Các giai đoạn phát triển bản ngã

Đứa trẻ được sinh ra. Đứa trẻ giống như quả bóng chưa được thổi lên. Quả bóng có đó, nó có thể được thổi phồng lên, nó có thể mang nhiều khí. Nhưng ngay bây giờ không có khí trong nó. Thế rồi, dần dần, chúng ta thổi phồng quả bóng này. Quả bóng này là biểu tượng của bản ngã. Từ năm đầu tiên tới năm thứ bẩy đứa trẻ tồn tại gần như vô ngã. Nó tồn tại trong hoà điệu với sự tồn tại, nó không có phân tách, không biên giới rõ ràng. Nó không biết nó là ai, nó không so sánh, nó không tranh đấu. Nó sống trong thảnh thơi hoàn toàn — đó là cái đẹp của đứa trẻ. Đó là lí do tại sao mắt đứa trẻ là hồn nhiên thế; không căng thẳng nào nổi ở đó, không phiền não nào đã nảy sinh, không sợ.

Phiền não nảy sinh chỉ khi các biên giới của bạn đã trở thành rất rõ ràng. Với các biên giới bạn là tách rời; khi bạn tách rời bạn ở trong nguy hiểm. Việc tách rời đem tới nguy hiểm. Khi bạn bắt đầu cảm thấy rằng “Tôi là bản thân tôi và không là ai khác!” thế thì chết bắt đầu lượn lờ quanh bạn — vì đây là ý tưởng giả. Bạn không là bản thân bạn: bạn là một phần của cái toàn thể. Bạn không là hòn đảo. Bản ngã cho ý tưởng rằng bạn là hòn đảo. Bạn không là hòn đảo; bạn được nối liền với toàn thể sự tồn tại. Bạn không tách rời, cho nên làm sao có thể có chết được? Đó là lí do tại sao đứa trẻ là bất tử — nó có thể đi và chơi với rắn. Nó không có khái niệm về chết, nó là hồn nhiên hoàn toàn thế. Bạo dạn này của đứa trẻ tới từ đâu?

Điều đó tới vì chưa có phân chia; nó sống cuộc sống không phân chia, cuộc sống của nhất trí, thống nhất. Đó là lí do tại sao về sau chúng ta liên tục nghĩ với hoài niệm về những ngày đó đã đẹp làm sao, vài năm đó đã đẹp làm sao. Chúng liên tục vẫn còn là thời đại vàng — thơ ca của những ngày đó, điệu vũ, niềm vui, mở hội — điều đó liên tục vẩn vơ quanh bạn trong cả đời bạn. Dường như cái tốt nhất đã xảy ra đầu tiên, và kể từ đó bạn đã rơi và rơi và rơi.

Vì cơ chế cơ bản này, mọi tôn giáo đều lưu truyền chuyện ngụ ngôn về ‘Sa ngã’. Sa ngã giả định rằng đầu tiên chúng ta đã ở cao hơn; chúng ta đã ở cao hơn và thế rồi chúng ta sa xuống thấp hơn. Điều này dường như không phải là tiến hoá rất tốt. Nó là lùi hoá! Đầu tiên bạn đã ở trong thời đại vàng — người Hindu nói vậy, người Ki tô giáo nói vậy, mọi tôn giáo của thế giới đều nói vậy: rằng thời đại vàng thực đã qua trong quá khứ. Bây giờ những ngày càng tăm tối hơn đang tới — Kaliyuga, Thời Đen tối — nó sẽ ngày càng tối hơn. Chuyện ngụ ngôn về Sa ngã này tới từ đâu? Nó tới từ kinh nghiệm sâu sắc của mọi con người. Nó là rất nền tảng.

Đứa trẻ đã thực sự hạnh phúc. Nó đã không biết tới trách nhiệm, nó đã không biết tới phân chia, nó đã không biết tới phân tách. Nó đã là vô ngã. Quả bóng đã có đó, sẵn sàng về tiềm năng. Bạn có thể cho khí nóng vào trong nó bất kì khoảnh khắc nào. Và chúng ta bắt đầu để khí nóng vào — khoảnh khắc đứa trẻ được sinh ra chúng ta bắt đầu để khí nóng vào trong nó. Khoảnh khắc bạn bắt đầu để khí nóng vào, đứa trẻ bắt đầu trở nên ngày càng là một cá nhân.

