Một người trong số mọi người một hôm hỏi Thầy Nhất Hưu: “Thưa thầy, xin thầy viết ra cho tôi vài câu châm ngôn trí huệ cao?”
Nhất Hưu lấy ra một cọ vẽ và viết chữ “Nhìn.”
“Cái đó là tất cả sao?” người này nói, “Thầy không thêm vài từ nữa à?”
Thế là Nhất Hưu viết hai lần: “Nhìn, Nhìn.”
“Toàn như nhau,” người thất vọng này nói, “Tôi chẳng thấy chiều sâu hay tinh tế gì mấy trong điều thầy đã viết ở đó.”
Thế là Nhất Hưu lại viết cùng từ này ba lần.
Hơi cáu kỉnh, người này nói: “Sau rốt, từ ‘nhìn’ này ngụ ý gì?”
Và Nhất Hưu đáp, “Nhìn ngụ ý Nhìn.”
Một từ ‘nhìn’ này hàm chứa toàn thể thông điệp của Thiền. Fra Giovanni vào năm1513 sau Công nguyên đã nói: “Sự tăm tối của thế giới đang hiện hữu nhưng là cái bóng. Đằng sau nó, vậy mà trong tầm với, là niềm vui. Chúng ta có thể nói, có rạng ngời và vinh quang trong bóng tối. Nhưng thấy đi, và để thấy chúng ta chỉ phải nhìn. Tôi cầu xin bạn nhìn!”
Từ ‘nhìn’ đích xác là toàn thể bản chất của Thiền. Cách nhìn chứa mọi tôn giáo. Cách nhìn với con mắt thuần khiết, nhiều tới mức sự thống nhất trong việc nhìn đi tới chỗ đối thể và chủ thế cả hai cùng biến mất và chỉ cái nhìn thuần khiết còn lại. Trong sự thuần khiết đó của việc nhìn – không người nào nhìn và không người nào nhìn vào bất kì cái gì – trong sự thuần khiết đó của việc nhìn, darshan, trong cái nhìn đó, chân lí được biết tới.
Thiền nhân nói về ba cột trụ của Thiền. Đây là ba cột trụ – họ chuẩn bị bạn cho cái nhìn. Thứ nhất là: vô tướng. Thứ hai là: vô trí. Thứ ba là: vô hồn.
Điều này có vẻ kì lạ, đặc biệt bởi vì những người đã quen với cái gọi là tôn giáo đều biết nó gần như lời nói sáo rỗng – rằng con người có ba sự tồn tại: thể chất, tâm lí và tâm linh. Và chính khách và tu sĩ và các giáo sư liên tục nói về lành mạnh, cân bằng, giữa thể chất và tâm lí và tâm linh.
Thiền nói: Vô trí ngụ ý không tâm lí; vô tướng ngụ ý không thân thể, không vật chất; và vô hồn ngụ ý không linh hồn, không cái ngã. Thiền nói: Thể chất là bản ngã thô – bản ngã số một. Tâm lí là có tinh tế hơn chút ít, ít thô hơn, nhưng vẫn là bản ngã – bản ngã số hai. Và cái gọi là tâm linh là bản ngã tinh vi nhất – bản ngã số ba. Nhưng chúng tất cả là bản ngã. Vả cả ba bản ngã này làm cho người ta thành người ích kỉ, tạo ra người ích kỉ.
Chính Thiền đi tới rễ sâu nhất của bệnh được gọi là con người. Nó nói: Chừng nào người ta chưa đi tới thấy rằng hình tướng là ảo vọng, rằng ý nghĩ là ảo vọng, không chỉ điều đó, mà rằng người đã tin, đã suy luận, ở đằng sau tâm trí, cái ngã, cũng là ảo vọng… khi tất cả ba điều này đã được biết, được nhìn vào, và được thấy thiếu trong bản chất, nảy sinh cái nhìn. Cái nhìn đó cho bạn cái là thực – cái đang hiện hữu.
Đây là ba Cột trụ của Thiền.
