Trạng thái của tâm trí con người giống như tổ ong mật bị phá. Ý nghĩ và ý nghĩ và ý nghĩ vo ve khắp xung quanh. Bị bao quanh bởi những ý nghĩ này con người sống trong lo âu, căng thẳng và lo nghĩ. Để nhận ra và biết sự sống, tâm trí cần im lặng như hồ không gợn sóng. Để quen thuộc với sự sống, tâm trí cần là rõ ràng như gương không hạt bụi trên đó.
Chúng ta có tâm trí như tổ ong mật; nó không là gương không là hồ im lặng. Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ có khả năng biết cái gì đó bằng tâm trí như vậy, rằng chúng ta sẽ có khả năng đạt tới cái gì đó, hay chúng ta sẽ có khả năng trở thành cái gì đó, chúng ta đang phạm sai lầm lớn.
Điều rất cần thiết là trở thành tự do khỏi luồng ý nghĩ mãnh liệt này. Có ý nghĩ và ý nghĩ và ý nghĩ bu quanh không phải là dấu hiệu của lành mạnh, nó là dấu hiệu của tâm trí ốm yếu. Khi tâm trí người ta là thuần khiết và sạch sẽ toàn bộ, khi nó là lành mạnh, thế thì ý nghĩ biến mất. Tâm thức còn lại nhưng ý nghĩ biến mất. Khi tâm trí ốm yếu và không lành mạnh thế thì tâm thức biến mất và chỉ đám đông ý nghĩ còn lại. Chúng ta sống trong đám đông ý nghĩ đó. Từ sáng tới tối, từ tối tới sáng, từ sinh tới chết, chúng ta sống trong đám đông các ý nghĩ.
Làm sao chúng ta có thể được tự do khỏi đám đông ý nghĩ này? Chúng ta đã nói vài điều về việc này vào buổi sáng và vài câu hỏi đã được hỏi gắn với điều tôi đã nói. Bây giờ tôi sẽ trả lời những câu hỏi này.
Điều đầu tiên là ở chỗ có được tự do khỏi các ý nghĩ là bước thứ hai. Bước thứ nhất là không tạo ra tuyển tập các ý nghĩ ngay chỗ đầu tiên. Nếu một mặt bạn liên tục thu thập các ý nghĩ và mặt khác cố trở nên tự do khỏi ý nghĩ, làm sao bạn sẽ xoay xở được? Nếu chúng ta muốn tự do khỏi lá của cây và liên tục cấp nước cho rễ cây, thế thì làm sao chúng ta sẽ có khả năng có được tự do khỏi lá của cây? Trong khi tưới nước cho rễ chúng ta dường như không nhận ra rằng có quan hệ nào đó giữa rễ và lá – quan hệ sâu nào đó. Rễ và lá dường như tách rời. Nhưng lá không tách rời khỏi rễ, và nước được trao cho rễ đi lên lá.
Cho nên chúng ta thu thập nhiều ý nghĩ và tưới nước cho rễ của chúng và thế rồi, khi ý nghĩ làm cho tâm trí rất không thoải mái và rối loạn, chúng ta muốn tìm cách làm im lặng chúng. Để dừng việc cây mọc ra lá, chúng ta phải dừng cấp nước cho rễ của nó. Chúng ta phải hiểu cách chúng ta tưới nước cho rễ của ý nghĩ của chúng ta – nếu chúng ta đi tới hiểu điều này, chúng ta có thể dừng nó lại. Thế thì lá sẽ sớm héo đi.
Chúng ta tưới nước cho ý nghĩ của chúng ta thế nào?
Trong hàng nghìn năm con người đã có ảo tưởng rằng người ta có thể đạt tới tri thức bằng việc tích luỹ ý nghĩ của người khác. Điều này là tuyệt đối giả và sai. Không người nào đã bao giờ có thể đạt tới tri thức bằng việc tích luỹ ý nghĩ của người khác. Tri thức tới từ bên trong và ý nghĩ tới từ bên ngoài. Tri thức là của chúng ta, còn ý nghĩ bao giờ cũng là của người khác, bao giờ cũng được vay mượn. Tri thức là việc đập rộn ràng của con người riêng của bạn, nó là việc phơi ra giầu có được ẩn kín bên trong bản thân bạn. Ý nghĩ là tuyển tập điều người khác đã nói – bạn có thể thu thập chúng từ Gita hay từ Koran hay từ Kinh Thánh hay từ những người lãnh đạo tôn giáo.
