều này là đúng về các cá nhân và về cả xã hội nữa.
Các xã hội cũ, chẳng hạn, Ấn Độ, sống trong quá khứ. Thời đại vàng của Ấn Độ đã qua rồi. Trong tương lai chỉ có bóng tối và không gì khác; tương lai không giữ hi vọng nào. Cho nên Ấn Độ rơi trở lại quá khứ.
Điều đó xảy ra cho mọi cá nhân trong tuổi già của mình – nó là một chỉ báo về tuổi già – vì người già không thể nhìn lên trước được, không có gì ở đó ngoài cái chết. Nếu người đó nhìn vào tương lai người đó có thể nghe thấy tiếng bước chân của chết đang tới ngày càng gần hơn và gần hơn. Điều đó gây kinh hoàng. Người đó đóng chiếc cửa đó hoàn toàn, người đó nhìn lại sau. Nó đẹp hơn – mọi kí ức đó của thời thanh niên và thời thơ ấu…
Đứa trẻ sống trong tương lai vì nó không có quá khứ. Nó bao giờ cũng hi vọng ln lên sớm nhất có thể, nhanh chóng nhất có thể được. Cùng điều đó là đúng về các xã hội trẻ, chẳng hạn, Mĩ: toàn thể lịch sử của nó chỉ mới ba trăm tuổi. Ấn Độ đã tồn tại trong ít nhất mười nghìn năm; nhiều hơn là có thể nhưng không ít hơn. Mười nghìn năm chắc chắn tạo ra khao khát sâu sắc về quá khứ – xã hội già thế, suy sụp thế.
Nhưng Mĩ có thể hi vọng về tương lai – nó trẻ thế; nó không có quá khứ. Nếu Mĩ cố đi về quá khứ, nó có thể đi đâu? Abraham Lincoln, Washington… và thế rồi tới chỗ kết thúc. Chẳng có gì mấy trong nó – ba trăm năm không là gì cả. Ấn Độ có thể đi mãi xa về sau như người ta có thể quan niệm.
Cho nên điều đó là đúng về các cá nhân, nó là đúng về các xã hội, giống nòi, tập thể – rằng nếu bạn rất trẻ bạn nhìn về tương lai, nếu bạn trở nên già bạn bắt đầu nhìn về quá khứ.
Chỉ người chứng ngộ không có hoài niệm, vì người đó không cần trốn chạy khỏi hiện tại. Người đó đã thức tỉnh sống ở đây bây giờ, người đó biết không có cuộc sống khác.
Điều đầu tiên về hoài niệm: nó có thể được hiểu chỉ nếu bạn hiểu bản chất của tâm trí. Tâm trí vận hành như con lắc đồng hồ cổ: nó đi từ cực đoan này sang cực đoan khác, nó không bao giờ dừng ở chỗ giữa. Nếu con lắc dừng ở chỗ giữa, đồng hồ dừng lại. Điều đó đích xác đúng về tâm trí: nếu nó vẫn còn ở giữa, tâm trí dừng lại, và đó là bắt đầu của thiền. Ở trong hiện tại là bắt đầu của cuộc hành trình mênh mông vào vĩnh hằng.
Vĩnh hằng là chiều đứng, thời gian là chiều ngang. Trong thời gian bạn đi từ A sang B, từ B sang C, từ C sang D; nó là tuyến tính, đường thẳng, đường chiều ngang. Khoảnh khắc bạn dừng ở giữa, bạn không đi từ sang B, toàn thể chiều của bạn thay đổi – nó trở thành chiều đứng. Bạn chìm sâu vào trong A: từ Al tới A2, từ A2 tới A3, từ A3 tới A4, và bạn liên tục chìm ngày càng sâu hơn vào trong A – không tới B, không tới C. Chiều ngang không còn ở đó; nó là chiều đứng. Và những chiều cao của cuộc sống và chiều sâu của cuộc sống thuộc vào chiều đứng. Chiều ngang nghĩa là chỗ nông, bề mặt.
Tâm trí tương đương với thời gian, do đó nó không là biểu dụ khi tôi dùng đồng hồ và con lắc như biểu tượng cho tâm trí, điều đó là đúng theo nghĩa đen. Khoảnh khắc bạn ở ngoài tâm trí – tức là, bạn đang đi theo chiều đứng – bạn cũng ở ngoài thời gian.
Một câu ngạn ngữ Sufi được cho là của Jesus là ở chỗ khi một đệ tử hỏi Jesus, ‘Cái gì sẽ rất đặc biệt trong vương quốc của Thượng đế?’ ông ấy nói, ‘Sẽ không còn thời gian nữa.’
Đệ tử này có thể chưa bao giờ nghĩ rằng điều này sẽ là câu trả lời: ‘Sẽ không còn thời gian nữa.’ Điều đó không được kể lại trong Tân Ước – Tân Ước đã bỏ sót nhiều điều quan trọng về Jesus – nhưng các tín ngưỡng bí mật khác đã mang những thông điệp đó. ‘Sẽ không còn thời gian nữa.’ Ông ấy định nghĩa vương quốc của Thượng đế bằng phát biểu đó – điều đó sẽ là điều đặc biệt nhất về nó – không có thời gian, vô thời gian.
Tâm trí là thời gian; khoảnh khắc không có tâm trí, không có thời gian. Và khi không có thời gian, không có quá khứ, không có tương lai. Nhớ lấy, thời gian chỉ bao gồm quá khứ và tương lai: hoài niệm về quá khứ và mơ ước về tương lai. Hiện tại không phải là một phần của thời gian chút nào.
Cho nên khi bạn giữ con lắc của đồng hồ ở giữa, đồng hồ dừng lại; khi bạn giữ sự chú ý của bạn, nhận biết của bạn đích xác ở giữa, trong hiện tại, tâm trí biến mất, thời gian biến mất. Nếu bạn không biết nghệ thuật của thiền thì con lắc liên tục chuyển từ cực đoan này sang cực đoan kia: từ quá khứ sang tương lai, từ tương lai trở lại quá khứ. Đó là cách nó giữ bản thân nó tiếp diễn, đó là cách nó giữ đà của nó.
Một người ăn xin gõ cổng của một nữ tu viện Bavarian và hỏi xơ đang trực, ‘Thưa xơ, xơ có thể cho tôi chiếc áo choàng cũ nào không?’
Hơi mất lòng, xơ đáp, ‘Nhưng đây là nữ tu viện! Chúng tôi không có đàn ông nào trong ngôi nhà này và không có quần áo đàn ông, dĩ nhiên! ‘
Người ăn xin xin lỗi và bỏ đi.
Mẹ tối cao, người đã nghe lỏm được cuộc đối thoại này, nói, ‘Xơ đừng nói với ông ta rằng chúng ta không có sự bảo vệ của đàn ông nào. Bây giờ ông ta có thể tới một đêm nào đó và gạ gẫm chúng ta.’
Sau một thoáng nghĩ ngợi, xơ trực mở cửa sổ nhỏ ra và kêu lên với người ăn xin, ‘Này, ông, nghe đây! Ban đêm nhà này đầy đàn ông!’
Đó là cách thức của tâm trí – t cực đoan này nhảy sang cực đoan kia; nó không bao giờ dừng ở giữa. Nó là kẻ cực đoan, hoặc cực tả hoặc cực hữu; nó chẳng biết gì về phương tiện vàng.
Từ “Thiền: Thú vị, Sức sống, Phấn khởi, và Sinh động”, Ch.10 Ở đây và bây giờ, thời gian duy nhất, chỗ duy nhất