Có hai con đường. Một con đường là đường của chiến binh, người lính; con đường kia là con đường của vua, con đường của hoàng đế, vua. Yoga là con đường thứ nhất, tantra là con đường thứ hai. Cho nên trước hết bạn sẽ phải hiểu con đường của lính, của chiến binh là gì, chỉ thế thì bạn sẽ có khả năng hiểu điều Tilopa ngụ ý bởi vua.
Lính phải tranh đấu từng li một; lính phải có tính hăm hở, lính phải có tính bạo hành; kẻ thù phải bị tiêu diệt, hay bị chinh phục.
Yoga cố tạo ra xung đột bên trong bạn. Nó cho bạn phân biệt rõ ràng giữa cái gì là sai và cái gì là đúng, cái gì là tốt và cái gì là xấu, cái gì thuộc về Thượng đế và cái gì thuộc về quỉ. Và gần như mọi tôn giáo, ngoại trừ tantra, đi theo con đường của yoga. Họ phân chia thực tại và họ tạo ra xung đột bên trong; qua xung đột họ tiến lên.
Chẳng hạn: bạn có ghét trong bạn; con đường của chiến binh là tiêu diệt ghét bên trong. Bạn có giận và tham và dục, và cả triệu thứ. Con đường của chiến binh là tiêu diệt mọi cái là sai, tiêu cực, và phát triển mọi cái là tích cực và đúng. Ghét phải bị tiêu diệt và yêu tiến triển. Giận phải bị tiêu diệt hoàn toàn và từ bi được tạo ra. Dục phải ra đi và nhường chỗ cho brahmacharya vô dục, cho vô dục thuần khiết. Yoga lập tức chặt bạn bằng chiếc kiếm thành hai phần: phần đúng và phần sai; phần đúng phải thắng đối với phần sai.
Bạn sẽ làm gì? Giận có đó – yoga gợi ý làm cái gì? Nó gợi ý: tạo ra thói quen về từ bi, tạo ra cái đối lập; làm nó thành thường lệ tới mức bạn bắt đầu vận hành như robot – do đó yoga được gọi là con đường của lính. Trên khắp thế giới, trong suốt lịch sử, lính đã được huấn luyện trong sự tồn tại kiểu robot; người đó phải tạo ra thói quen.
Thói quen vận hành mà không có ý thức, họ không cần nhận biết, họ có thể hành động mà không có bạn. Nếu bạn có thói quen – và mọi người đều có thói quen – bạn có thể quan sát điều này. Một người rút từ túi ra các điếu thuốc lá, quan sát anh ta – anh ta có thể không nhận biết chút nào về điều anh ta đang làm. Hệt như robot anh ta thò tay vào túi. Nếu có bồn chồn bên trong nào đó, ngay lập tức tay anh ta cho vào túi; anh ta lấy ra điếu thuốc lá, bắt đầu hút. Anh ta có thể vứt phần còn lại của điếu thuốc, phần cuối cùng của điếu thuốc; anh ta có thể đã làm qua mọi cử chỉ này mà thậm chí không nhận biết về điều anh ta đang làm.
Chúng ta dạy cho người lính sự tồn tại kiểu robot. Người lính phải làm và tuân theo, người đó phải không nhận biết. Khi anh ta được lệnh quay phải, anh ta phải quay; anh ta phải không nghĩ về điều đó, về liệu quay hay không quay – vì nếu anh ta bắt đầu nghĩ thế thì điều đó là không thể được, thế thì các cuộc chiến tranh không thể tiếp tục trên thế giới. Việc nghĩ không được cần tới, nhận biết cũng không được cần tới. Người đó đơn giản phải là nhận biết chừng này thôi – rằng người đó có thể hiểu mệnh lệnh, có vậy thôi. Tối thiểu về nhận biết: ở đây mệnh lệnh được cho và ở kia, ngay lập tức, như cái máy, anh ta bắt đầu tuân theo. Không phải là anh ta quay sang trái khi anh ta được lệnh quay sang trái – anh ta nghe và quay. Anh ta không quay, anh ta đã rèn luyện thói quen này. Điều đó giống như bật hay tắt đèn: đèn sẽ không nghĩ về điều đó, liệu bật hay tắt – bạn nhấn nút và đèn bật. Bạn nói, “Quay trái!” và nút được nhấn và người này quay sang trái.