Bất kì cái gì chúng ta thu được từ người khác không trở thành tri thức của chúng ta, nó trở thành cách thức và phương tiện để che giấu dốt nát của chúng ta. Và khi dốt nát của con người được giấu kín, người đó không bao giờ có thể đạt tới tri thức. Vì chúng ta có ý tưởng rằng đây là tri thức của chúng ta, chúng ta bám lấy nó bằng toàn thể con người chúng ta. Chúng ta bám lấy ý nghĩ của mình, chúng ta không đủ dũng cảm để bỏ chúng. Chúng ta hỗ trợ cho chúng vì chúng ta nghĩ rằng chúng là tri thức của chúng ta và nếu chúng ta làm mất chúng, chúng ta sẽ trở nên dốt nát. Nhưng nhớ, dù người ta có thể bám lấy các ý nghĩ nhiều thế nào, người ta không trở nên thông thái qua chúng.
Khi một người đào giếng người đó trước hết vét đất và đá ra và thế rồi nước rỉ vào từ các thành giếng và làm đầy nó. Nước đã có đó rồi, nó không cần được mang từ bất kì chỗ nào khác. Chỉ vài hòn đá và vài tầng đất phải bỏ đi. Đã có vài cản trở, vài chướng ngại; một khi chúng được loại bỏ ra, nước xuất hiện. Không cần mang nước tới giếng, nó đã có đó – chỉ những cản trở nào đó phải bị loại bỏ.
Tri thức hiện diện bên trong, nó không phải nhận từ đâu đó khác. Dòng chảy của nó bị ẩn kín bên trong; chỉ các chướng ngại có ở giữa, đá và đất, phải được loại bỏ bằng việc đào – thế thì luồng tri thức sẽ bắt đầu xuất hiện.
Nhưng người ta có thể làm giếng, và người ta có thể làm ao. Làm ao là khác. Bạn không cần tìm luồng nước để làm ao. Cách làm ao là hoàn toàn đối lập với cách làm giếng. Để làm ao bạn không cần đào đá và đất, bạn phải mang chúng từ đâu đó khác tới và làm tường từ chúng. Và khi tường đã được dựng lên nước không tự nó tới, bạn phải đem nước từ giếng của người khác tới và đổ nó vào trong ao. Trên bề mặt ao cho ảo tưởng về giếng. Nó có vẻ là giếng. Bạn có thể thấy nước trong ao và bạn có thể thấy nước trong giếng nữa, nhưng khác biệt giữa ao và giếng là hệt như khác biệt giữa đất và trời.
Khác biệt thứ nhất là ở chỗ ao không có nước riêng của nó. Không niềm khao khát nào trên thế giới này được dịu đi bởi cái gì đó không phải là của riêng người ta. Bất kì cái gì trong ao đều được vay mượn và sớm trở nên tanh và hôi vì – cái được vay mượn là không sống, nó là chết. Nước đọng trong ao trở thành tù đọng, ôi thiu và sẽ sớm bốc mùi hôi.
Nhưng giếng có nguồn nước riêng của nó; nước không bao giờ trở nên tù đọng. Giếng có nước chảy riêng của nó.
Hai quá trình khác nhau đang xảy ra với ao và giếng. Ao sợ rằng ai đó sẽ lấy nước của nó đi – vì nếu nước của nó mất đi, nó sẽ trở thành trống rỗng. Và giếng muốn ai đó lấy nước của nó đi để cho nhiều nước mới có thể rót đầy nó – mới và sống động hơn. Giếng gọi ra, “Lấy nước của tôi đi, tôi muốn chia sẻ nó!” Và ao gọi ra, “Tránh xa ra! Đừng chạm vào nước của tôi, đừng lấy nước của tôi!” Ao muốn ai đó có nước đem nước tới và rót vào trong nó, để cho tài sản của nó tăng trưởng. Nhưng nếu ai đó có bình chứa, giếng muốn rằng người đó lấy đi một số nước của nó để cho nó có thể gạt bỏ nước đã trở thành cũ và nhận nước mới. Giếng muốn chia sẻ, ao muốn thu vào. Giếng có dòng nước được nối với đại dương. Giếng dường như là nhỏ, nhưng sâu bên trong nó được nối với cái vô hạn. Và dù ao có thể có vẻ lớn thế nào, nó không có quan hệ với bất kì ai, nó kết thúc trong bản thân nó và bị đóng. Nó không có dòng nước nào. Nó không có cách nào kết nối với cái vô hạn.