Vô tướng ngụ ý mọi hình tướng trên thế giới đều là thay đổi, trong một luồng. Đứa trẻ đang trở thành thanh niên, và thanh niên đang trở thành người già, và người già sắp chết, và việc chết là để sẵn sàng được sinh ra lần nữa. Hình tướng này thường xuyên đổi sang hình tướng khác. Nó là một luồng các hình tướng. Vô hình tướng là bản chất, vì không hình tướng nào còn lại. Mọi hình tướng tới và đi; chúng là mơ, bong bóng – bong bóng xà phòng. Chúng có đó khoảnh khắc này và khoảnh khắc khác chúng không có đó. Sự tồn tại của chúng là nhất thời. Chúng được làm từ chất liệu mà mơ được làm ra.
Cái thực là cái còn lại mãi mãi và mãi mãi. Cái thực là cái vô thời gian. Hình tướng không phải là thực vì chúng không còn lại. Nhìn vào trong các hình tướng đi. Khi Nhất Hưu nói, “Nhìn” – cái nhìn thứ nhất ngụ ý nhìn vào trong bản ngã thô nhất – bản ngã số một. Thầy Nhất Hưu đã chỉ ra một câu châm ngôn lớn – câu lớn nhất. Khi ông ấy nói nhìn thứ nhất và viết từ nhìn, ông ấy đang nói, “Nhìn vào trong thân thể, vào trong hình tướng; ông không là cái đó – và nó là không thực. Chất liệu là rất không bản chất, ảo vọng, ma thuật.”
Cái nhìn thứ nhất là nhìn vào trong bản ngã số một. Một khi bạn đã hiểu rằng hình tướng liên tục thay đổi, bạn không thể trở nên bị gắn bó với hình tướng, bạn không thể bị đồng nhất với hình tướng. Làm sao bạn có thể bị đồng nhất với cái tới và đi? Buổi sáng, trời là sáng; buổi đêm, trời là tối. Bạn đang ngồi trong phòng của bạn. Buổi sáng tới và căn phòng trở nên đầy tia sáng và có ánh sáng. Và buổi trưa tới, và buổi tối tới; trời trở thành tối và mặt trời biến mất và căn phòng trở thành tối. Trời là đêm và trời hoàn toàn tối.
Bạn không thể nói, “Tôi đã là buổi sáng,” hay “Tôi đã là buổi trưa,” hay “Tôi đã là buổi tối,” hay “Tôi là buổi đêm.” Bạn không thể nói được. Bạn là người quan sát, người nhìn. Buổi sáng tới và đi, buổi tối tới và đi. Bạn liên tục quan sát.
Thời thơ ấu là buổi sáng, thời thanh niên là buổi trưa, tuổi già là buổi tối, và thế rồi đêm tối – chết. Và cứ thế tiếp tục… bánh xe chuyển.
Nhưng bạn là ai? Nhìn!
Cái nhìn thứ nhất của Nhất Hưu ngụ ý nhìn vào hình tướng, cái thô nhất. Học từ đó đi. Một khi bạn đã nhìn vào trong cái thô nhất và bản ngã số một đã biến mất, bạn sẽ có khả năng nhìn vào trong cái nhìn thứ hai – tâm lí. Bạn có thể thấy thân thể bạn chỉ là thể lỏng, luồng chảy, thường xuyên thay đổi. Tâm trí của bạn cũng vậy! Ý nghĩ đang chuyển động nhanh thế. Không một khoảnh khắc nào ý nghĩ còn lại. Nó tới và đi. Làm sao bạn có thể là những ý nghĩ này? Những ý nghĩ nào chỉ giống như mây bay trên trời, lưu thông trên đường. Bạn là người quan sát. Nhìn…!
Lần thứ hai khi Nhất Hưu nói, “Nhìn, Nhìn,” ông ấy ngụ ý nhìn vào trong bản ngã số hai, tâm lí. Nếu bạn nhìn sâu, bạn sẽ đi tới biết bạn không là tâm trí. Vô tướng, vô trí.
