Tantra và Yoga – phần 2

Cho nên khó tìm ra người yogi mà không là người bản ngã. Và người yogis có thể liên tục nói về vô ngã, nhưng họ không thể là vô ngã được. Chính quá trình họ đi qua tạo ra bản ngã. Tranh đấu là quá trình này. Nếu bạn tranh đấu, bạn nhất định tạo ra bản ngã. Và bạn càng tranh đấu, bản ngã sẽ càng được làm mạnh thêm. Và nếu bạn thắng cuộc tranh đấu, thế thì bạn sẽ đạt tới bản ngã tối cao.

Tantra nói, không tranh đấu! Thế thì không có khả năng nào của bản ngã. Nếu chúng ta hiểu tantra sẽ có nhiều vấn đề, vì với chúng ta, nếu không có tranh đấu chỉ có mê đắm. Không tranh đấu ngụ ý mê đắm với chúng ta. Thế thì chúng ta trở nên sợ. Chúng ta đã mê đắm trong nhiều kiếp cùng nhau và chúng ta đã không đạt tới đâu cả. Nhưng với tantra mê đắm không phải là mê đắm “của chúng ta.” Tantra nói mê đắm, nhưng có nhận biết.

Bạn giận… tantra sẽ không nói đừng giận. Tantra sẽ nói giận một cách toàn tâm đi, nhưng có nhận biết. Tantra không chống lại giận, tantra chỉ chống lại việc ngủ tâm linh, vô ý thức tâm linh. Nhận biết và giận. Và đây là bí mật của phương pháp này – rằng nếu bạn nhận biết, giận được biến đổi: nó trở thành từ bi. Cho nên tantra nói giận không phải là kẻ thù của bạn; nó là từ bi dưới dạng hạt mầm. Cùng giận đó, cùng năng lượng đó, sẽ trở thành từ bi.

Nếu bạn tranh đấu với nó, thế thì sẽ không có khả năng nào cho từ bi. Cho nên nếu bạn thành công trong tranh đấu, trong kìm nén, bạn sẽ là người chết. Sẽ không có giận vì bạn đã kìm nén nó, nhưng sẽ không có từ bi nữa vì chỉ giận mới có thể được biến đổi thành từ bi. Nếu bạn thành công trong kìm nén của bạn – điều là không thể được – thế thì sẽ không có dục, nhưng cũng không có yêu, vì với dục chết không có năng lượng tăng trưởng trong yêu. Cho nên bạn sẽ không có dục, nhưng bạn cũng sẽ không có yêu. Và thế thì toàn thể vấn đề bị bỏ lỡ, vì không có yêu thì không có tính thiêng liêng, không có yêu sẽ không có giải thoát, và không có yêu sẽ không có tự do.

Tantra nói rằng cùng những năng lượng này là để được biến đổi. Điều đó có thể được nói theo cách này: nếu bạn chống lại thế giới, thế thì không có niết bàn – vì bản thân thế giới này là để được biến đổi thành niết bàn. Thế thì bạn chống lại năng lượng cơ bản, điều là cội nguồn.

Cho nên giả kim thuật tantra nói, không tranh đấu, thân thiện với mọi năng lượng được trao cho bạn. Đón chào chúng. Cảm thấy biết ơn rằng bạn có giận, rằng bạn có dục, rằng bạn có tham. Cảm thấy biết ơn vì đây là những cội nguồn ẩn kín, và chúng có thể được biến đổi, chúng có thể được mở ra. Và khi dục được biến đổi nó trở thành yêu. Chất độc bị mất đi, cái xấu bị mất đi.

Hạt mầm là xấu, nhưng khi nó trở nên sống động nó đâm chồi và ra hoa. Thế thì có cái đẹp. Đừng vứt hạt mầm đi, vì thế thì bạn cũng đang vứt đi hoa trong nó. Chúng còn chưa có đó, chưa biểu lộ để cho bạn có thể thấy chúng. Chúng là không biểu lộ, nhưng chúng có đó. Dùng hạt mầm này để cho bạn có thể đạt tới hoa. Vậy trước hết để có việc chấp nhận, hiểu biết nhạy cảm và nhận biết. Thế thì mê đắm là được phép.