Mọi đứa trẻ nhỏ đều có vẻ giống vậy. Tại sao chúng có vẻ giống vậy? Chúng không có nhiều phân biệt. Mặt của chúng chưa có nét đặc trưng, chúng không có mặt nạ. Chúng gần như giống nhau, tương tự. Đó là lí do tại sao mọi đứa trẻ có vẻ đẹp. Chúng còn chưa phát triển tính cách đặc biệt, phân biệt, nhân cách. Không có nhân cách này chúng hoàn toàn trong sự tồn tại, là một với nó. Có hài hoà.

Nhưng hài hoà đó sẽ bị phá vỡ sớm hay muộn. Chúng ta sẽ bắt đầu chuẩn bị cho chúng về thế giới. Chúng ta sẽ bắt đầu bảo chúng tên chúng là gì. Chúng ta sẽ bắt đầu bảo chúng là ai — người Ki tô giáo, người Hindu, người Mô ha mét giáo. Chúng ta sẽ bảo chúng liệu chúng là con trai hay con gái. Chúng ta sẽ bắt đầu áp đặt các ý tưởng lên chúng và ước định chúng và chuẩn bị chúng cho thế giới. Chúng ta sẽ cho chúng tới trường học và tới đại học và, dần dần, chúng ta sẽ huấn luyện chúng.

Toàn thể nền giáo dục của chúng ta bao gồm việc huấn luyện tinh vi trong bản ngã; đó là lí do tại sao giáo dục có tính ganh đua thế. Nó tuỳ thuộc vào tham vọng tạo ra tham vọng! Nói với đứa trẻ, “Con phải đứng đầu lớp. Con phải lên hàng đầu của đại học; con phải giành được huy chương vàng trong đại học. Đây là cách con phải học làm sao đứng đầu hàng. Thế thì toàn thể cuộc sống của con, con sẽ phải làm việc cho nó. Trước hết học bản đồ, và thế rồi toàn thể cuộc sống của con làm việc cho nó. Dù con ở bất kì chỗ nào, liên tục cố gắng là người đứng đầu hàng.”

Lo âu lớn được tạo ra, phiền não lớn được tạo ra. Chứng thần kinh được tạo ra từ nó.

Từ một tuổi tới bẩy tuổi đứa trẻ vẫn còn giống như quả bóng chưa thổi phồng lên. Từ bẩy tuổi tới mười bốn tuổi trẻ vị thành niên bắt đầu thu lấy dáng vẻ. Đó là lí do tại sao trẻ vị thành niên gặp khó khăn, bao giờ cũng sẵn sàng nói ‘không’ và bao giờ cũng sẵn sàng đánh nhau và bao giờ cũng sẵn sàng nổi dậy. Suốt nhiều thời đại điều đó đã là vậy, nó không phải là cái gì đó mới trong thời đại này. Suốt nhiều thời đại tuổi vị thành niên đã từng là vấn đề của thời đại. Bản ngã đã bắt đầu vận hành. Trẻ vị thành niên nói, “Tôi muốn theo cách riêng của tôi, tôi muốn làm việc của tôi! Đúng hay sai không phải là vấn đề — việc của tôi, tôi muốn làm!”

Chúng ta tạo ra nó: chúng ta cũng đè nén nó. Chúng ta tạo ra nó để cho đứa trẻ có thể tranh đấu với người khác trong thế giới. Nhưng đứa trẻ bắt đầu tranh đấu với bố mẹ nữa! Có vấn đề. Bố mẹ không muốn đứa trẻ mang bản ngã của nó chống lại họ, nhưng nó sẽ thực hành ở đâu? — họ là những người gần gũi nhất. Cho nên có mâu thuẫn trong cơ chế này. Họ muốn nó chống lại toàn thế giới: “Đi và cạnh tranh với mọi người đi! Là chiến binh và chứng tỏ khí phách của con và chứng tỏ gai góc của con — chứng tỏ rằng con là ai đó!” Nhưng đứa trẻ bắt đầu học ở gia đình. Một cách tự nhiên, mọi thứ phải được bắt đầu ở gia đình. Nó nói ‘không’ với mẹ, ‘không’ với bố. Bố nói, “Đừng hút thuốc lá!” và nó sẽ hút thuốc lá. Và bố nói, “Không đi xem phim!” và nó sẽ đi xem.

