Một từ rất quí giá trong cách tiếp cận của Phật tới cuộc sống là samata. Samata nghĩa là bình thản, thăng bằng, cân bằng, vô chọn lựa. Không di chuyển tới các cực đoan, tránh cực đoan. Đau đớn và vui thích là hai cực đoan – không chọn lựa. Không né tránh và không bám víu. Chỉ vẫn còn ở giữa nó, quan sát, nhìn nó, không gắn bó.
Đau tới, để nó tới – bạn chỉ là tâm thức quan sát. Bạn chỉ là nhận biết. Có đau đầu, bạn chỉ quan sát nó. Không nói không với nó, không bắt đầu tranh đấu với nó; không phủ nhận nó, không né tránh nó. Không cố dấn thân bạn vào đâu đó khác để cho bạn được sao lãng khỏi nó. Để nó ở đó: bạn đơn giản quan sát. Và trong quan sát nó, cuộc cách mạng lớn xảy ra.
Nếu bạn có thể quan sát nó mà không có thích và không có không thích, đột nhiên nó có đó nhưng bạn ở ngoài nó, bạn không còn ở trong nó. Bạn đang đứng đó không bắc cầu tới nó. Vô chọn lựa không bắc cầu tới bạn từ mọi loại tâm trạng, từ mọi loại tâm trí. Đó là samata.
Vui thích tới, để nó tới. Không bám víu nó. Không nói, “Anh muốn có em mãi mãi.” Nếu bạn bám víu lấy vui thích, thế thì bạn sẽ né tránh đau đớn. Và không đi sang cực đoan kia: không bắt đầu phủ nhận vui thích, không bắt đầu trốn khỏi vui thích, vì đó là cùng một điều. Nếu bạn bắt đầu trốn khỏi vui thích, bạn sẽ bắt đầu bám víu lấy đau đớn. Đó là điều nhà khổ hạnh làm.
Người mê đắm bám víu lấy vui thích, né tránh đau đớn. Và người khổ hạnh né tránh vui thích và bám víu đau đớn. Cả hai cách tiếp cận này đều sai; trong cả hai cách này bạn đều mất cân bằng. Phật giáo không mê đắm không khổ hạnh. Nó không dạy cái gì – nó đơn giản nói quan sát!
Và đó là điều Jesus liên tục lặp đi lặp lại mãi: Quan sát đi! Có tính quan sát đi! Giữ tỉnh táo, giữ thức tỉnh.
Bạn thử nó đi! Đây là thực nghiệm trong tâm lí – chẳng liên quan gì tới Thượng đế. Và bạn sẽ ngạc nhiên và được lợi mênh mông. Ngày bạn có thể thấy rằng bạn không là đau đớn không là vui thích là ngày vĩ đại, là ngày vĩ đại nhất – vì từ đó trở đi mọi sự sẽ khác.
Nếu trời mưa, để trời mưa…
Nếu có đau, để nó là vậy.
Nếu trời không mưa, để trời không mưa;
Nếu không có đau, để nó là vậy. Nếu có vui thích, để nó là vậy. Nhưng bạn không bị đồng nhất với bất kì cái gì.
Nhưng ngay cả trời có lẽ không mưa,
Ông phải du hành
với tay áo ướt.
Nhưng nhớ một điều: cho dù cuộc sống của bạn đã là thuận tiện, tiện nghi, vui thích, và đã không có đau đớn lớn, khổ sở lớn, thế nữa ông phải du hành với tay áo ướt. Tại sao? Vì dẫu sao bạn sẽ trở nên già đi, dẫu sao bạn sẽ phải chết một ngày nào đó. Cho nên người ta có thể sống cuộc sống rất vui thích, nhưng tuổi già đang tới, và chết đang tới. Chết không thể nào được né tránh; không có cách nào thoát khỏi nó; nó là điều không tránh khỏi. Cho nên dù bạn sống cuộc sống đau đớn hay bạn sống cuộc sống vui thích sẽ không tạo ra mấy khác biệt khi chết tới. Và chết đang tới.