William James đã thuật lại rằng có lần ông ấy đang ngồi trong tiệm cà phê và một người lính già – đã về hưu, về hưu gần hai mươi năm – đi qua với nhiều trứng đang cầm trong tay. Đột nhiên William James giở trò đùa. Ông ấy nói to “Nghiêm!” và ông già đứng nghiêm. Trứng tuột khỏi tay, vỡ tung toé. Ông ấy rất giận; ông ấy chạy lại và nói, “Trò đùa kiểu gì thế này?”
Nhưng William James nói, “Ông không cần làm theo điều đó. Mọi người được tự do nói ‘Nghiêm!’ Ông không bị buộc phải làm theo điều đó. Ai bảo ông làm theo điều đó? Ông phải theo cách của ông chứ.”
Người này nói, “Điều đó là không thể được – nó là tự động. Tất nhiên hai mươi năm đã trôi qua từ khi tôi ở trong quân đội, nhưng thói quen này bắt rễ sâu.” Nhiều năm huấn luyện – phản xạ có điều kiện được tạo ra.
Từ này “phản xạ có điều kiện” là hay. Nó được soạn ra bởi nhà tâm lí học Nga, Pavlov. Nó nói bạn đơn giản phản xạ; ai đó ném cái gì đó vào mắt bạn – bạn không nghĩ tới nháy mắt hay nhắm mắt, mắt đơn giản khép lại. Ruồi bay tới và bạn nhắm mắt lại: bạn không cần nghĩ, không có nhu cầu, nó là phản xạ có điều kiện – nó đơn giản xảy ra. Nó ở trong thói quen thân thể của bạn, nó ở trong máu của bạn, trong xương của bạn. Nó đơn giản xảy ra – không cái gì phải được làm về nó.
Người lính được huấn luyện để ở trong cách thức tựa robot hoàn toàn. Anh ta phải tồn tại trong phản xạ có điều kiện. Cùng điều này được thực hiện bởi yoga. Bạn nổi giận – yoga nói, “Không giận, thay vì thế rèn luyện cái đối lập: từ bi.” Dần dần, năng lượng của bạn sẽ bắt đầu chuyển vào trong thói quen của từ bi. Nếu bạn kiên nhẫn một thời gian lâu, giận sẽ biến mất hoàn toàn, bạn sẽ cảm thấy từ bi. Nhưng bạn sẽ là chết, không sống động. Bạn sẽ là robot, không là người. Bạn sẽ có từ bi, không phải vì bạn có từ bi, nhưng chỉ vì bạn đã rèn luyện một thói quen.
Bạn có thể rèn luyện thói quen xấu, bạn có thể rèn luyện thói quen tốt. Ai đó có thể rèn luyện hút thuốc, ai đó có thể rèn luyện không hút thuốc; ai đó có thể rèn luyện kiểu ăn thịt, ai đó có thể rèn luyện phong cách ăn chay – nhưng cả hai đang rèn luyện, và trong phán xử chung cuộc cả hai là như nhau vì cả hai sống qua các thói quen.
Điều này phải được suy ngẫm rất sâu vì rất dễ rèn luyện thói quen tốt và rất khó trở thành tốt. Và cái thay thế bằng thói quen tốt là rẻ, nó có thể được thực hiện rất dễ dàng.
Bây giờ, đặc biệt ở Nga, họ đang phát triển cách trị liệu: trị liệu phản xạ có điều kiện. Họ nói mọi người không thể bỏ thói quen của họ. Ai đó đã từng hút thuốc trong hai mươi năm – làm sao bạn có thể mong đợi người đó bỏ nó được? Bạn có thể cố giải thích cho người đó rằng điều đó là xấu, các bác sĩ có thể nói người đó thậm chí có thể trong tình huống nguy hiểm, ung thư có thể phát triển, nhưng hai mươi năm của thói quen lâu dài – giờ nó được ăn sâu vào trong lỗ chân lông sâu nhất của thân thể người đó, giờ nó ở trong sự chuyển hoá của người đó. Cho dù người đó muốn, cho dù người đó ham muốn một cách chân thành, điều đó là khó – vì vấn đề không phải là ham muốn chân thành: hai mươi năm rèn luyện liên tục – điều đó là gần như không thể được. Vậy làm gì đây?