Nếu ai đó đi tới ao và nói về đại dương, ao sẽ cười và nói, “Không có thứ như thế như đại dương đâu. Mọi thứ là ao thôi. Không có đại dương ở bất kì đâu!” Ao không có ý tưởng nào về đại dương.
Nhưng nếu ai đó ca ngợi cái đẹp của giếng, thế thì giếng sẽ nghĩ, “Cái gì là của mình? Mọi thứ đều tới từ đại dương. Mình là cái gì? Bất kì cái gì tới với mình đều được kết nối từ xa xôi với cái gì đó khác.” Giếng không thể có bất kì cái ‘tôi’ nào của riêng nó – ‘Tôi đây’, nhưng ao có bản ngã – ‘Tôi đây’. Và điều thú vị là ở chỗ giếng là rất lớn và ao là rất nhỏ. Giếng có giầu có riêng của nó nhưng ao không có giầu có riêng của nó.
Tâm trí con người có thể trở thành giếng hay ao – đây là hai khả năng duy nhất về cách tâm trí con người có thể là. Và một người có tâm trí trở thành ao, dần dần, dần dần trở thành điên.
Tâm trí của tất cả chúng ta đều đã trở thành ao. Chúng ta đã không tạo ra giếng, chúng ta đã tạo ra ao. Chúng ta thu thập mọi thứ từ khắp thế giới – từ sách, từ kinh sách, từ giáo huấn – chúng ta thu thập tất cả chúng và nghĩ rằng chúng ta đã trở thành thông thái. Chúng ta đã phạm cùng sai lầm như ao. Ao tưởng rằng nó là giếng – ảo tưởng có thể được tạo ra vì nước được thấy trong cả hai chúng.
Bạn có thể thấy tri thức trong bác học, thầy giáo, và trong người có ý thức, nhưng bác học là ao và người có ý thức là giếng. Có khác biệt giữa hai người này. Bạn không thể tưởng tượng được sự khác biệt này là cơ bản làm sao và sâu làm sao. Tri thức của bác học được vay mượn và tù đọng và cũ rích. Bất kì phiền phức nào đã nảy sinh trên thế giới này đều là vì tri thức của bác học. Tranh đấu giữa người Hindu và người Mô ha mét giáo là tranh đấu của ai? Nó là tranh đấu của các học giả. Đối lập giữa người Jaina và người Hindu là đối lập giữa các học giả. Nó là đối lập của các bác học, nó là đối lập của các tâm trí mà đã mục nát, vay mượn và cũ rích.
Mọi phiền phức đã xảy ra trên khắp thế giới là vì tâm trí đã trở thành ao. Bằng không chỉ có người trên thế giới – không ai là người Ki tô giáo, người Hindu, người Mô ha mét giáo, người Jaina. Đây chỉ là những cái nhãn của ao. Ao dán nhãn lên bản thân nó – nhãn của giếng mà từ đó nó đã kéo nước của lên. Ai đó đã kéo nước lên từ Gita cho nên anh ta là người Hindu; ai đó đã kéo nước lên từ Koran cho nên anh ta là người Mô ha mét giáo. Người có ý thức không lấy nước từ người khác, nước tới từ bên trong người đó, tới từ sự tồn tại – cho nên người đó không thể là người Hindu không là người Mô ha mét giáo không là người Ki tô giáo. Người có ý thức không thể thuộc vào bất kì giáo phái nào nhưng bác học thì không thể hiện hữu mà không có giáo phái. Bất kì khi nào có bác học, ông ta sẽ thuộc về một giáo phái.
Chúng ta đã làm cho tâm trí chúng ta thành thứ tù đọng, vay mượn và thế rồi chúng ta bám vào nó. Như tôi đã nói – ao hô lên, “Đừng lấy nước của tôi đi! Nếu nước mất đi thế thì tôi sẽ trở thành trống rỗng, sẽ không cái gì được bỏ lại bên trong tôi. Giầu có của tôi được vay mượn, cho nên không ai được lấy nó đi!”
Nhớ, giầu có mà trở nên ngày càng ít đi bởi việc bị lấy đi mất bao giờ cũng được vay mượn và là giả. Giầu có mà tăng tăng trưởng lên bởi việc bị lấy đi là thực. Giầu có mà bị rút đi bởi chia sẻ không phải là giầu có chút nào, nó chỉ là việc tích luỹ. Chỉ giầu có tăng trưởng nhiều hơn bằng việc chia sẻ mới là giầu có thực. Phẩm chất của giầu có là ở chỗ nó phải tăng trưởng bằng việc chia sẻ; nếu nó trở nên ít đi bằng việc chia sẻ thế thì nó không phải là giầu có. Và ai đó sợ rằng giầu có của họ sẽ biến mất qua việc chia sẻ phải chăm lo rất nhiều tới giầu có của họ.
