Thân thể bạn là cái túi da. Lớp da xác định ra thân thể bạn; nó xác định chỗ bạn và thế giới bắt đầu. Nó là ranh giới quanh bạn. Nó bảo vệ bạn với thế giới, nó phân chia bạn khỏi thế giới, và nó cho phép bạn chỉ có vài lỗ hổng để đi vào thế giới hay để thế giới đi vào bạn. Nếu không có da, bạn sẽ không thể nào tồn tại được. Bạn sẽ mất biên giới của mình với tất cả mọi thứ xung quanh bạn. Nhưng bạn không phải là da của mình. Da liên tục thay đổi.
Điều đó cũng giống như con rắn lột lớp da cũ lặp đi lặp lại. Bạn cũng thoát ra khỏi da của mình lặp đi lặp lại nhiều lần. Nếu bạn hỏi các nhà sinh lí học, họ sẽ nói, ‘Nếu một người sống bẩy mươi tuổi, thế thì gần mười lần người đó sẽ đổi da hoàn toàn.’ Nhưng quá trình này rất chậm, cho nên bạn chẳng bao giờ trở nên nhận biết. Một phần tí xíu thay đổi mọi khoảnh khắc đến mức bạn không thể cảm thấy điều đó được; cảm giác của bạn không tinh tế thế. Sự thay đổi là rất tinh tế. Da liên tục thay đổi, dầu vậy bạn nghĩ về bản thân bạn rằng đây là thân thể bạn, vẫn cùng thân thể ấy. Nó không phải là cùng thân thể đó đâu, nó là sự liên tục.
Khi bạn còn trong bụng mẹ, ngày đầu tiên bạn chỉ là một tế bào nhỏ, vô hình với mắt trần. Đó là da của bạn vào lúc đó, đó là thân thể bạn. Thế rồi bạn bắt đầu lớn lên. Sau chín tháng bạn được sinh ra – thế thì bạn có một thân thể hoàn hoàn khác. Nếu bỗng nhiên bạn bắt gặp bản thân bạn mới một ngày tuổi, vừa mới được sinh ra, bạn sẽ không thể nào nhận ra được rằng đây là bạn. Bạn đã thay đổi nhiều thế. Nhưng dầu vậy bạn vẫn nghĩ bạn như bạn đang vậy. Theo một cách nào đó thì bạn là bạn vậy bởi vì bạn là cùng sự liên tục. Theo một cách nào đó bạn không là vậy bởi vì bạn đang thay đổi liên tục.
Theo cùng cách đó, cũng giống như da, là bản ngã. Da giữ thân thể bạn trong một hình mẫu, trong một định nghĩa, trong một giới hạn. Bản ngã giữ nội dung của tâm trí bạn trong một giới hạn. Bản ngã là lớp da bên trong để cho bạn biết bạn là ai; bằng không bạn sẽ bị lạc – bạn sẽ không biết ai là ai; ai là bạn và ai là người khác.
Ý tưởng về cái ta, cái tôi, bản ngã, cho bạn một định nghĩa, một định nghĩa tiện dụng. Nó làm cho bạn tách biệt rõ ràng với người khác. Nhưng điều đó nữa cũng là da, lớp da rất tinh tế, cái giữ lại tất cả nội dung của tâm trí bạn – kí ức của bạn, quá khứ của bạn, ham muốn của bạn, kế hoạch của bạn, tương lai của bạn, hiện tại của bạn, yêu của bạn, ghét của bạn, giận, buồn, sướng – nó giữ tất cả những cái đó trong một cái túi. Nhưng bạn không là bản ngã đó. Bởi vì cái đó nữa cũng liên tục thay đổi và cái đó thay đổi nhiều hơn da thân thể. Từng khoảnh khắc nó đang thay đổi.
Phật dùng sự tương tự với ngọn lửa. Chiếc đèn được thắp sáng: bạn thấy ngọn lửa, nhưng nó liên tục thay đổi, nó chưa bao giờ như cũ. Đến sáng khi bạn tắt đèn đi, bạn không tắt cùng ngọn lửa đó đâu. Nó đã liên tục thay đổi cả đêm rồi.