Chết đã tới từ ngày bạn được sinh ra. Trong chính ý tưởng về sinh, chết đã đi vào trong bạn.
Với ý tưởng về sinh, ý tưởng về chết nảy sinh. Chúng đi cùng nhau, các mặt của cùng một đồng tiền. Chừng nào bạn chưa bỏ được ý tưởng về sinh, bạn sẽ không bỏ được ý tưởng về chết.
Đó là lí do tại sao Thiền nhân nhấn mạnh: Đi sâu vào trong con người ông và nhìn mặt của ông mà ông đã có trước khi sinh. Nếu ông có thể có một thoáng nhìn nhỏ về mặt nguyên thuỷ đó mà ông đã có trước khi sinh, thế thì chết đã biến mất. Bị gắn bó với sinh ông sẽ chết – không bị gắn bó với sinh, thế thì ông không cần sợ chết. Quan sát sinh và ông sẽ có khả năng quan sát cả chết nữa.
Và kinh nghiệm lớn lao nhất của cuộc sống là chết khi quan sát chết. Nhưng bạn phải chuẩn bị cho điều đó. Nếu bạn thậm chí không thể quan sát được đau đầu, nếu bạn thậm chí không thể quan sát được cái đau nhỏ trong dạ dầy, nếu bạn không thể quan sát được những điều nhỏ bé này, bạn sẽ không có khả năng quan sát chết.
Phật giáo nói: Quan sát! Để mọi khoảnh khắc của sống trở thành kinh nghiệm trong tính quan sát – đau đớn, vui thích, mọi thứ; yêu, ghét, mọi thứ; tốt, xấu, mọi thứ. Liên tục quan sát. Để một vị lan rộng trong con người bạn: vị của tính quan sát, và samata nảy sinh ra từ nó. Người ta trở nên hoàn toàn được cân bằng ở giữa các cực.
Trong việc cân bằng đó… cũng giống như người đi trên dây bước cân bằng trên dây căng ra. Người đó vẫn còn ở giữa, không nghiêng sang trái hay sang phải; hay bất kì khi nào người đó thấy bản thân mình nghiêng sang một bên, người đó lập tức lấy lại cân bằng cho bản thân mình. Giữa đau đớn và vui thích, ngày và đêm, sinh và tử, liên tục giữ cân bằng… và thế thì chính việc giữ cân bằng đó sẽ cho bạn cái nhìn sâu vào thực tại bạn đang vậy.
Thực tại đó chưa bao giờ được sinh ra. Thân thể này đã được sinh ra, thân thể này sẽ chết đi….
Thiền sư khác, Mục Châu, đã được một người hỏi… Mục Châu đang ốm, già, chỉ ngay trên bờ cái chết, và người lạ này tới và hỏi, “Thưa thầy, thầy sẽ đi đâu khi thầy chết?”
Và Mục Châu mở mắt ra và nói, “Ta sẽ ở trong mồ! Cả bốn chi của ta hướng lên trời.”
Một câu trả lời kì lạ. Và bạn sẽ bỏ lỡ vấn đề nếu tôi không nhắc bạn. Khi Mục Châu nói, “Ta sẽ nằm trong mồ với cả bốn chi hướng lên trời,” thực tại ông ấy nói gì? Ông ấy nói, “Thân thể sẽ ở trong mồ và ta sẽ quan sát nó nằm trong mồ với bốn chi hướng lên trời. Ta sẽ vẫn là việc quan sát, ta sẽ vẫn là người quan sát. Ta bao giờ cũng là người quan sát. Thân thể được sinh ra và ta đã quan sát. Thân thể trở thành thanh niên và ta đã quan sát. Và thân thể trở nên già và ta đã quan sát. Ri một ngày nó sẽ chết và ta sẽ là việc quan sát. Ta là tính quan sát của ta.”
Điều này Phật gọi là sammasati – nhận biết đúng.