Thế thì còn lại loại bản ngã tinh vi nhất – bản ngã số ba. Bạn bắt đầu nghĩ rằng bạn là hồn, cái ngã. Cái đó nữa là giả. Nhìn vào trong cái đó nữa đi! Và bạn sẽ ngạc nhiên rằng khi bạn nhìn vào trong bản thân bạn, bạn thấy trống rỗng bao la và không cái gì khác. Ngay cả cái ngã cũng không được tìm thấy. Khách khứa đã biến mất, và đột nhiên bạn thấy rằng ngay cả chủ nhà cũng không còn đó. Khách và chủ đã toàn là ma; họ tất cả đã biến mất. Im lặng còn lại, hoàn toàn im lặng, không âm thanh – không khách không chủ. Mọi đối thoại đã dừng lại, mọi rối loạn đã biến mất. Có trống rỗng hoàn toàn, hư không.
Đây là nhìn vào trong cái thứ ba, khi Nhất Hưu nói, “Nhìn, Nhìn, Nhìn” – bản ngã thứ ba, bản ngã tinh vi nhất, khó khăn nhất và khó nhìn vào nhất.
Có những người, cái gọi là người duy vật, người nói cái thô là cái thực. Họ dừng ở đó, họ không đi ra ngoài điều đó – Charvakas, người Mác xít, người cộng sản. Họ dừng ở cửa thứ nhất, họ không bao giờ đi ra ngoài nó. Có những người duy tâm, người đi sâu hơn một chút. Họ nói hình tướng là không thực, nhưng tâm trí là chân lí; vật chất là không thực, nhưng tâm trí là thực. Họ tin vào tâm trí đối lại với vật chất; họ dừng ở cửa thứ hai. Thế rồi có người tâm linh; họ cũng đi sâu hơn một chút. Họ nói ngay cả tâm trí cũng là không thực, duy nhất cái ngã, hồn, atman, là thực.
Thiền đi xa nhất, sâu nhất. Không ai đã xuyên thấu sâu thế vào điều bí ẩn của con người như Phật đã đi vào. Phật nói: Ngay cả cái ngã, ngay cả hồn, atman, cũng là không thực. Nó là dấu vết cuối cùng của bản ngã, rất rất cuối cùng, nhưng dầu vậy nó là dấu vết cuối cùng của bản ngã. Chính ý tưởng rằng “Tôi đây” là sự tiếp tục tồn tại, cái bóng của bảng ngã cũ. Khi bạn nhìn vào trong điều này nữa, cái ngã cũng biến mất. Và khi tất cả đã mất, cái gì còn lại? Chỉ cái nhìn thuần khiết. Điều này rất khó hiểu chừng nào bạn chưa đi vào trong nó một cách có tính tồn tại. Duy nhất cái nhìn thuần khiết – vì thế thì nó trở thành phi logic. Làm sao có thể có cái nhìn thuần khiết nếu không có người nào nhìn? Nhưng đó là cách nó là vậy.
Điều đó là nghịch lí. Trong ngôn ngữ khó mà nói cái gì còn lại. Duy nhất cái nhìn thuần khiết còn lại – không có người nào đang nhìn! Không có người nào bạn đang nhìn vào. Cái được nhìn và người nhìn, cả hai đã biến mất; chủ thể và đối thể cả hai đã biến mất. Chỉ có cái nhìn thuần khiết. Im lặng, nhưng im lặng rất sống động. Không có cách nào để định nghĩa nó, không thể định nghĩa được. Bạn thậm chí không thể nói đây là cái ngã – chỉ việc chứng kiến, sakshin.
Nhưng dùng từ ‘nhân chứng’ có thể tạo ra phiền phức, vì khoảnh khắc chúng ta dùng từ ‘nhân chứng’ chúng ta bắt đầu nghĩ ai đó có đó, người đang chứng kiến. Cho nên Phật nó: Vô nhân chứng! Chỉ việc chứng kiến. Không người nhìn! chỉ cái nhìn. Không thiền nhân! chỉ việc thiền. Không người nào đã đạt tới samadhi, nhưng chỉ có samadhi thuần khiết. Điều này là khó vì chúng ta đã được nuôi dưỡng theo cấu trúc ngôn ngữ nào đó.