Từng khoảnh khắc ngọn lửa biến mất thành khói và ngọn lửa mới đang thay thế nó. Nhưng việc thay thế là nhanh tới mức bạn không thể thấy được sự vắng mặt – rằng ngọn lửa này đã qua, ngọn lửa khác đã tới. Cái này qua đi, cái khác tới liền. Khoảnh khắc này nhanh tới mức bạn không thể thấy được lỗ hổng giữa cả hai. Bằng không thì chỉ có sự liên tục; nó không phải là cùng ngọn lửa. Nhưng dầu vậy, theo một cách nào đó, nó là cùng ngọn lửa bởi vì nó là sự liên tục của cùng ngọn lửa. Nó được sinh ra từ cùng một ngọn lửa.
Hệt như bạn được sinh ra từ bố mẹ bạn – bạn là sự liên tục. Bạn không là một. Bạn không phải là bố bạn, bạn không phải là mẹ bạn – nhưng dầu vậy bạn vẫn là bố bạn và mẹ bạn, bởi vì bạn liên tục cùng một truyền thống, cùng một dòng họ, cùng một kế thừa.
Phật nói bản ngã là sự liên tục, nó không phải là cái căn bản – liên tục giống như ngọn lửa, liên tục giống như dòng sông, liên tục giống như thân thể.
Vấn đề nảy sinh… chúng ta có thể nhân nhượng về điều đó rằng thôi được, nó có thể là như vậy: nếu một người chết vào lúc chết và mọi thứ biến mất, thế thì hoàn toàn đúng – có thể đó chỉ là ngọn lửa. Nhưng Phật nói người ta được tái sinh – thế thì vấn đề nảy sinh. Thế thì ai được tái sinh?
Thế thì lần nữa, lại cần vài sự tương tự. Bạn đã bao giờ thấy ngôi nhà to bị cháy, hay một khu rừng bốc cháy chưa? Nếu bạn quan sát bạn sẽ đi tới thấy một hiện tượng. Đơn giản ngọn lửa nhảy từ cây nọ sang cây khác. Chẳng có chất liệu nào trong nó, nó chỉ là ngọn lửa thôi. Nó không có vật chất trong nó, nó chỉ là năng lượng thuần khiết, một lượng năng lượng, một số lượng năng lượng nào đó – nó nhảy từ cây nọ và lan tới cây kia và cây kia bốc cháy.
Hay, bạn có thể mang một ngọn đuốc chưa cháy lại gần ngọn đuốc đã thắp cháy. Điều gì xảy ra? Ngọn lửa từ đuốc đã cháy nhảy sang ngọn đuốc chưa cháy. Nó là bước nhảy lượng tử, nó là cú nhảy. Ngọn lửa thuần khiết nhảy tới ngọn đuốc khác và bắt đầu sự liên tục khác.
Hay, ngay bây giờ bạn đang nghe tôi. Nếu bạn bật radio lên, bỗng nhiên bạn sẽ bắt đầu nghe một buổi phát thanh nào đó từ trạm phát nào đó đang truyền ngay bây giờ. Chỉ cần mỗi máy thu thôi. Một khi máy thu có đó, cái gì đó đang trong buổi phát thanh từ London hay từ Moscow hay từ Bắc Kinh, bạn có thể bắt được nó.
Chẳng chất liệu nào tới cả, chỉ sóng ý nghĩ thuần tuý nhảy từ Bắc Kinh tới Pune… chỉ sóng ý nghĩ, không cái gì chất liệu. Bạn không thể bắt giữ chúng trong tay được, bạn không thể thấy được chúng, nhưng chúng có đó bởi vì chiếc máy thu radio của bạn bắt lấy chúng, hay chiếc máy thu hình của bạn bắt lấy chúng.
Phật nói khi một người chết, toàn thể những ham muốn tích luỹ của cả đời người đó, toàn thể những kí ức được tích luỹ của cả đời người đó, toàn thể sanskaras, nghiệp của người đó, nhảy tựa sóng năng lượng vào bụng mẹ mới. Đó là cú nhảy. Từ đích xác là trong vật lí: họ gọi nó là ‘bước nhảy lượng tử’ – ‘bước nhảy của năng lượng thuần khiết mà không có chất liệu nào trong nó’.