Bây giờ chúng ta đang đầu độc. Khi bạn đầu độc ai đó, bạn không thể tin cậy được rằng người đó sẽ ném chất độc của mình chỉ vào thế giới bên ngoài và người đó sẽ không ném chất độc vào bạn. Tuổi vị thành niên là thời gian rắc rối nhất — vì trẻ vị thành niên do dự giữa hai điều đối lập, giữa hai cực. Nó biết Thời thơ ấu vẫn còn đó và đã là thời đẹp thế. Nó còn chưa bỏ thời thơ ấu một cách tuyệt đối. Nó vẫn có thể hiểu thấu, đôi khi nó đi lại vào trong thời này. Đôi khi trẻ vị thành niên lại trở thành đứa trẻ — đang chơi cùng trò chơi, đuổi theo bướm, nhặt vỏ sò trên bãi biển — nó trượt trở lại. Thế thì điều đó lại là đẹp. Thế rồi nó quay lại vì nó phải đi tới trường và nó phải học toán học và địa lí và lịch sử; và nó phải ganh đua và kì thi đang tới gần. Nó liên tục di chuyển giữa hai lãnh thổ này; do đó nó trở nên rất lo nghĩ, không chắc chắn về bản thân nó.

Mãi cho tới năm thứ bảy nó đã rất chắc chắn, không có vấn đề gì. Bây giờ vấn đề này đang nảy sinh: bản ngã đang tới, quả bóng bắt đầu lấy hình dạng — không rất hoàn hảo, nhưng quả bóng bắt đầu lấy hình dạng. Bây giờ bạn có thể thấy trẻ vị thành niên đang trở thành khác với người khác.

Trẻ vị thành niên nhấn mạnh vào khác biệt của họ. Nếu bạn để mọi trẻ em phải theo một cách ăn mặc, chúng sẽ không thích điều đó — thế thì chúng mất sự phân tách của chúng. Chúng muốn trang phục riêng của chúng. Chúng muốn mọi thứ theo cách riêng của chúng. Chúng muốn phòng riêng của chúng có biển tên. Chúng bắt đầu kí tên của chúng trên sách của chúng — chữ kí đã đi vào trong hiện hữu.

Tính cách xuất hiện cùng với trẻ vị thành niên. Và gần như bao giờ cũng vậy, nếu bạn quan sát đúng một trẻ vị thành niên, bạn có thể viết ra toàn thể tương lai của người đó. Tính cách bắt đầu hình thành, các nền tảng bắt đầu trồi lên bề mặt — cậu bé đang trở thành cái gì. Mọi khả năng có đó, nhưng vài khả năng bắt đầu trở thành thực tại, và vài khả năng, dần dần, co lại và mất đi. Liệu đứa trẻ sẽ trở thành nhạc sĩ hay nhà thơ hay hoạ sĩ hay chính khách hay nhà huyền bí — tuổi vị thành niên là tuổi mà bạn có thể phán xét. Trước điều đó không thể nào phán xét được vì quả bóng không có hình dạng, dáng vẻ còn chưa đi vào. Và với tuổi vị thành niên một nỗ lực lớn để được tự do khỏi mọi hình mẫu, kỉ luật….

 

Từ tuổi mười bốn tới tuổi hai mươi tám là giai đoạn thứ ba của quả bóng hay bản ngã — tuổi thanh niên thổi phồng lên tới đầy đủ. Với tuổi mười bốn một loại tính đầy đủ đi vào trong sự sống vì người ta trở nên chín muồi về dục. Không cái gì cho nhiều dáng vẻ cho bản ngã hơn là dục. Không có chín muồi dục bạn vẫn còn thiếu cái gì đó. Bố mẹ bạn có cái gì đó — họ có thể sinh con, bạn không thể. Bạn cảm thấy bất lực. Cho đến tuổi mười bốn, cậu bé không còn là cậu bé — ít nhất nó không nghĩ rằng nó là cậu bé. Bên trong nó bắt đầu nghĩ về bản thân nó như đàn ông, đàn ông người lớn. Và cậu bé bắt đầu lấy nhiều dáng vẻ hơn; nhiều hương vị của bản ngã đi vào. Với chín muồi dục bản ngã đi tới việc nở hoa đầy đủ của nó. Quả bóng được thổi phồng lên tới sự đầy đủ, nhân cách nảy sinh rõ ràng và to lớn.

