Trích dẫn lời của Phật Gautam là hay:
“Tâm chẳng vọng lấy pháp quá khứ. Cũng chẳng tham đắm việc vị lai. Ở nơi hiện tại vô sở trụ. Liễu đạt tam thế đều không tịch.”
Nó là một phát biểu rất có ý nghĩa, đặc biệt với chúng ta, vì lần đầu tiên, trên cơ sở khoa học, thời gian không còn là như nó vẫn được dùng. Từ Albert Einstein trở đi, thời gian đã trở thành chiều thứ tư của không gian.
Thời gian là tĩnh, cũng như không gian là tĩnh. Nó không đi bất kì đâu cũng không tới từ bất kì đâu. Chính chỉ vì ngôn ngữ của chúng ta mà liên tục nói rằng thời gian đang trôi qua. Thực ra, chúng ta đang trôi qua, thời gian đứng tĩnh.
Thời gian không động. Không chỉ có khó khăn về khoa học, mà cả khó khăn về logic. Nếu thời gian động, chẳng hạn như sông… nếu thời gian động, thế thì phải có cái gì đó ở cả hai phía của sông, bất động. Sông chỉ động trong tương phản với đôi bờ bất động. Nếu không có hai bờ tĩnh, làm sao sông có thể động được?
Thỉnh thoảng bạn có thể đã ngồi trên tầu hoả, với tầu khác đang đứng trên đường ray bên cạnh, và đột nhiên bạn cảm thấy rằng tầu hoả của bạn đã bắt đầu di chuyển. Thế rồi bạn nhìn vào sân ga, và bạn nhận ra rằng tầu hoả của bạn không chuyển động vì sân ga vẫn đấy. Tầu hoả kia đang chuyển động. Nhưng nếu sân ga không có đó… Nghĩ mà xem, nếu không có cái gì ở phía bên kia – chỉ không gian trống rỗng – làm sao bạn xoay xở biết được liệu tầu hoả của bạn đang chuyển động hay tầu hoả kia đang chuyển động?
Ví dụ này thậm chí có thể lấy thêm nữa. Nếu hai tầu hoả trong không gian, hay hai máy bay trong không gian, đang di chuyển song song theo cùng một hướng, không ai sẽ cảm thấy rằng có bất kì chuyển động nào – vì để cảm thấy chuyển động bạn cần cái gì đó tĩnh tại tương phản lại. Nếu bạn nói thời gian đang động, bạn phải chỉ ra nó động so với cái gì.
Thời gian là tĩnh; chỉ tâm trí đang động.
Những thời này – quá khứ, hiện tại và tương lai – không phải là thời của thời gian; chúng là thời của tâm trí. Cái không còn đó trước tâm trí trở thành quá khứ. Cái ở trước tâm trí là hiện tại. Và cái sẽ ở trước tâm trí là tương lai.
Quá khứ là cái không còn nữa trước bạn.
Tương lai là cái còn chưa có trước bạn.
Và hiện tại là cái ở trước bạn và đang trượt ra khỏi tầm nhìn của bạn. Nó sẽ sớm là quá khứ.
Phật nói: Nếu ông không bám víu quá khứ… vì bám víu quá khứ là tuyệt đối ngu xuẩn. Nó không còn đó nữa, cho nên ông đang kêu khóc vì sữa đổ. Cái qua rồi là qua rồi! Và không bám víu hiện tại vì cái đó cũng đang trôi qua và sẽ sớm là quá khứ. Không bám víu tương lai – hi vọng, tưởng tượng, kế hoạch cho ngày mai – vì ngày mai sẽ trở thành hôm nay, sẽ trở thành hôm qua. Mọi thứ đang trở thành hôm qua.
Mọi thứ đang trôi khỏi tay bạn.
Việc bám víu sẽ đơn giản tạo ra khổ.
Bạn sẽ phải buông bỏ.
Bạn không thể xoay xở ngăn cản quá trình mọi thứ ra khỏi tầm nhìn của bạn, cho nên tốt hơn cả là chỉ quan sát, chỉ chứng kiến, và để mọi thứ ở bất kì chỗ nào chúng muốn – trong quá khứ, trong hiện tại, trong tương lai. Bạn không bị rối loạn, vì mọi thứ đang sắp rơi vào trong quá khứ.
Duy nhất một thứ sẽ còn lại với bạn: đó là việc chứng kiến của bạn, đó là việc quan sát của bạn. Việc quan sát này là thiền.
Tâm trí là kẻ bám víu – nó bám lấy, nó tích trữ, nó sở hữu. Nhân danh trí nhớ nó thu thập mọi quá khứ. Nhân danh lập kế hoạch cho tương lai nó bám lấy hi vọng, ham muốn, tham vọng – và nó khổ. Tâm trí liên tục trong căng thẳng, liên tục trong phiền não – bao giờ cũng trong rối loạn.
Phật đang nói: Nếu ông có thể chỉ vẫn còn im lặng và là nhân chứng, mọi khổ, mọi lo nghĩ, mọi căng thẳng sẽ biến mất. Và sẽ có im lặng và sáng tỏ mà ông chưa bao giờ nghĩ tới. Sáng tỏ này sẽ đem ông tới thức tỉnh; chính việc chứng kiến mà, khi nó chín muồi, chung cuộc trở thành việc thức tỉnh.
Việc chứng kiến có thể được gọi là hạt mầm và chứng ngộ có thể được gọi là hoa. Nhưng bắt đầu từ chứng kiến đi, và thế thì nó bắt đầu lớn lên. Liên tục nuôi dưỡng nó, liên tục chăm nom cho nó, liên tục tưới nước cho nó, làm mạnh nó theo mọi cách có thể – và một ngày nào đó nó sẽ nở hoa. Ngày đó sẽ là ngày vĩ đại nhất của đời bạn.
Từ “Thiền sư Đại Huệ”, T.1, Ch.10 Bám víu