Một điều nữa mà thực sự rất lạ, nhưng là một trong những khám phá sâu nhất của tantra, và đó là: bất kì cái gì bạn coi như kẻ thù của bạn – tham, giận, ghét, dục, bất kì cái gì – thái độ của bạn rằng chúng là kẻ thù làm cho chúng thành kẻ thù của bạn. Coi chúng là món quà thiêng liêng và tiếp cận chúng bằng trái tim rất biết ơn đi. Chẳng hạn, tantra đã phát triển nhiều kĩ thuật cho việc biến đổi năng lượng dục. Tiếp cận hành động dục dường như bạn đang tiếp cận tới ngôi đền của điều thiêng liêng. Tiếp cận hành động dục dường như nó là lời cầu nguyện, dường như nó là thiền. Cảm thấy sự linh thiêng của nó.

Đó là lí do tại sao ở Khajuraho, ở Puri, ở Konark, mọi ngôi đền đều có maithun, điêu khắc giao hợp. Hành động dục trên tường của những ngôi đền dường như là phi logic, đặc biệt đối với Ki tô giáo, đối với Hồi giáo, đối với Jaina giáo. Nó dường như là không thể quan niệm nổi, mâu thuẫn. Làm sao đền lại được kết nối với những hình ảnh maithun? Trên tường bên ngoài của những ngôi đền ở Khajuraho, mọi kiểu hành động dục có thể quan niệm được đều được làm thành tranh trong đá. Tại sao? Trong đền phải không có chỗ nào như thế chứ, ít nhất trong tâm trí chúng ta nghĩ vậy. Ki tô giáo không thể quan niệm được về tường nhà thờ có các bức tranh Khajuraho. Không thể được!

Người Hindus hiện đại cũng cảm thấy mặc cảm vì tâm trí của người Hindu hiện đại được tạo ra bởi Ki tô giáo. Họ là người “Hindu-Ki tô giáo” – và họ còn tồi hơn, vì là người Ki tô giáo là tốt, nhưng là người Hindu-Ki tô giáo chỉ là kì quái. Họ cảm thấy mặc cảm. Một người lãnh đạo Hindu, Purshottamdas Tandon, thậm chí đã đề nghị rằng những ngôi đền này nên bị phá huỷ, rằng chúng không thuộc về chúng ta. Thực sự, dường như có vẻ chúng không thuộc về chúng ta vì tantra đã không trong tim chúng ta trong một thời gian dài, trong nhiều thế kỉ. Nó đã không là dòng chảy chính. Yoga đã là dòng chảy chính, và với yoga Khajuraho là không thể quan niệm nổi – nó phải bị phá huỷ.

Tantra nói, cách tiếp cận hành động dục phải dường như bạn đang đi vào trong ngôi đền linh thiêng. Đó là lí do tại sao họ đã vẽ tranh hành động dục trên đền linh thiêng của họ. Họ đã nói, tiếp cận tới dục dường như bạn đang đi vào ngôi đền linh thiêng. Do vậy, khi bạn đi vào ngôi đền linh thiêng, dục phải có đó để cho hai người được nối lại trong tâm trí các bạn, được kết hợp lại. Thế thì bạn có thể cảm thấy rằng thế giới và điều thiêng liêng không phải là hai yếu tố tranh đấu nhau, mà là một. Chúng không mâu thuẫn, chúng chỉ là những đối lập cực giúp lẫn nhau. Và chúng có thể tồn tại chỉ bởi vì tính cực này. Nếu tính cực này bị mất, toàn thế giới bị mất. Cho nên nhìn tính một sâu sắc đang chạy qua mọi thứ. Đừng chỉ nhìn các đối lập cực, nhìn dòng chảy bên trong làm cho chúng thành một.

Với tantra mọi thứ đều linh thiêng. Nhớ điều này, với tantra mọi thứ là linh thiêng; không cái gì là không linh thiêng. Nhìn điều đó theo cách này: với người phi tôn giáo, mọi thứ là không linh thiêng; với cái gọi là người tôn giáo cái gì đó là linh thiêng, cái gì đó là không linh thiêng.

Với tantra, mọi thứ là linh thiêng.

Một nhà truyền giáo Ki tô giáo đã ở cùng tôi vài ngày trước đây và ông ấy nói, “Thượng đế đã tạo ra thế giới.” Thế là tôi hỏi ông ấy, “Ai tạo ra tội lỗi?” Ông ấy nói, “Quỉ.”

Thế rồi tôi hỏi ông ấy, “Ai đã tạo ra quỉ?” Thế là ông ấy lúng túng. Ông ấy nói, “Tất nhiên, Thượng đế đã tạo ra quỉ.”