Trong thời vị thành niên bạn có thể đã nhìn sâu và thấy nhân cách, nhưng trên bề mặt của tuổi thanh niên bạn không cần nhìn sâu — điều đó được viết khắp trên mặt. Với thời vị thành niên đã có chút ít linh hồn nổi dậy, nhưng với thời thanh niên có cách mạng. Người đó sẵn sàng phá huỷ bất kì cái gì. Người đó trở nên có tính phá huỷ, vì chỉ qua phá huỷ mà người đó có thể chứng tỏ rằng người đó là ai đó. Người đó chống lại mọi qui tắc, qui chế; người đó không muốn tin vào bất kì cái gì. Người đó không muốn tin vào bất kì truyền thống nào, vào bất kì tôn giáo nào. Người đó muốn nói ‘không’ với bố, ‘không’ với mẹ. Không chỉ điều đó: người đó muốn nói ‘không’ với Thượng đế, ‘không’ với nhà thờ, ‘không’ với Kinh Thánh, ‘không’ với Gita. Người đó muốn nói ‘không‘ với toàn tâm. Bản ngã đã đi vào theo cách hoàn hảo.

Giai đoạn thứ ba này cho người đó cảm giác “Mình là mình và không là ai khác!” Bản ngã ở đỉnh đầy đủ của nó. Vào lúc này thời thanh niên bao giờ cũng sẵn sàng đánh nhau, bùng nổ. Hung hăng, bạo hành, tham vọng, cách mạng — tất cả đi vào trong máu và xương của người đó.

Giai đoạn thứ tư là từ hai mươi tám tới năm mươi sáu tuổi — trung niên — được thổi phồng ra ngoài năng lực tự nhiên. Quả bóng được thổi phồng ra ngoài năng lực tự nhiên. Năng lực tự nhiên được đạt tới trước tuổi hai mươi tám; đó là việc quả bóng có thể đi được bao xa. Giữa hai mươi tám và năm mươi sáu nó bắt đầu vượt ra ngoài giới hạn của quả bóng. Tăng huyết áp nảy sinh. Đây là những ngày khó khăn nhất.

Cho tới hai mươi tám tuổi bạn đã được dạy để thổi phồng bản ngã ngày càng nhiều hơn, cho nên bạn liên tục thổi phồng. Nó đã trở thành một thứ thói quen. Trong hai mươi tám năm bạn đã từng thực hành chỉ một điều — qua giáo dục, qua dạy dỗ, qua ước định — thổi phồng bản ngã. Bây giờ nó đã trở thành thường lệ: bạn liên tục thổi phồng mà không nghĩ chút nào rằng có năng lực giới hạn cho quả bóng. Bạn liên tục đẩy ngày càng nhiều khí vào — tăng huyết áp nảy sinh. Cho nên chính là ở đâu đó giữa hai mươi tám và năm mươi sáu mà bạn bắt đầu bị cao huyết áp, đau tim. Chính là ở đâu đó giữa hai tuổi này mà bạn phải đi tư vấn người trị liệu tâm lí, mà bạn bắt đầu trở nên lung lay, mà mọi sự dường như không đi theo đường đúng, như bạn đã mong đợi chúng đi, như chúng đã ít nhất dường như đi đúng mãi cho tới hai mươi tám tuổi. Bây giờ chúng không còn đi theo đường đúng. Mọi thứ dường như đi sai.

