Điều thứ nhất: chấp có ta. Các từ sau cần phải được hiểu – chúng gần như đồng nghĩa, nhưng chỉ gần như thôi: ta, người, hồn, mạng sống. Trong từ điển chúng gần như là một, nhưng Phật đã cho chúng những sắc thái khác nhau, và chúng mang mầu sắc khác nhau, có hơi khác biệt.
Trước hết cái ta nghĩa là bản ngã – ‘của tôi’, ‘tôi’ – phân biệt với năm phần tử hợp thành con người. Con người được thiết lập từ năm phần tử, chỉ là tổ hợp của năm phần tử này. Bạn lấy ra năm phần và con người biến mất. Phật nói chẳng có gì ngoài năm phần tử ấy. Cũng giống như cỗ xe ngựa: nếu đem tháo rời các bộ phận, các bánh xe, mang ngựa đi, đem đi mọi thứ khác, và nếu cuối cùng bạn muốn biết xe ngựa đâu, thì xe đã biến mất rồi, bởi lẽ nó chỉ là tổ hợp của những phần đó.
Đây là một trong những sáng suốt sâu xa nhất của Phật; không một tôn giáo nào khác đạt được đến độ cao ấy. Tất cả các tôn giáo khác đều dừng lại ở một ý niệm nào đó về cái ta, với một ý niệm nào đó về bản ngã. Dù tinh vi đến đâu, dù thiêng liêng đến đâu, dù đức hạnh đến đâu, nhưng một ý niệm nào đó về bản ngã vẫn cứ còn lại. Bạn gọi nó là cái ta, bạn gọi nó là hồn, bạn gọi nó là atma; điều bạn gọi không thành vấn đề. Phật rất rất rõ ràng về điều đó – rằng cốt lõi sâu xa nhất của bạn là cái không. Không có bản ngã.
Chữ ‘tôi’ chỉ thuần tuý tiện dụng mà thôi; nó không tương ứng với một thực tại nào. Nó là cần thiết – ngay cả Phật cũng dùng nó. Nó là tốt như một phương tiện để giao tiếp, nó chỉ định nhưng không tương ứng với thực tại nào.
Cho nên điều đầu tiên, cái ta, có nghĩa là ‘tôi tách biệt với các hợp phần’. Phật nói bạn không có đó, chỉ các hợp phần là có đấy thôi. Bạn là cái trống rỗng hoàn toàn. Điều thứ hai là người, chấp có người – người nghĩa là cá thể, ý niệm về người đồng nhất với một cái ta vào các thời gian khác nhau. Bạn nói rằng “Xưa kia tôi là đứa trẻ, bây giờ tôi là thanh niên và sau này tôi sẽ trở thành người già.” Bạn có ý niệm nào đó dường như bạn bền vững mãi. Theo thời gian bạn đã là trẻ con, rồi bạn thành thanh niên – nhưng bạn vẫn như cũ. Và rồi bạn trở nên già lão và bạn vẫn như cũ. Phật nói rằng từng khoảnh khắc bạn đều đang thay đổi.
Về điều này Phật hoàn toàn phù hợp với Heraclitus. Bạn không thể bước hai lần vào cùng một dòng sông. Sông liên tục chảy. Lúc còn bé, bạn là một cá thể khác, bây giờ bạn là một cá thể khác. Sau này bạn già đi, bạn sẽ là một cá thể khác nữa. Trên thực tế mỗi ngày bạn lại khác, mỗi khoảnh khắc bạn lại khác.
Tại sao ý niệm này cứ dai dẳng mãi rằng “Mình vẫn là cùng người thôi?” Điều này dai dẳng vì thay đổi quá tinh tế và cái nhìn của bạn lại không được tinh tế như thế. Cũng giống như nếu bạn thắp cây nến vào buổi tối, nó cháy suốt đêm và sáng hôm sau bạn thổi tắt cây nến và bảo, “Đấy vẫn là cùng ngọn lửa mà mình thổi tắt.” Nó không phải vậy. Ngọn lửa nến đã thay đổi, biến mất liên tục, ngọn lửa mới nảy sinh mỗi khoảnh khắc. Nhưng giữa hai ngọn lửa này, ngọn này biến mất, ngọn khác xuất hiện, lỗ hổng quá tinh tế, quá nhỏ đến mức bạn không thể thấy được nó. Đó là lí do tại sao cái ý niệm về cá thể, về con người còn dai dẳng mãi.
Phật nói cuộc sống là quá trình, cuộc sống không giống đồ vật. Nó là vận động liên tục. Cuộc sống là dòng sông. Phật nói nếu chúng ta muốn trung thành với thực tại chúng ta phải vứt bỏ tất cả các danh từ khỏi ngôn ngữ, chỉ các động từ mới đúng. Dòng sông là không đúng, sông chảy mới đúng. Cây là không đúng, cây mọc mới đúng. Tình yêu là không đúng, yêu mới đúng. Cuộc sống bao gồm các động từ, không phải là danh từ.
Và điều thứ ba là hồn, ý niệm về một lực cao cấp trú ngụ trong thân thể; một lực sống động và thống nhất tách rời khỏi mọi thứ khác. Cả điều này nữa – Phật nói không có lực cao cấp như vậy. Chẳng có gì trú ngụ trong bạn cả. Không phải bạn là ngôi nhà và có người chủ bên trong, có cư dân bên trong. Tất cả những cái ở bên trong là cái không thuần khiết.
Và điều thứ tư là ý niệm về mạng sống. Niềm tin vào một thực thể vĩnh viễn, di chuyển từ kiếp này sang kiếp khác. Điều đó Phật gọi là mạng sống – điều là bạn sẽ chết và mạng sống của bạn sẽ lập tức được sinh ra trong một bụng mẹ nào đó khác. Liên tục có đấy, nhưng không có mạng sống. Liên tục có đấy, nhưng không có cái ta. Liên tục có đấy, nhưng không có cá thể. Liên tục có đấy nhưng không có hồn.
Cái nhìn này của Phật duy nhất đến nỗi thậm chí quốc gia này – Ấn Độ, một quốc gia tôn giáo như thế, cũng không thể nuốt nổi nó. Người ta cảm thấy rằng dường như Phật đã quyết định phá huỷ toàn bộ nền tảng của tôn giáo. Ông ấy đem đến một cái nhìn hoàn toàn mới, cao hơn nhiều so với các khái niệm bình thường về hồn, về cái ta vân vân, bởi vì đằng sau các khái niệm này, bản ngã vẫn tiếp tục ẩn nấp dưới những cách thức mới. Chúng chẳng là gì khác ngoài cách thức của bản ngã để tồn tại và tiếp tục tồn tại.
Từ “Kinh Kim cương”