Nếu trời mưa, để trời mưa;
Nếu trời không mưa, để trời không mưa;
Nhưng ngay cả trời có lẽ không mưa,
Ông phải du hành
với tay áo ướt.
Cho nên đừng bị lừa bởi cuộc sống thoải mái, thuận tiện của bạn – vì chết đang tới để phá tan tất cả, phá huỷ tất cả. Chuẩn bị cho bản thân bạn đi! Và việc chuẩn bị duy nhất là cân bằng.
Nhìn hoa anh đào nở!
Mầu và hương của chúng rụng cùng chúng,
mất đi mãi mãi,
vậy mà không chú ý
xuân lại tới.
Cuộc sống lặp lại bản thân nó một cách trung lập – chừng nào bạn chưa trở nên chú ý, nó sẽ liên tục lặp lại như bánh xe. Đó là lí do tại sao Phật tử gọi nó là bánh xe sinh tử – bánh xe của thời gian. Nó chuyển động như bánh xe: sinh được tiếp nối bởi tử, tử được tiếp nối bởi sinh; yêu được tiếp nối bởi ghét, ghét được tiếp nối bởi yêu; thành công được tiếp nối bởi thất bại, thất bại được tiếp nối bởi thành công. Nhìn mà xem!
Nếu bạn có thể quan sát chỉ trong vài ngày, bạn sẽ thấy một hình mẫu nổi lên, hình mẫu bánh xe. Ngày này, một sáng đẹp, bạn cảm thấy thoải mái thế và hạnh phúc thế, và ngày khác bạn đờ đẫn, chết tới mức bạn bắt đầu nghĩ về tự tử. Và mới hôm nọ bạn đã đầy sự sống, phúc lạc tới mức bạn đã cảm thấy cám ơn Thượng đế rằng bạn đã ở trong tâm trạng biết ơn sâu sắc, rồi hôm nay có phàn nàn lớn và bạn chẳng thấy được tại sao người ta phải tiếp tục sống. Và ngày mai lại khoảnh khắc phúc lạc đó sẽ tới. Việc nở hoa anh đào sẽ lại tới, và sẽ có hương thơm và tiếng chim hót, và ngày chói sáng mặt trời… và rồi lại tới ngày mây, và đêm tối của linh hồn. Và điều đó cứ diễn ra mãi, nhưng bạn không thấy hình mẫu này.
Một khi bạn thấy ra hình mẫu này, bạn có thể thoát ra khỏi nó. Một khi bạn thấy ra hình mẫu này, rằng nó liên tục không để ý mãi, nó không cần bạn…. Mọi người bình thường nghĩ rằng khi họ giận, ai đó đã tạo ra giận trong họ. Điều đó là sai hoàn toàn! Cho dù bạn một mình và không có ai cả, bạn chắc đã giận vào khoảnh khắc đó. Đấy là cái gì đó có liên quan tới bánh xe bên trong của bạn, với tính chu kì bên trong của bạn, nhịp điệu bên trong – nó chẳng liên quan gì tới ai đó bên ngoài.
Bên ngoài chỉ là cái cớ, vì nghĩ, “Mình đang tạo ra cho bản thân mình sự giận dữ,” là điều xấu thế. Cái cớ cho cảm giác thoải mái, nó làm nhẹ gánh nặng cho bạn. Thế rồi một ngày nào đó, gặp người bạn, bạn cảm thấy hạnh phúc thế và bạn nghĩ, “Việc bạn tới làm cho mình hạnh phúc thế” – điều đó nữa cũng là sai. Cho dù bạn ngồi một mình trong khoảnh khắc đó, bạn chắc đã hạnh phúc rồi.