Bạn đang thành công trong cuộc sống; bạn có tiền, bạn có danh giá, kính trọng, nhưng bằng cách nào đó bạn đang biến mất trong nó. Bạn đang đánh mất con người bạn, an bình của bạn, thư thái của bạn. Bất ổn, bất ổn lớn, sốt nảy sinh. Đây là những ngày khó khăn nhất. Đây là những ngày khi người ta trở nên ốm về thể chất, về tinh thần. Lo âu nảy sinh, phiền não nảy sinh, rối loạn tâm thần và mọi loại chứng thần kinh đi vào trong con người bạn. Đây là giai đoạn thứ tư.

Giai đoạn thứ năm là từ năm mươi sáu tới một trăm mười hai tuổi, sự mở rộng tối thượng. Chỉ ngay bên bờ của bùng nổ, bất kì khoảnh khắc nào. Bạn sẵn sàng, chỉ một hơi thở phì ra thêm nữa và bạn sẽ bùng nổ. Việc thổi phồng không còn là có thể được. Đây là lúc mà người ta bắt đầu hi vọng rằng chết sẽ tới, bắt đầu nghĩ về chết. Không chỉ bắt đầu nghĩ, mà còn có một loại hi vọng rằng “Chết sẽ tới và làm nhẹ cho mình mọi gánh nặng này.”

Thế rồi giai đoạn thứ sáu: quả bóng nổ.

Từ giai đoạn thứ sáu có hai khả năng — giai đoạn thứ bẩy có hai khả năng — phương Đông và phương Tây. Khả năng phương Tây là: bạn chết, và bạn lại được tái sinh như quả bóng chưa thổi trong bụng mẹ nào đó. Chết là khả năng thứ bẩy nếu tâm lí học phương Tây được phép nói đầy đủ về nó. Nếu không có gì như tôn giáo, thế thì từ giai đoạn thứ sáu, giải đoạn thứ bẩy được tự động sinh ra. Bạn chết ở đây, bạn chỉ biết một cách hiện hữu, bạn lại được sinh ra trong bụng mẹ — lại là quả bóng chưa thổi — và bạn bắt đầu cùng vòng tròn, cùng sự lặp lại, cùng đường mòn.

Đây là điều, ở Ấn Độ, chúng ta gọi là samsara — thế giới. Từng việc chết đem bạn trở lại sống lần nữa, và lần nữa bạn bắt đầu cùng trò chơi! Và trò chơi này đã được chơi hàng triệu lần! Và bạn liên tục chơi, bạn liên tục chơi… cùng điều lặp đi lặp lại mãi. Những người có cảm nhận và thông minh, họ trở nên tỉnh táo. Họ thấy toàn thể cái vô tích sự của nó. Vấn đề là gì? Tại sao liên tục lặp lại như bánh xe? Tại sao có bánh xe sinh tử này?

Thế rồi có khả năng khác và đó là khả năng phương Đông: hoặc bạn chết — bạn nổ và bạn được sinh ra; hoặc bạn không chết — bạn không nổ. Thấy ra toàn thể cái ngớ ngẩn của bản ngã, bản thân bạn thảnh thơi, bạn đâm thủng nó. Đó là điều tôi gọi là tính chất sannyas — bạn đâm thủng quả bóng. Không khí đi ra khỏi nó, quả bóng co lại; nó trở thành giống như nó đã vậy khi bạn còn là đứa trẻ.

Đây là thời thơ ấu thứ hai: bạn đã trở thành người được sinh hai lần. Không trong bụng mẹ khác nào đó, không trong cuộc sống khác nào đó — ở đây bây giờ. Bạn đã bỏ bánh xe. Đó là lí do tại sao chúng ta nói thánh nhân lại giống như đứa trẻ nhỏ. Vòng tròn là đầy đủ. Không bụng mẹ nào được cần cho ông ấy: ông ấy đã trở thành bụng mẹ cho bản thân ông ấy. Lần nữa ông ấy là hồn nhiên. Lần nữa cây lại mầu sắc, lần nữa mặt trời là niềm vui. Lần nữa mọi thứ là mở hội. Thượng đế lại bước đi trên đất. Ông ấy ở trong thiên đường. Ông ấy đã không đi bất kì đâu! Ông ấy đã đơn giản bỏ quả bóng đó, cái đã tạo ra toàn thể phiền muộn.