Ở Nga họ nói không cần làm bất kì cái gì, và không cần giải thích cho người đó. Họ đã phát triển một cách trị liệu: người này bắt đầu hút thuốc và họ cho anh ta cú sốc điện. Cú sốc này, cái đau của nó, và việc hút thuốc, trở nên được nối với nhau, trở nên được liên kết. Trong bẩy ngày người đó được cho vào bệnh viện và bất kì khi nào người đó bắt đầu hút thuốc, lập tức, một cách tự động, người đó nhận cú sốc điện. Sau bẩy ngày thói quen này bị phá vỡ. Cho dù bạn thuyết phục người đó hút thuốc, người đó sẽ run bắn. Khoảnh khắc người đó lấy ra điếu thuốc trong tay, toàn thân người đó sẽ run lên vì ý tưởng về cú sốc.
Họ nói bây giờ anh ta sẽ không bao giờ hút thuốc nữa; họ đã phá vỡ thói quen này bằng việc trị liệu sốc rất mạnh. Nhưng bây giờ người đó không thể trở thành phật chỉ bằng trị liệu sốc vì người đó không có thói quen cũ. Mọi thói quen có thể được thay đổi qua trị liệu sốc. Người đó có trở thành phật, được chứng ngộ không, vì người đó không có những thói quen xấu nữa? Không. Người đó sẽ thậm chí không là người bây giờ – người đó sẽ là máy. Người đó sẽ sợ mọi thứ, người đó sẽ không có khả năng làm chúng vì bạn đã cho người đó thói quen sợ mới.
Đó là toàn thể nghĩa của địa ngục: mọi tôn giáo đã dùng nó như trị liệu sốc. Địa ngục không có ở đâu cả, mà cõi trời cũng không có ở đâu cả. Cả hai điều này là thủ đoạn, các quan niệm trị liệu tâm lí. Họ đã vẽ ra địa ngục khủng khiếp tới mức trẻ con trở nên sợ từ chính thời thơ ấu trở đi. Việc nhắc tới tên địa ngục và sợ nảy sinh và nó run lên. Và cõi trời cũng là thủ đoạn để giúp những thói quen tốt; cho nên, nhiều vui thú, sung sướng, cái đẹp, cuộc sống vĩnh hằng được hứa hẹn trong cõi trời nếu bạn tuân theo các hình mẫu tốt. Bất kì cái gì xã hội nói là tốt bạn phải tuân theo. Cõi trời là để giúp bạn hướng tới điều tích cực, và địa ngục là để ngăn cản bạn khỏi việc đi vào hướng tiêu cực.
Tantra là tôn giáo duy nhất đã không dùng bất kì phản xạ có điều kiện nào như vậy – vì tantra nói bạn phải nở hoa thành người hoàn toàn thức tỉnh, không phải là cái máy tựa robot. Cho nên nếu bạn hiểu tantra, cứ thói quen là xấu; không có thói quen xấu, không có thói quen tốt – cứ thói quen là xấu. Và người ta phải thức tỉnh để cho không có thói quen nào. Bạn đơn giản sống từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc với nhận biết đầy đủ, không theo thói quen. Nếu bạn có thể sống mà không có thói quen đó là con đường của vua.
Tại sao nó là vua? – vì lính phải tuân theo, vua không cần tuân theo. Vua là ở trên, ông ta ra lệnh, ông ta không nhận lệnh nào từ bất kì người nào. Vua không bao giờ đi chiến đấu, chỉ lính đi chiến đấu. Vua không phải là chiến sĩ. Vua sống mọi cuộc sống thảnh thơi nhất. Đây chỉ là biểu dụ: lính phải tuân theo, vua đơn giản sống một cách tuỳ tiện và tự nhiên; không có ai ở trên ông ta. Tantra nói không có người nào ở trên bạn, người bạn phải đi theo, qua người đó bạn phải nhận được các hình mẫu sống của bạn, qua người đó bạn phải trở thành người bắt chước – không có ai cả. Bạn sống tuỳ tiện và tự nhiên và cuộc sống tuôn chảy – điều duy nhất là: chỉ là nhận biết.
Qua tranh đấu bạn có thể rèn luyện những thói quen tốt, nhưng chúng sẽ là thói quen, phi tự nhiên. Mọi người nói thói quen là bản tính thứ hai; có thể – nhưng nhớ từ “thứ hai.” Nó là phi tự nhiên; nó có thể có vẻ gần như tự nhiên, nhưng nó không là tự nhiên.