Khi ai đó đang chạy chúng ta nói có hai thứ: người chạy và việc chạy. Phật nói chỉ có việc chạy, không có người chạy. Người chạy chỉ là việc suy ra. Phật nói chỉ có hành động, hoạt động; không có người hành động. Khi bạn nói cây đang mọc, bạn tin – một cách ngầm ẩn – rằng cây là một thứ và việc mọc là thứ khác. Phật nói chỉ có việc mọc, không có cây. Khi sông đang chảy, bạn nói sông đang chảy. Phật nói chỉ có việc chảy. Sông ở đâu?
Phật tin vào động từ và ngôn ngữ của chúng ta được bắt rễ trong danh từ. Điều đó tạo ra rắc rối. Phật nói sự tồn tại là động từ. Nó là quá trình. Không có vật chút nào! Tất cả là quá trình.
Tôi đang nói với bạn, nhưng không có người nói. Và bạn đang nghe tôi, nhưng không có người nghe. Nếu bạn có thể hiểu điều đó một cách có tính tồn tại, chỉ thế thì bạn sẽ có khả năng hiểu điều Phật ngụ ý khi ông ấy nói rằng ngay cả bản ngã thứ ba cũng biến mất.
Ngay bây giờ, để nó là kinh nghiệm có tính tồn tại đi. Có người nghe hay chỉ có việc nghe? Nếu bạn nhìn ngược lại sau, nếu bạn cố tóm lại, người nghe bước vào. Người nghe là kí ức. Nếu bạn bắt đầu nghĩ về nó, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy người nghe ở đó, vì người nghe là kí ức. Nhưng khi bạn đang nghe chỉ có việc nghe, không có người nghe. Khi bạn đang chạy, chỉ có việc chạy. Khi bạn đã đi tới điểm mà bạn dừng lại, ngồi dưới cây nghỉ ngơi, và thế rồi bạn nhìn ngược lại trong kí ức – bạn thấy người chạy. Người chạy là bịa đặt của kí ức. Nó không có trong thực tại, trong sự tồn tại. Nó chỉ là dấu vết trong kí ức đã được để lại từ nhiều hành động. Làm sao nối những hành động đó vào trong một hành động? Những hạt hành động tách rời phải được nối lại, bằng không sẽ khó cho bạn nhớ. Cho nên bạn tạo ra sợi chỉ. Bạn xâu những hạt đó lại bằng ý tưởng về người chạy – cái đó trở thành bản ngã của bạn.
Có những hành động nguyên tử riêng biệt, và không có gì nối chúng lại. Đó là điều vật lí hiện đại đã đi tới. Quan điểm của các nhà vật lí hiện đại về sự tồn tại là đích xác có tính Phật, rất gần với Phật. Vật lí hiện đại cũng nói chỉ có những sự tồn tại nguyên tử. Và những sự tồn tại nguyên tử đó cũng là không bản chất theo bất kì cách nào; chúng chỉ là các trường năng lượng, không phải vật chất – chỉ các trường năng lượng. Và có thay đổi thường xuyên. Không cái gì còn lại mãi. Mọi thứ là trong luồng chảy.
Ba cột trụ này phá huỷ toàn thể cấu trúc bản ngã của bạn. Đây là một loại ba ngôi rất phủ định. Ki tô giáo có ba ngôi: Thượng đế Cha, Con và Thánh Linh. Và người Hindu có quan niệm về trimurti: ba mặt của Thượng đế – Brahma, Vishnu, Mahesh. Nhưng tất cả chúng đều là những thứ khẳng định.
Cách tiếp cận Thiền này hướng tới thực tại là hoàn toàn phủ định. Đây là ba cột trụ: vô tướng, vô trí, vô hồn. Khi bạn đã nhìn xuyên qua mọi thứ và đã thấy “Không. Không. Không.” thế thì cái gì còn lại? Cái được bỏ lại là không thể được xác định. Cái được bỏ lại là chân lí. Phật giữ im lặng về nó. Nó không thể được nói. Khoảnh khắc bạn nói nó, bạn làm sai lạc nó.
Từ “Thiền: con đường của nghịch lí”, t.3, ch.9