Phật là nhà vật lí lượng tử đầu tiên. Einstein tới sau ông ấy hai mươi nhăm thế kỉ, nhưng họ cả hai nói cùng một ngôn ngữ. Và tôi vẫn nói rằng Phật mang tính khoa học. Ngôn ngữ của ông ấy là ngôn ngữ của vật lí hiện đại; ông ấy tới từ hai mươi nhăm thế kỉ trước thời thời đại của Einstein.
Khi một người chết đi, thân thể biến mất, phần vật chất biến mất, nhưng phần phi vật chất, phần tâm trí, là rung động. Rung động đó được thoát ra, phát ra. Bây giờ, bất kì chỗ nào một bụng mẹ đúng sẵn sàng cho rung động này, nó sẽ đi vào trong bụng mẹ đó.
Không có cái ta đi, không có ai đi cả, không có bản ngã nào đi cả. Không có nhu cầu cho bất kì cái gì mang tính chất liệu di chuyển, đó chỉ là sự thúc đẩy của năng lượng. Nhấn mạnh là ở chỗ nó là cùng cái túi của bản ngã nhảy. Ngôi nhà này đã trở thành không thể sống được, thân thể này không còn có thể để sống nữa. Ham muốn cũ, khao khát về cuộc sống – thuật ngữ của Phật là tanha, thèm khát về cuộc sống – vẫn còn sống, đang cháy. Chính ham muốn đó lấy cú nhảy.
Bây giờ, nghe vật lí hiện đại mà xem. Họ nói rằng không có vật chất. Bạn có thấy bức tường rất vật chất này đằng sau tôi không? Bạn không thể đi qua nó được; nếu bạn thử bạn sẽ bị thương. Nhưng vật lí hiện đại nói nó là cái không, chẳng cái gì có chất liệu cả. Nó đơn giản là việc chuyển năng lượng thuần khiết với tốc độ lớn vô cùng tới mức mọi khoảnh khắc nó đều tạo ra sự giả dối, ảo tưởng, dáng vẻ của chất liệu.
Thỉnh thoảng bạn đã quan sát chiếc quạt quay nhanh – thế thì bạn không thể thấy được cánh. Chỉ có ba cánh thôi, nhưng chúng chuyển động nhanh thế trông giống như một vòng tròn, như cái đĩa; bạn không thể thấy được lỗ hổng giữa hai cánh. Nếu cái quạt chuyển động với cùng tốc độ như điện tử đang chuyển động – tốc độ cao vô cùng – thế thì bạn có thể ngồi lên chiếc quạt và bạn sẽ không bị rơi khỏi nó. Bạn có thể ngồi như tôi đang ngồi trên chiếc ghế và bạn sẽ không cảm thấy chuyển động nào cả, bởi vì việc chuyển động này nhanh thế.
Đích xác cùng điều đó xảy ra trong chiếc ghế này và cùng điều đó đang xảy ra dưới bạn trên sàn. Nó không phải là sàn đá đâu, đấy chỉ là dáng vẻ, nhưng các hạt năng lượng đang chuyển động nhanh tới mức chính sự chuyển động của chúng, tính nhanh của chúng, tạo ra ảo tưởng về chất liệu. Chất liệu không tồn tại, chỉ năng lượng thuần khiết tồn tại. Khoa học hiện đại nói vật chất không tồn tại, chỉ năng lượng phi vật chất là tồn tại.
Do đó tôi nói Phật rất khoa học. Ông ấy không nói về thượng đế, nhưng ông ấy nói về vô ngã phi vật chất. Cũng như khoa học hiện đại đã lấy ý tưởng về chất liệu ra khỏi siêu hình của nó, Phật đã lấy ý tưởng về cái ngã ra khỏi siêu hình của ông ấy. Cái ngã và chất liệu là có tương quan với nhau. Khó mà tin được rằng bức tường lại là phi chất liệu và theo cùng cách đó khó mà tin được rằng không có cái ta nào tồn tại trong bạn.
Từ “Kỉ luật của siêu việt – Tập 1”