Khác biệt gì giữa từ bi thực và từ bi được rèn luyện? Từ bi thực là việc đáp ứng – tình huống và đáp ứng. Từ bi thực bao giờ cũng tươi mới; cái gì đó đã xảy ra và tim bạn chảy hướng tới nó. Đứa trẻ bị ngã và bạn chạy tới và giúp đứa trẻ đứng dậy, nhưng đây là đáp ứng. Từ bi giả, từ bi được rèn luyện, là phản ứng.
Hai từ này là rất có nghĩa: “đáp ứng” và “phản ứng.” Đáp ứng là sống động theo tình huống; phản ứng chỉ là thói quen ăn sâu. Vì trong quá khứ bạn đã huấn luyện bản thân bạn để giúp ai đó nếu người đó ngã, bạn đơn giản đi tới và giúp, nhưng không có tim trong nó. Ai đó sắp chết đuối trong sông: bạn chạy tới và giúp người này chỉ bởi vì bạn đã được dạy làm như vậy. Bạn đã rèn luyện thói quen giúp đỡ, nhưng bạn không được tham dự. Bạn vẫn còn ở ngoài nó, tim bạn không ở đó – bạn đã không đáp ứng. Bạn đã không đáp ứng cho người này, cho người đang chết đuối trong sông này; bạn đã không đáp ứng cho khoảnh khắc này, bạn đã đi theo ý thức hệ.
Đi theo ý thức hệ là tốt: giúp đỡ mọi người, trở thành người phục vụ cho mọi người, có từ bi! – bạn có ý thức hệ, và qua ý thức hệ bạn phản ứng. Chính là từ quá khứ mà hành động này tới, nó đã chết. Khi tình huống này tạo ra hành động và bạn đáp ứng với nhận biết đầy đủ, chỉ thế thì cái gì đó của cái đẹp xảy ra cho bạn.
Nếu bạn phản ứng vì ý thức hệ, vì những hình mẫu thói quen cũ, bạn sẽ không thu được bất kì cái gì từ điều đó. Nhiều nhất bạn có thể thu được chút ít bản ngã, cái không phải là thứ thu được chút nào. Bạn có thể bắt đầu khoe khoang rằng bạn đã cứu một người sắp chết đuối trong sông. Bạn có thể đi tới bãi chợ và hô to lên, “Trông đây, tôi đã cứu mạng người khác!” Bạn có thể thu được chút ít bản ngã thêm, bạn đã làm cái gì đó thiện, nhưng nó không phải là việc thu được. Bạn đã đánh mất cơ hội lớn của việc là tự phát, của việc là tự phát trong từ bi.
Nếu bạn đã đáp ứng cho tình huống này, thế thì cái gì đó chắc đã nở hoa trong bạn, việc nở hoa; bạn chắc đã cảm thấy im lặng nào đó, tĩnh lặng, phúc lành. Bất kì khi nào có đáp ứng bạn cảm thấy việc nở hoa bên trong. Bất kì khi nào có phản ứng bạn vẫn còn chết: bạn cư xử tựa cái xác, bạn hành động tựa robot. Phản ứng là xấu, đáp ứng là đẹp. Phản ứng bao giờ cũng là của quá khứ, phản ứng không bao giờ là của cái toàn thể. Đáp ứng bao giờ cũng là của cái toàn thể; toàn thể tính toàn bộ của bạn nhảy vào trong sông. Bạn không nghĩ về nó, tình huống này đơn giản để nó xảy ra.
Nếu cuộc sống của bạn trở thành cuộc sống của đáp ứng và tự phát, một ngày nào đó bạn sẽ trở thành phật. Nếu cuộc sống của bạn trở thành cuộc sống của phản ứng, của những thói quen chết, bạn có thể có vẻ như phật nhưng bạn sẽ không trở thành phật. Bạn sẽ là phật được tô vẽ; bên trong bạn sẽ chỉ là cái xác. Thói quen giết chết sự sống. Thói quen chống lại sự sống.