Đây là việc sinh của tâm thức mới; không phải của thân thể mới, mà là của hồn mới — việc sinh của con người mới; không của máy mới, không của nhà mới, mà người cư ngụ đã thay đổi. Đây là biến đổi.

Bây giờ, hai khả năng này có đó ở giai đoạn tối thượng. Nhưng nếu bạn đã được nuôi dưỡng liên tục theo cách phương Tây, theo cách vật chất, theo cách bản ngã, thế thì sẽ khó cho phương án kia đột nhiên xảy ra.

Cho nên ở phương Đông chúng ta đã từng làm một điều rất nghịch lí kì lạ. Ở phương Đông chúng ta làm một điều: chúng ta liên tục giúp người mới tới trở nên bản ngã, và bên cạnh đó chúng ta liên tục giúp người đó nhớ rằng bản ngã không phải là mục đích — cái tên hay, nhưng người ta phải đi ra khỏi nó. Chúng ta dạy bản ngã, chắc chắn, nhưng đồng thời chúng ta cũng dạy vô ngã. Chúng ta cho người đó cả hai cánh, cho nên bao giờ cũng có khả năng cho người đó là đổi hướng bất kì khi nào người đó muốn. Tại bất kì điểm nào người đó muốn đổi hướng, người đó có thể đổi hướng. Bất kì khoảnh khắc nào quả bóng đều có thể bị chọc thủng. Chúng ta dạy người đó nghệ thuật chọc thủng nó nữa.

Ở phương Tây bạn chỉ được dạy một điều — cách liên tục bơm nhiều khí hơn vào quả bóng. Và nếu đôi khi việc chọc thủng xảy ra một cách tự động, bạn đã được dạy cách vá lại nó. Tâm lí học của bạn không là gì ngoài… nó giống như chiếc gara ô tô. Xe không chạy tốt, bạn đi tới gara, và thợ cơ khí của gara đem nó trở lại sự bình thường của nó. Người đó đem nó trở lại việc vận hành cũ của nó.

Tràng kỉ của nhà trị liệu tâm lí giống như ga ra cho bạn. Khi — bất kì khi nào chỗ xì hơi nào đó bắt đầu xuất hiện trong hình mẫu sống của bạn, bạn lập tức chạy xô tới nhà trị liệu tâm, để cho ông ấy có thể bịt kín chỗ xì hơi và bạn lại có thể tiếp tục bơm khí vào trong nó.

Cách thức phương Đông, tâm lí học của chư Phật, là ở chỗ bất kì khi nào chỗ xì hơi xảy ra, cảm thấy hạnh phúc. Giúp nó, nó là tốt! Để quả bóng này ra đi! Nhưng nhớ, điều đó không ngụ ý rằng chúng ta muốn mọi người không tăng trưởng trong bản ngã. Đầu tiên bạn phải tăng trưởng trong bản ngã — đó là phần tự nhiên của trưởng thành.

 

Cho nên nếu bạn hỏi tôi, gợi ý của tôi là: cho tới tuổi năm mươi sáu… đó là tuổi giữa chừng nếu chúng ta lấy khoảng sống từ một tuổi tới một trăm mười hai tuổi. Đó là điều người yogi nói tuổi tự nhiên của con người là một trăm mười hai tuổi. Từng người đều có năng lực sống ít nhất lâu chừng đó nếu mọi thứ đi đúng. Nếu sinh lực đi theo hướng đúng, một trăm mười hai tuổi đã được ấn định bởi người yogi suốt nhiều thời đại là giới hạn tự nhiên của cuộc sống. Nếu chúng ta chết trước thế thì cái gì đó đã đi sai — hoặc trong thân thể hoặc trong tâm trí, hoặc trong thức ăn, hoặc trong xã hội, cái gì đó đã đi sai. Chúng ta đã không hoàn thành tiến trình tự nhiên. Cho nên năm mươi sáu chỉ là đường giữa. Đó là lí do tại sao người Hindu nói rằng sau năm mươi tuổi bạn bắt đầu nghĩ về tính chất sannyas, về từ bỏ. Và đến bẩy mươi nhăm, suy nghĩ sẽ không có tác dụng: bạn lấy cú nhảy.