Quỉ tạo ra tội và Thượng đế tạo ra quỉ. Thế thì ai là tội nhân thực – quỉ hay Thượng đế? Nhưng khái niệm nhị nguyên bao giờ cũng dẫn tới những điều ngớ ngẩn như vậy. Với tantra Thượng đế và quỉ không phải là hai. Thực sự, với tantra không có gì có thể được gọi là “quỉ”, mọi thứ đều là thiêng liêng, mọi thứ là linh thiêng. Và điều này dường như là quan điểm đúng, sâu nhất. Nếu bất kì cái gì là không linh thiêng trong thế giới này, nó tới từ đâu và làm sao nó có thể vậy?

Cho nên chỉ hai phương án có đó. Thứ nhất, phương án của người vô thần, người nói mọi thứ đều không linh thiêng. Thái độ này là được. Người đó cũng là người bất nhị; người đó không thấy tính linh thiêng nào trong thế giới. Thế rồi có phương án của người theo tantra – người đó nói mọi thứ là linh thiêng. Người đó cũng là người bất nhị. Nhưng giữa hai người này là cái gọi là người tôn giáo, người không thực sự có tính tôn giáo. Họ không có tính tôn giáo mà cũng không tính phi tôn giáo vì họ bao giờ cũng trong xung đột. Toàn thể thượng đế học của họ chỉ là để làm cho các mục đích gặp gỡ và những mục đích đó không thể gặp gỡ được.

Nếu riêng một tế bào, riêng một nguyên tử trong thế giới này là không linh thiêng, thế thì toàn thế giới trở thành không linh thiêng, vì làm sao riêng một nguyên tử đó có thể tồn tại trong một thế giới linh thiêng được? làm sao điều đó là có thể? Nó được hỗ trợ bởi mọi thứ; để hiện hữu, nó phải được hỗ trợ bởi mọi thứ. Và nếu phần tử không linh thiêng được hỗ trợ bởi mọi phần tử linh thiêng, thế thì cái gì là khác biệt giữa chúng? Cho nên hoặc thế giới là linh thiêng toàn bộ, vô điều kiện, hoặc nó là không linh thiêng; không có con đường giữa.

Tantra nói mọi thứ là linh thiêng, đó là lí do tại sao chúng ta không thể hiểu được nó. Nó là lập trường bất nhị sâu sắc nhất – nếu chúng ta có thể gọi nó là lập trường. Nó không phải vậy, vì bất kì lập trường nào đều nhất định là nhị nguyên. Nó không chống lại bất kì cái gì, cho nên nó không phải là bất kì lập trường nào. Nó là sự thống nhất được cảm thấy, sự thống nhất được sống.

Đây là hai con đường, yoga và tantra. Tantra không thể hấp dẫn thế vì tâm trí què quặt của chúng ta. Nhưng bất kì khi nào có người nào đó là mạnh khoẻ bên trong, không là hỗn độn, tantra có cái đẹp. Chỉ người như vậy mới có thể hiểu tantra là gì. Yoga có hấp dẫn, hấp dẫn dễ dàng, vì tâm trí rối loạn của chúng ta.

Nhớ, chung cuộc chính tâm trí chúng ta làm cho mọi thứ thành hấp dẫn hay không hấp dẫn. Chính bạn là nhân tố quyết định.

Những cách tiếp cận này là khác nhau. Tôi không nói rằng người ta không thể đạt tới qua yoga. Người ta có thể đạt tới qua yoga nữa, nhưng không qua yoga đang thịnh hành. Yoga đang thịnh hành không thực là yoga, mà là diễn giải của tâm trí bị bệnh của bạn. Yoga có thể là cách tiếp cận đích thực hướng tới điều tối thượng, nhưng điều đó nữa chỉ có thể khi tâm trí bạn là mạnh khoẻ, khi tâm trí bạn không bị bệnh và ốm. Thế thì yoga lấy hình dáng khác.

Chẳng hạn, Mahavir đã trên con đường yoga, nhưng ông ấy đã không thực sự kìm nén dục. Ông ấy đã biết nó, ông ấy đã sống nó, ông ấy đã quen thuộc sâu sắc với nó. Nhưng nó đã trở thành vô dụng với ông ấy, cho nên nó rơi rụng đi. Phật đã trên con đường yoga, nhưng ông ấy đã sống qua thế giới, ông ấy đã quen thuộc sâu sắc với nó. Ông ấy không tranh đấu.

Một khi bạn biết cái gì đó bạn trở nên tự do khỏi nó. Nó đơn giản rơi rụng đi như lá khô rơi khỏi cây. Nó không phải là từ bỏ; không có tranh đấu được bao hàm chút nào. Nhìn mặt Phật mà xem – nó không có vẻ giống như mặt của chiến binh. Ông ấy đã không tranh đấu. Ông ấy thảnh thơi thế; mặt ông ấy chính là biểu tượng cho thành thơi… không tranh đấu.