Mọi ngày vào buổi sáng bạn đã làm thành thói quen là dậy sớm; vào năm giờ bạn dậy. Ở Ấn Độ tôi đã thấy nhiều người – vì ở Ấn Độ, trong nhiều thế kỉ, điều đã được dạy là brahmamuhurt, trước khi mặt trời mọc, là khoảnh khắc triển vọng nhất, linh thiêng nhất. Nó là vậy – nhưng bạn không thể làm ra thói quen từ điều đó, vì sự linh thiêng chỉ tồn tại trong đáp ứng sống. Họ dậy lúc năm giờ, nhưng bạn sẽ không bao giờ thấy trên mặt họ niềm vinh quang, cái tới nếu bạn dậy sớm như việc đáp ứng.
Toàn thể sự sống đang thức dậy khắp quanh bạn; toàn thể trái đất đang đợi mặt trời, các ngôi sao đang biến mất. Mọi thứ đang trở nên ý thức hơn. Trái đất đã ngủ xong rồi, cây đã ngủ xong rồi, chim sẵn sàng tung cánh. Mọi thứ đang sẵn sàng. Ngày mới bắt đầu, việc mở hội mới.
Nếu nó là đáp ứng, thế thì bạn dậy như chim – ríu rít, líu lo; bạn có điệu vũ cho bước chân của bạn. Nó không phải là thói quen, không phải rằng bạn phải thức dậy, không phải là vì điều đó được viết trong kinh sách và bạn là người Hindu sùng kính cho nên bạn phải dậy vào sáng sớm. Nếu bạn làm ra thói quen từ nó bạn sẽ không nghe thấy chim vì chim không được viết trong kinh sách; bạn sẽ không thấy mặt trời mọc vì điều đó không phải là vấn đề – bạn đang theo kỉ luật chết.
Bạn thậm chí có thể giận; bạn thậm chí có thể chống lại nó vì đêm hôm trước bạn đã đi ngủ muộn và bạn cảm thấy không khoẻ để dậy. Chắc sẽ tốt hơn nếu bạn có thể đã ngủ thêm chút nữa. Bạn đã không sẵn sàng, bạn đã mệt mỏi. Hay đêm qua đã ngủ không ngon, và bạn đã mơ quá nhiều và toàn thân bạn cảm thấy lờ phờ; bạn muốn ngủ thêm chút nữa. Nhưng không – kinh sách chống lại điều đó và bạn đã được dạy từ chính thời thơ ấu….
Đây là điều tantra nói: con đường vua – cư xử như vua, không như lính. Không có ai trên đầu bạn để ép buộc bạn và ra lệnh cho bạn; thực sự không nên có phong cách sống kiểu bị ép buộc và ra lệnh. Đấy mới là con đường vua. Bạn phải sống từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc, tận hưởng từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc – tính tự phát phải là cách thức. Và tại sao bận tâm về ngày mai? – khoảnh khắc này là đủ. Sống nó đi! Sống nó trong tính toàn bộ. Đáp ứng, nhưng không phản ứng. “Không thói quen” phải là công thức.
Tôi không nói sống trong hỗn độn, nhưng đừng sống qua thói quen. Có thể, chỉ bằng việc sống một cách tự phát, cách sống tiến hoá trong bạn – nhưng điều đó không bị ép buộc. Nếu bạn tận hưởng buổi sáng mọi ngày, và qua tận hưởng bạn thức dậy sớm buổi sáng, không như thói quen, và bạn thức dậy mọi ngày… và bạn có thể thức dậy trong cả đời bạn, nhưng đó không phải là thói quen. Bạn không ép buộc bản thân bạn thức dậy – nó xảy ra. Nó là đẹp; bạn tận hưởng nó, bạn yêu nó.
Nếu nó xảy ra từ yêu nó không phải là phong cách, nó không phải là thói quen, không phải là ước định, không phải là thứ chết, được rèn luyện. Càng ít thói quen – bạn sẽ càng sống động hơn. Không thói quen – bạn sẽ sống động hoàn hảo. Thói quen bao quanh bạn bằng lớp vỏ chết và bạn trở nên bị bao kín trong chúng, bạn trở nên bị bao bọc trong kén. Như hạt mầm một xà lim bao quanh bạn, cứng ngắc. Là linh động đi.
Yoga dạy bạn rèn luyện cái đối lập của điều là xấu. Tranh đấu với cái ác và phục vụ cái thiện. Có bạo hành – giết bạo hành bên trong bạn và trở thành bất bạo hành, trau dồi bất bạo hành. Bao giờ cũng làm cái đối lập và áp đặt cái đối lập trở thành hình mẫu của bạn. Đây là cách thức của người lính – giáo huấn nhỏ.
