Trước việc sinh chúng ta đã vô tồn tại, và chúng ta sẽ lại như vậy sau chết. Không cái ngã nào đã có đó, và không cái ngã nào sẽ có đó sau chết.
Phật nhấn mạnh rất nhiều vào cách nhìn này về vô ngã, vì mọi ham muốn của chúng ta đều treo quanh quan niệm về cái ngã: Tôi hiện hữu. Nếu tôi hiện hữu, thế thì cả nghìn lẻ một ham muốn sẽ nảy sinh. Nếu tôi không hiện hữu, thế thì làm sao ham muốn có thể nảy sinh ra từ hư vô được?
Đây là một trong những đóng góp quan trọng nhất của Phật cho thế giới. Khi có liên quan tới ý tưởng về vô ngã, ông ấy đã vượt xa mọi thầy khác – Krishna và Christ và Zarathustra và Lão Tử – ông ấy đã vượt hơn tất cả.
Đây là một trong những cách thiền nền tảng nhất. Nếu nó có thể lắng đọng trong bạn rằng “Tôi không hiện hữu,” thế thì đột nhiên thế giới biến mất. Biết rằng “Tôi không hiện hữu” là biết rằng không có nhu cầu làm bất kì cái gì, là bất kì cái gì, sở hữu bất kì cái gì, đạt tới bất kì cái gì. Khi không có cái ngã, tham vọng là không liên quan. Nếu có cái ngã, thế thì tham vọng là có liên quan.
Đó là lí do tại sao mọi tôn giáo khác, ngoại trừ Phật giáo, đã rơi vào bẫy. Cái bẫy là: họ cố gắng không ham muốn các thứ của thế giới này, nhưng thế rồi họ bắt đầu ham muốn cc thứ của thế giới khác. Nhưng điều đó là một – ham muốn là một. Không thành vấn đề bạn ham muốn cái gì. Không tạo ra khác biệt gì chút nào khi đối thể của ham muốn của bạn là gì – ham muốn là một.
Bạn ham muốn tiền hay bạn ham muốn thiền: ham muốn là một. Chỉ đối thể đã thay đổi. Và đối thể không phải là vấn đề – vấn đề là bản thân ham muốn, bản thân việc ham muốn. Ai đó ham muốn sống lâu ở đây, thân thể đẹp ở đây, thành công, tên tuổi, danh vọng; ai đó khác ham muốn cuộc sống vĩnh hằng với Thượng đế trên thiên đường – khác biệt là gì? Khác biệt duy nhất dường như là điều này: rằng người thứ nhất không tham bằng người thứ hai. Người thứ hai tham hơn.
Đó là lí do tại sao cái gọi là người tâm linh của bạn là người rất tham. Điều không chỉ là ngẫu nhiên là Ấn Độ rất tham – nó tâm linh thế. Tính tâm linh đó tạo ra tham mới. Thực ra, cái gọi là mahatma liên tục thuyết giảng cho mọi người: “Không ham muốn các thứ của thế giới này vì chúng là nhất thời. Ham muốn các thứ của thế giới khác vì chúng là vĩnh hằng.” Và điều này họ gọi là từ bỏ sao? Đây là từ bỏ sao? Đây là đang trở nên ham muốn nhiều hơn. Đây là đòi hỏi về ban thưởng vĩnh hằng.
Người thế tục là người đơn giản, họ được thoả mãn với các ham muốn nhất thời. Và người thế giới kia dường như là tuyệt đối tham. Họ không được thoả mãn với thế giới này; họ cần thế giới khác nơi các thú vui vĩnh hằng tồn tại, nơi cái đẹp không bao giờ tàn, nơi sự sống bao giờ cũng trẻ, nơi người ta sống và sống và không bao giờ trở nên già.
Đây là tham! Đây là tham thuần tuý! Được cấy sang thế giới khác. Điều này là tham hơn thế giới đầu. Tránh cái gọi là chủ nghĩa vật chất tâm linh này đi; nó hoàn toàn là vật chất. Nó không thay đổi cuộc sống của bạn. Nó không thể nào thay đổi được cuộc sống. Nó đơn giản nuôi dưỡng tâm trí cũ của bạn. Thậm chí nó đầu độc bạn nhiều hơn.
Phật nói thiền cơ bản là để thấy rằng “Tôi đã không hiện hữu và tôi sẽ không hiện hữu, cho nên làm sao tôi có thể hiện hữu ở giữa hai hư vô này? Nếu tôi đã không hiện hữu trước đây và tôi sẽ lại không hiện hữu sau chết, thế thì làm sao tôi có thể hiện hữu ngay bây giờ được?” Người ta không thể tồn tại giữa hai hư vô được. Thế thì cái này nữa cũng phải là hư vô – chúng ta đã không nhìn đúng nó thôi.
Trước việc sinh chúng ta đã vô tồn tại, vô ngã, và chúng ta lại sẽ là vậy sau chết. Do đó chúng ta ở trong ước định này tại khoảnh khắc hiện tại, không có thứ nào trong thế giới mà chúng ta có thể gọi là của riêng chúng ta được – thậm chí không cả cái ngã riêng của chúng ta. Điều này đi tới cốt lõi sâu nhất của vấn đề.