Đó là một trong những sự nhận ra lớn lao xảy tới với những người đi vào trong cô lập trong vài ngày. Đó là việc thiền tốt, đi vào trong cô lập trong vài tuần và chỉ một mình trong vài tuần. Bạn sẽ ngạc nhiên! Từ không đâu cả… ngày này bạn cảm thấy tốt lành – không ai có đó và không ai đã làm bất kì cái gì cho bạn. Và ngày nào đó bạn cảm thấy tồi tệ. Ngày này bạn nhảy múa, ngày khác bạn khóc. Và thế thì bạn có thể thấy rằng bạn tạo ra trạng thái riêng của bạn.
Một khi điều này được thấy ra, bạn thôi đổ trách nhiệm lên người khác và cuộc sống trở thành cuộc sống khác. Bằng không, tất cả chúng ta đều đổ trách nhiệm của mình lên người khác. Chúng ta làm cho người khác cảm thấy mặc cảm: “Chính bởi vì anh mà tôi giận hay buồn.” Và một cách tự nhiên người khác phải chấp nhận điều đó vì họ làm cùng điều đó với bản thân họ. Và họ phải chấp nhận điều đó vì lí do khác nữa, vì đôi khi họ được ca ngợi vì họ làm cho mọi người hạnh phúc nữa.
Một khi bạn biết rằng bạn không thể làm cho bất kì người nào hạnh phúc được, bạn chưa bao giờ làm cho bất kì ai hạnh phúc cả, và không ai có thể làm cho bạn hạnh phúc và không ai có thể làm cho bạn bất hạnh – một khi sáng suốt này đã trở nên được lắng đọng trong tâm bạn, bạn sẽ không bao giờ đổ trách nhiệm lên bất kì ai. Mọi vật lộn, vật lộn vô tích sự đều biến mất. Thế thì bạn biết rằng bạn có bánh xe bên trong liên tục chuyển động. Lúc thì nan hoa này trên đỉnh, lúc thì nan hoa khác lên đỉnh.
Và nó chuyển động một cách không chú ý tới ai, nhớ lấy. Cho nên cách duy nhất để thoát ra khỏi nó là chú ý, chăm chú. Nó là robot; nó là thứ máy móc; nó là máy tự động. Cho nên mọi cách thiền không là gì ngoài việc giải tự động. Mọi quá trình mà đã trở thành tự động trong bạn đều phải được giải tự động. Bất kì cái gì giải tự động đều giúp đỡ vô cùng.
Chẳng hạn, bạn bước đi với nhịp độ nào đó. Phật nói với các đệ tử của ông ấy: Bước chậm thôi; đổi nhịp đi. Chỉ bước đi rất chậm. Và đột nhiên bạn sẽ ngạc nhiên: nếu bạn bước chậm, bạn trở nên nhận biết về việc bước của bạn. Thực ra, bạn có thể bước chậm chỉ nếu bạn vẫn còn nhận biết. Khoảnh khắc bạn mất nhận biết, bạn sẽ thu lấy tốc độ; thế thì bạn sẽ lại trở thành máy tự động.
Thiền của Phật là để làm cho bạn nhận biết về các hoạt động của cuộc sống. Ăn, ăn với nhận biết đầy đủ; nhai với nhận biết về điều bạn đang nhai. Bước đi, từng bước một đều phải lấy với nhận biết đầy đủ về điều đang xảy ra, điều bạn đang làm. Không nói ra lời! nhưng phải là tâm thức đằng sau: “Mình đang giơ chân trái lên” – không phải là bạn phải lặp lại điều đó, “Mình đang giơ chân trái lên.” Điều đó là ngu xuẩn. Không có nhu cầu lặp lại nó. Nhưng bạn có thể quan sát nó: “Mình đang nhai. Mình đang đứng dưới vòi hoa sen. Nước mát. Trời quá nóng và thân thể vã mồ hôi.” Không phải là bạn đã lặp lại những lời này: bạn chỉ có tính quan sát thôi. Thế thì dần dần, dần dần một sự tích hợp mới xảy ra trong bạn, sự chú ý nảy sinh. Sự chú ý đó có thể đưa bạn ra khỏi bánh xe – không cái gì khác.
Từ “Coi nó là dễ”, T.1, Ch.7 Râu của đá cuội