Tantra là giáo huấn lớn – cái tối cao. Tantra nói gì? Tantra nói: không tạo ra xung đột bên trong bản thân bạn. Chấp nhận cả hai, và qua việc chấp nhận cả hai, siêu việt xảy ra, không chiến thắng nhưng siêu việt. Trong yoga có chiến thắng, trong tantra không có chiến thắng. Trong tantra… đơn giản siêu việt. Không phải là bạn trở thành bất bạo hành chống lại bạo hành, bạn đơn giản đi ra ngoài cả hai, bạn đơn giản trở thành hiện tượng thứ ba – nhân chứng.
Không có hai. Ghét không là gì ngoài mặt kia của yêu. Giận không là gì ngoài mặt kia của từ bi, và bạo hành không là gì ngoài mặt kia của bất bạo hành. Tantra nói, “Nói thật với ông, tôi sẽ lấy cả hai. Tôi chấp nhận cả hai.” Và đột nhiên qua việc chấp nhận này có siêu việt, vì không có hai. Bạo hành và bất bạo hành không phải là hai. Giận và từ bi không phải là hai. Yêu và ghét không phải là hai.
Đó là lí do tại sao bạn biết, bạn quan sát, nhưng bạn vô ý thức tới mức bạn không nhận ra sự kiện này. Yêu của bạn đổi thành ghét trong một giây. Làm sao điều đó là có thể nếu chúng là hai? Thậm chí không cần tới một giây: khoảnh khắc này bạn yêu, khoảnh khắc tiếp bạn ghét cùng người đó. Buổi sáng bạn yêu cùng người, đến chiều bạn ghét, đến tối bạn lại yêu. Trò chơi này của yêu và ghét tiếp diễn mãi. Thực ra, yêu và ghét không phải là từ đúng: yêu-ghét, giận-từ bi – chúng là một hiện tượng, chúng không phải là hai. Đó là lí do tại sao yêu có thể trở thành ghét, ghét có thể trở thành yêu, giận có thể trở thành từ bi, từ bi có thể trở thành giận.
Tantra nói phân chia này do tâm trí của bạn mang tới và thế thì bạn bắt đầu tranh đấu. Bạn tạo ra phân chia trước hết; bạn kết án mặt này và bạn ca ngợi mặt kia. Bạn tạo ra phân chia trước hết, thế rồi bạn tạo ra xung đột và thế rồi bạn ở trong rối trí. Và bạn sẽ ở trong rối trí. Người yogi thường xuyên trong rối trí vì bất kì cái gì người đó sẽ làm, thắng lợi không thể là chung cuộc, nhiều nhất là tạm thời.
Bạn có thể đẩy giận xuống vào hành động từ bi, nhưng bạn biết rõ rằng bạn đã đẩy nó vào trong vô thức và nó có đó – và bất kì khoảnh khắc nào, chút ít vô nhận biết và nó sẽ trồi lên, nó sẽ trào lên bề mặt. Cho nên người ta phải thường xuyên đẩy nó xuống. Và điều này là hiện tượng xấu thế nếu người ta phải thường xuyên đẩy những thứ tiêu cực xuống – thế thì toàn thể sự sống bị phí hoài. Khi nào bạn sẽ tận hưởng điều thiêng liêng? Bạn không có không gian, không có thời gian. Bạn đang tranh đấu với giận và tham và dục và ghen và cả nghìn thứ. Và hàng nghìn kẻ thù đó đều có đó; bạn phải thường xuyên canh chừng, bạn không bao giờ có thể thảnh thơi. Làm sao bạn có thể chùng lòng và tự nhiên được? Bạn bao giờ cũng sẽ căng thẳng, dồn nén, bao giờ cũng sẵn sàng tranh đấu, bao giờ cũng sợ.