Nhìn mặt nhà yogi mà xem. Tranh đấu là rõ ràng trên mặt họ. Sâu bên dưới nhiều rối loạn có đó – ngay bây giờ họ đang ngồi trên núi lửa. Bạn có thể nhìn vào mắt họ, vào mặt họ, và bạn sẽ cảm thấy điều đó. Sâu bên dưới ở đâu đó họ đã kìm nén mọi bệnh tật của họ; họ đã không đi ra ngoài.

Trong một thế giới mạnh khoẻ, nơi mọi người đang sống cuộc sống của mình một cách đích thực, cá nhân, không bắt chước người khác mà sống cuộc sống riêng của mình theo cách riêng của mình, cả hai điều là có thể. Người đó có thể học nhạy cảm sâu sắc điều siêu việt trên ham muốn; người đó có thể đi tới điểm mọi ham muốn trở thành vô tích sự và rơi rụng đi. Yoga cũng có thể dẫn tới điều này, nhưng với tôi yoga sẽ dẫn tới nó trong cùng thế giới nơi tantra có thể dẫn tới nó – nhớ điều này. Chúng ta cần một tâm trí mạnh khoẻ, con người tự nhiên. Trong thế giới đó nơi con người tự nhiên hiện hữu, tantra, và cả yoga nữa, sẽ dần tới siêu việt trên ham muốn.

Trong cái gọi là xã hội ốm yếu của chúng ta, cả yoga lẫn tantra không thể làm được điều này, vì nếu chúng ta chọn yoga chúng ta không chọn nó vì ham muốn đã trở thành vô dụng – không! Chúng vẫn còn có nghĩa; chúng không tự rơi rụng đi. Chúng ta phải ép buộc chúng. Nếu chúng ta chọn yoga, chúng ta chọn nó như một kĩ thuật kìm nén. Nếu chúng ta chọn tantra, chúng ta chọn tantra như sự tinh ranh, như việc lừa dối sâu – cái cớ để mê đắm.

Cho nên với một tâm trí không lành mạnh, cả yoga lẫn tantra đều không thể có tác dụng. Cả hai sẽ dẫn tới lừa dối. Một tâm trí lành mạnh, đặc biệt tâm trí lành mạnh về dục, được cần để bắt đầu. Thế thì không khó lắm để chọn con đường của bạn. Bạn có thể chọn yoga, bạn có thể chọn tantra.

Về căn bản có hai kiểu người, nam và nữ. Tôi không ngụ ý về mặt sinh học, nhưng về mặt tâm lí. Với những người về căn bản là nam về tâm lí – lấn lướt, bạo hành, hướng ngoại – yoga là con đường của họ. Với những người về căn bản là nữ, tiếp nhận, thụ động, không bạo hành, tantra là con đường của họ. Cho nên bạn có thể lưu ý điều đó: với tantra, Mẹ Kali, Tara, và nhiều devi, bhairavis – các nữ thiên thần – là rất có ý nghĩa. Trong yoga bạn sẽ không bao giờ nghe nhắc tới bất kì cái tên nào của nữ thiên thần. Tantra có các nữ thần; yoga có các nam thần. Yoga là năng lượng đi ra; tantra là năng lượng đi vào trong. Cho nên bạn có thể nói theo thuật ngữ tâm lí hiện đại rằng yoga là hướng ngoại và tantra là hướng nội. Cho nên điều đó tuỳ thuộc vào nhân cách. Nếu bạn có nhân cách hướng nội, thế thì tranh đấu không dành cho bạn. Nếu bạn có nhân cách hướng ngoại, thế thì tranh đấu dành cho bạn.

Nhưng chúng ta đang bị lẫn lộn, chúng ta đang trong đống lộn xộn; đó là lí do tại sao không cái gì giúp được. Ngược lại, mọi thứ quấy rối. Yoga sẽ quấy rối bạn, tantra sẽ quấy rối bạn. Mọi thuốc sẽ tạo ra bệnh mới cho bạn vì người chọn ốm, bị bệnh; cho nên kết quả của chọn lựa của người đó sẽ là ốm yếu. Cho nên tôi không ngụ ý rằng qua yoga bạn không thể đạt tới. Tôi nhấn mạnh tantra chỉ bởi vì chúng ta đang cố hiểu tantra là gì.

 

Từ “Vigyan Bhairav Tantra”, T.1, Ch.2