Không tống khứ các thứ – tống khứ cái ngã của bạn thôi, và thế thì các thứ tự động bị tống khứ. Nếu tôi không hiện hữu, thế thì làm sao nhà có thể thuộc về tôi được? Nếu tôi không hiện hữu, thế thì làm sao tôi có thể sở hữu người đàn bà hay người đàn ông được? Nếu tôi không hiện hữu, thế thì làm sao tôi có thể sở hữu được con cái? Nếu tôi không hiện hữu, thế thì làm sao việc sở hữu là có thể? Không có người nào để sở hữu. Thấy sự khác biệt đi.
Các tôn giáo khác đã nói: Từ bỏ vật sở hữu! Phật nói: Từ bỏ người sở hữu. Chắc chắn, điều đó đi sâu hơn vô hạn. Bạn có thể từ bỏ vật sở hữu, nhưng người sở hữu còn lại, và với người sở hữu lại có bản kế hoạch tổng thể để sở hữu – người sở hữu sẽ mang tính sở hữu của mình vào từ cửa sau.
Bạn có thể thấy điều đó xảy ra: một người từ bỏ cuộc sống trần tục của mình, đi lên hang động Himalaya, nhưng thế rồi người đó sở hữu hang đó. Và nếu ai đó khác tới và bắt đầu sống trong hang đó, người đó sẽ đuổi anh ta ra. Người đó sẽ nói, “Cút ra! Đây là hang của tôi.” Và người này đã từ bỏ nhà của anh ta, vợ anh ta, con anh ta. Bây giờ cùng tính sở hữu đã đi vào dưới dạng mới.
Không thành vấn đề bạn sở hữu cái gì, nhưng nếu bạn sở hữu thế thì bạn vẫn còn trên Con đường rò.
Tống khứ các thứ không có nghĩa là trốn khỏi các thứ. Các thứ có đó, chúng sẽ ở mọi nơi. Trong hang Himalaya các thứ cũng sẽ có đó – núi, cây – và bạn có thể bắt đầu sở hữu chúng. Nếu bạn ngồi dưới cây nào đó, bạn bắt đầu sở hữu nó. Đây là cây của bạn; không người khổ hạnh khác nào có thể tới và thiền ở đó; người đó phải tìm cây riêng của mình. Hay bạn bắt đầu sở hữu đền chùa, tu viện hồi giáo, nhà thờ. Hay bạn bắt đầu sở hữu các triết lí – Hindu giáo, Ki tô giáo, Mô ha mét giáo. Hay bạn bắt đầu sở hữu kinh sách – Gita, Koran, Kinh Thánh. Hay bạn bắt đầu sở hữu khái niệm về Thượng đế: “Đây là khái niệm Thượng đế của tôi. Khái niệm của anh là sai và khái niệm của tôi là đúng.”
Phật chặt tận rễ. Ông ấy nói không có người nào để sở hữu. Thấy cái hay của điều đó và tầm quan trọng mênh mông của nó. Ông ấy đơn giản chặt tận rễ. Ông ấy không chặt cành và lá; chúng sẽ lại mọc ra, vì rễ vẫn còn không bị động chạm. Chặt rễ và toàn thể cây chết. Đừng bỏ vật sở hữu: bỏ người sở hữu. Và thế thì bạn có thể sống trong thế giới và không có vấn đề gì. Chỉ sống trong thế giới và không sở hữu vì không có người nào để sở hữu.
Đó là lí do tại sao tôi không bảo các sannyasin của tôi từ bỏ thế giới. Tôi nói từ bỏ bản ngã và sống trong thế giới. Thế giới không thể làm bất kì hại gì cho bạn. Mọi điều hại xảy ra là xảy ra qua bản ngã. Đó là điều Phật gọi là ‘cái ngã’; nó là từ của ông ấy cho ‘bản ngã’: atta – cái ngã.
Phật đã làm việc trong sáu năm liên tục trong việc tìm kiếm cái ngã. Bạn đã nghe giáo huấn nổi tiếng mọi thời đại: Biết bản thân ông! Phật đã làm việc cần mẫn. Trong sáu năm ông ấy đã cố gắng từ mọi ngõ ngách, từ mọi góc độ, từ mọi phía có thể, để xuyên thấu vào trong thực tại này của cái ngã. Nhưng ông ấy đã không thể nào tìm được nó. Biết bản thân ông, và cái ngày bạn biết bạn sẽ biết không có cái ngã.
Ngày đó bạn đã biết – khi bạn biết rằng không có cái ngã. Có trống rỗng hoàn toàn bên trong, tuyệt đối trống rỗng, im lặng không bị quấy rối, im lặng trinh nguyên. Chưa bao giờ có bất kì ai. Nó chỉ là mơ.
Trong đêm bạn mơ và bạn nghĩ bạn đã trở thành hoàng đế. Và đến sáng bạn thấy bản thân bạn trong cùng chiếc giường cũ, và bạn không là hoàng đế. Nhưng tâm trí có thể tưởng tượng; tâm trí là lực tưởng tượng lớn. Cái ngã là tưởng tượng của tâm trí. Nó không tồn tại trong thực tại.
Những người đã xuyên thấu sâu vào trong con người riêng của mình đều đã đi tới biết im lặng hoàn toàn. Không người nào được tìm thấy ở đó. Và đó là việc nhận ra vĩ đại nhất: không tìm thấy người nào ở đó… thế thì mọi vấn đề đều biến mất, vì người tạo ra vấn đề đã biến mất.
Từ “Coi nó là dễ”, T.1, Ch.1