Người yogi trở nên sợ ngay cả việc ngủ, vì trong ngủ họ không thể canh chừng được. Trong ngủ mọi thứ họ đã ép xuống lại trồi lên bề mặt. Họ có thể đã đạt tới vô dục trong khi họ thức, nhưng trong mơ điều đó trở thành không thể được – đàn bà đẹp liên tục nổi lên bên trong, và người yogi không thể làm gì được. Những người đàn bà đẹp đó không tới từ trên cõi trời như điều đó được viết trong các câu chuyện Hindu, rằng Thượng đế đã phái họ tới. Tại sao Thượng đế phải quan tâm tới bạn? Người yogi đáng thương, không làm bất kì hại gì cho bất kì ai, đơn giản ngồi trong Himalayas với mắt nhắm, tranh đấu với những vấn đề riêng của ông ấy – sao Thượng đế phải quan tâm tới ông ấy? Và tại sao ngài phải phái các apsaras, những người đàn bà đẹp, tới làm sao lãng ông ấy khỏi con đường của ông ấy? Tại sao? Không có ai ở đó. Không cần bất kì ai phái bất kì ai. Người yogi đang tạo ra mơ riêng của ông ấy.
Bất kì cái gì bạn kìm nén đều trồi lên bề mặt trong mơ. Những mơ đó là một phần mà người yogi đã phủ nhận. Và những giờ thức của bạn là của bạn nhiều như mơ là của bạn. Cho nên dù bạn yêu người đàn bà trong giờ thức của bạn, hay bạn yêu người đàn bà trong mơ, không có khác biệt – không thể có được, vì vấn đề không phải là người đàn bà có đó hay không, vấn đề là ở bạn. Dù bạn yêu bức ảnh, bức ảnh mơ, hay bạn yêu người đàn bà thực, thực ra không có khác biệt – không thể có được, vì người đàn bà thực cũng là bức ảnh bên trong. Bạn không bao giờ biết người đàn bà thực, bạn chỉ biết bức ảnh.
Tôi ở đây. Làm sao bạn biết rằng tôi thực sự ở đây? Có thể đó chỉ là mơ – bạn đang mơ về tôi ở đây. Sẽ có khác biệt gì nếu bạn mơ về tôi ở đây và bạn thực tại nhìn thấy tôi ở đây? – và làm sao bạn sẽ tạo ra khác biệt? Tiêu chí là gì? … Vì liệu tôi ở đây hay không cũng không tạo ra khác biệt – bạn thấy tôi bên trong tâm trí của bạn. Trong cả hai trường hợp – mơ hay thực – mắt bạn nhận những tia sáng đi vào và tâm trí bạn diễn giải rằng ai đó ở đó. Bạn không bao giờ thấy bất kì người thực tại nào, bạn không thể thấy được.
Đó là lí do tại sao người Hindu nói đây là maya, đây là thế giới ảo tưởng. Tilopa nói, “Thế giới này là nhất thời, tựa ma, tựa bóng ma, tựa mơ.” Tại sao? – vì trong mơ và thực tại không có khác biệt. Trong cả hai trường hợp bạn bị giới hạn trong tâm trí của bạn. Bạn chỉ thấy hình ảnh, bạn chưa bao giờ thấy bất kì thực tại nào – bạn không thể thấy được, vì thực tại chỉ có thể được thấy khi bạn trở thành thực. Bạn là hiện tượng tựa ma, cái bóng – làm sao bạn có thể thấy được cái thực? Cái bóng chỉ có thể là cái bóng. Bạn có thể thấy thực tại chỉ khi tâm trí bị bỏ đi. Qua tâm trí mọi thứ trở thành không thực. Tâm trí phóng chiếu, bịa đặt, tô mầu, diễn giải – mọi thứ trở thành giả. Do đó có nhấn mạnh, nhấn mạnh liên tục về làm sao là vô trí.
Tantra nói không tranh đấu. Nếu bạn tranh đấu bạn có thể tiếp tục cuộc chiến của bạn trong nhiều kiếp và không cái gì sẽ xảy ra từ nó, vì ngay chỗ đầu tiên bạn đã bỏ lỡ – nơi bạn đã thấy hai chỉ có một. Và nếu bước đầu tiên đã bị bỏ lỡ, bạn không thể đạt tới mục đích. Toàn thể cuộc hành trình của bạn sẽ là việc bỏ lỡ liên tục. Bước đầu tiên phải được lấy tuyệt đối đúng, bằng không bạn sẽ không bao giờ đạt tới mục đích.
Và điều tuyệt đối đúng là gì? Tantra nói nó là nhìn một trong hai, thấy một trong nhiều. Một khi bạn có thể thấy một trong nhị nguyên, siêu việt đã bắt đầu. Đây là con đường vua.
Từ “Tantra hiểu biết tối cao”, Ch.7 Đường vô lộ