Nhưng chúng ta chuẩn bị từ chính lúc bắt đầu. Chúng ta nói: Có bản ngã mạnh, và cũng có một loại sức mạnh khác mà không là của bản ngã, để cho khi bản ngã trở thành quá nhiều bạn có thể bỏ nó nữa. Để sự hiện diện của bạn cũng là mạnh, như bản ngã của bạn là mạnh. Sự hiện diện mạnh được cần để bỏ bản ngã mạnh.

Ở phương Đông bạn đã được dạy chỉ tăng trưởng trong sức mạnh khi có liên quan tới bản ngã. Thế thì bản ngã trở thành quá mạnh và bạn quá bất lực và bạn không thể làm được bất kì cái gì với nó, bạn không thể bỏ được nó.

Chẳng hạn: bạn đã được dạy cách nghĩ, nhưng bạn đã không được dạy cách dừng suy nghĩ. Cho nên suy nghĩ trở thành rất rất khéo, rất logic, hợp lí, rất được hội tụ, tập trung. Thế rồi một ngày nào đó bạn muốn dừng nó nhưng bạn không thể dừng được — hiện hữu của bạn là rất rất bất lực. Bạn đẽ để toàn thể năng lượng của bạn vào trong suy nghĩ và hiện hữu còn lại mà không có năng lượng. Bây giờ nô lệ mà bạn đã huấn luyện trở thành chủ. Dường như bạn đã liên tục nuôi nô lệ và bỏ đói chủ. Dần dần, nô lệ đi tới biết rằng bạn là hư không. Tại sao nó phải cho phép bạn ngồi trên ngai vàng? Nó tống bạn ra khỏi ngai và ngồi vào ngai, và bạn không thể làm được bất kì cái gì.

Bạn đã quan sát điều đó nhiều lần. Trong đêm bạn muốn đi ngủ và các ý nghĩ vẫn tiếp tục. Và bạn nói với chúng, “Xin dừng lại đi!” Nhưng chúng không dừng, chúng không nghe chút nào, chúng không bận tâm về bạn. Chúng liên tục mãi.

Dạy suy nghĩ là tốt, nhưng tốt hơn nhiều là dạy cách không nghĩ nữa! để cho suy nghĩ vẫn còn là nô lệ và hiện hữu vẫn còn là chủ. Có bản ngã là tốt, bằng không trong cuộc sống bạn sẽ không có xương sống nào. Bạn sẽ bị nghiền nát bởi bất kì ai. Nếu bạn không có bản ngã nào trong cuộc sống, bạn sẽ vẫn còn là vô thực thể, bạn sẽ bị khai thác, áp bức, hành hạ. Bất kì người nào, bất kì Adolf Hitler nào sẽ trở thành người chăn cừu của bạn, và bạn sẽ là cừu. Không, điều đó là không tốt. Bạn phải được dạy bản ngã, nhưng đồng thời, điều quan trọng và có ý nghĩa hơn nhiều là dạy bạn để cho bất kì khoảnh khắc nào bạn muốn ngắt kết nối bản thân bạn với bản ngã, bạn có thể ngắt kết nối. Bất kì khoảnh khắc nào bạn muốn xì hơi bản ngã bạn có thể xì hơi. Bất kì khoảnh khắc nào bạn muốn bỏ quả bóng, bạn có thể bỏ quả bóng.

Cuộc hành trình bên ngoài cần bản ngã, cuộc hành trình bên trong cần vô ngã. Khi bạn tranh đấu, bản ngã được cần. Người lính cần bản ngã, nhưng thánh nhân cần vô ngã. Và sự sống không phải toàn là tranh đấu. Nếu sự sống toàn là tranh đấu, thế thì nó là vô nghĩa. Có những khoảnh khắc vui mà không tới qua tranh đấu, cái tới qua thảnh thơi. Bản ngã không bao giờ cho phép bạn thảnh thơi; nó giữ bạn liên tục căng thẳng. Do đó căng thẳng phá huỷ bạn — thân thể, tâm trí, mọi thứ bị phá huỷ bởi căng thẳng và dồn nén.

 

Từ “Thiền: con đường của nghịch lí”, t.3, ch. 4