Cho nên mọi giầu có được vay mượn đều là điều lo lắng. Vì nó không bao giờ là thực, sợ nảy sinh rằng nó sẽ biến mất cho nên chúng ta bám lấy nó chặt hơn. Chúng ta bám chặt vào các ý nghĩ của chúng ta. Chúng ta chăm nom chúng nhiều hơn cho cuộc sống của chúng ta. Mọi thứ rác này mà đã tích luỹ trong tâm trí chúng ta đã không có ở đó chỉ bởi tình cờ – chúng ta đã thu xếp nó, chúng ta đã thu thập nó và chúng ta chăm nom nó.
Cho nên nếu chúng ta nghĩ rằng tri thức nảy sinh bằng việc tích luỹ ý nghĩ thế thì chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng trở nên tự do khỏi chúng. Làm sao chúng ta sẽ có khả năng trở nên tự do? Điều đó sẽ giống như tưới nước cho rễ và thế rồi cắt lá – nó không thể xảy ra được. Cho nên điều cơ bản đầu tiên phải được hiểu là ở chỗ tri thức và việc thu thập ý nghĩ là hai điều khác nhau. Ý nghĩ được thu nhận hay vay mượn từ người khác không phải là tri thức. Ý nghĩ được lấy từ các nguồn khác không dẫn người ta tới chân lí hay tới bản thân người ta. Tri thức này là giả, nó là tri thức rởm. Nó tạo ra ảo tưởng rằng chúng ta đã đạt tới tri thức nhưng trong thực tại chẳng cái gì được biết. Chúng ta vẫn còn dốt nát.
Tình huống này là hệt như ai đó đọc nhiều sách về việc bơi và học nhiều về nó tới mức nếu người đó phải cho bài nói về bơi hay viết sách về nó, người đó có thể làm được – nhưng nếu ai đó đẩy người đó vào sông điều trở thành hiển nhiên là người đó không thể bơi được! Người đó đã đọc và nghiên cứu tất cả về nó, người đó biết mọi lí thuyết – nhưng trong thực hành người đó không thể bơi được.
Có một fakir Mô ha mét giáo tên là Nasruddin. Một lần ông ta đi qua sông, ngồi trên thuyền. Ông ta và người lái đò nói chuyện trên đường. Nasruddin được coi là người rất am tường. Nếu người am tường có cơ hội chứng minh cho ai đó dốt nát, họ không bỏ lỡ điều đó. Nasruddin hỏi người lái đò, “Ông có biết đọc không?”
Người lái đò nói, “Không, tôi biết nói. Tôi không biết gì về đọc và viết.”
Nasruddin nói, “Một phần tư đời ông đã bị mất đi trong vô tích sự, vì nếu ông không biết đọc, làm sao ông có thể đạt tới bất kì tri thức nào trong đời ông? Ngốc thế! Không ai có thể đạt tới tri thức mà không có khả năng đọc?” Nhưng người lái đò bắt đầu cười im lặng.
Thế rồi họ đi xa thêm một chút và Nasruddin hỏi, “Ông có biết gì về toán không?”
Người lái đò nói, “Không, tôi chẳng biết chút gì về toán; tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay.”
Nasruddin nói, “Một phần tư nữa của đời ông đã bị mất đi trong vô tích sự, vì người không biết về toán, người không thể tính toán, không thể thu được bất kì cái gì trong đời mình. Làm sao người đó có thể kiếm được? Người ta phải biết cách đếm, thế thì người ta có thể kiếm cái gì đó. Ông sẽ kiếm cái gì? Nửa cuộc đời ông đã là vô tích sự.”
Thế rồi một cơn bão, cơn xoáy lốc nổi lên, và chiếc đò lật và chìm. Người lái đò hỏi, “Ông có biết bơi không?”
Nasruddin kêu lên, “Không, tôi không biết bơi!”
Người lái đò kêu lên, “Cả đời ông bị phí hoài rồi. Tôi đi đây. Tôi không biết làm toán, không biết đọc ngôn ngữ, nhưng tôi biết bơi! Cho nên tôi rời khỏi ông đây! Cả đời ông đã thành phí hoài rồi!”
Từ “Hành trình bên trong”, Ch.5