Pratima,
Tỏ ngộ đích xác là bản tính bình thường của bạn; nó không là bất kì cái gì đặc biệt. Do đó không có vấn đề về đạt tới nó – nó đã là hoàn cảnh rồi. Bạn ở trong nó, bạn chỉ quên thôi. Bạn đã trở nên quá bận bịu với thế giới bên ngoài. Bạn đã quên mất vương quốc riêng của bạn, bạn đã quên mất kho báu riêng của bạn, bạn đã quên mất bản thân bạn. Bạn đã trở nên quá quan tâm tới các thứ khác. Bạn ở quá nhiều trong thế giới và bạn không để bất kì thời gian nào, bất kì không gian nào cho bản tính bên trong của bạn có đối thoại với bạn, để nó thì thào vài điều với bạn. Bạn đã trở thành nhân tạo.
Bạn đã tạo ra bản ngã giả vì không ai có thể sống mà không có trung tâm. Bạn đã quên mất trung tâm thực của bạn, và không người nào có thể sống mà không có trung tâm, cho nên bạn đã tạo ra một trung tâm giả làm cái thay thế. Cái đó là bản ngã. Bản ngã đơn giản ngụ ý sống với trung tâm giả.
Tỏ ngộ là bỏ đi cái giả, là đi vào trong cái thực; chỉ là bản thân bạn, cái ta tự nhiên của bạn, cái ta bình thường của bạn.
Từ “bình thường” phải được nhớ vì tâm trí không quan tâm tới cái bình thường chút nào; nó muốn là phi thường, nó muốn là đặc biệt. Chính qua việc là đặc biệt mà bản ngã sống sót. Nó thường xuyên cố gắng là đặc biệt hơn, đặc biệt hơn. Nó muốn là giầu có hơn, quyền lực hơn, đáng kính hơn; nó có tính tham vọng. Do đó từ “bình thường” không có hấp dẫn cho tâm trí. Và đó là cái đẹp của từ “bình thường” – vì nó không có hấp dẫn cho tâm trí.
Tâm trí là kẻ đạt tới và người bình thường không cần được đạt tới; điều đó đã là hoàn cảnh rồi. Cái phi thường phải được đạt tới, cái phi thường trở thành mục đích. Nó ở xa xăm; bạn phải làm mọi loại nỗ lực, bạn phải vật lộn vì nó, bạn phải tranh đấu vì nó vì có nhiều người cạnh tranh thế.
Là bình thường… và không có cạnh tranh chút nào. Bạn có thể chỉ là bình thường, không ai có bất kì phản đối nào. Mọi người sẽ đơn giản cảm thấy tiếc cho bạn rằng bạn đã bỏ cuộc đua tranh giành. Bớt đi một người đua tranh – họ sẽ cảm thấy tốt nhưng tiếc cho bạn. Họ sẽ nói, “Anh chàng đáng thương! Điều gì đã xảy ra cho anh ta vậy? Tại sao anh ta đã bỏ cuộc?” Người bỏ cuộc là người không được kính trọng.
Phật là người bỏ cuộc. Mọi Thầy thực đều là người bỏ cuộc. Là sannyasin nghĩa là người bỏ cuộc. Bỏ cuộc đua là đi vào trong, vì khi bạn đang trong cuộc đua bạn không thể đi vào trong được. Khi bạn không còn trong cuộc đua không có đâu mà đi. Bạn bắt đầu chuyển vào bên trong vì sống là luồng chảy: nếu không có hướng bên ngoài nó lấy hướng bên trong. Nếu mục đích không có đó xa xôi trong tương lai, thế thì bạn bắt đầu chuyển vào trong bản tính của bạn trong hiện tại. Đó là tỏ ngộ.
Tỏ ngộ là rất bình thường. Tỏ ngộ ngụ ý bản tính của bạn. Bạn đã đi cùng nó rồi; nó là mặt nguyên bản của bạn – mọi mặt khác đều là mặt nạ.
Yoka nói:
Đệ tử nói tương ứng với điều tối thượng, chân lí tuyệt đối. Nhớ rằng người ta phải chặt rễ chứ không chặt cảnh và lá.
Rễ của khổ của bạn là gì? Rễ là tham vọng, ham muốn của bạn. Người muốn là cái này cái nọ, người muốn sở hữu cái này cái nọ, người muốn là ai đó, người muốn là có ý nghĩa.
Yoka nói: Chặt rễ… chỉ thế thì bạn là đệ tử. Và khoảnh khắc bạn chặt rễ – không chặt cành, không chặt lá – bạn đạt tới chân lí tối thượng. Chân lí tối thượng là không xa xôi; nó là chân lí tức khắc, nó là chân lí của bạn, nó là chính hiện hữu của bạn.
Phần lớn mọi người không nhận ra đá quí hoàn hảo, đá quí của trí huệ tối thượng, tỏ ngộ. Nó bị ẩn kín trong chỗ bí mật của Như Lai – Tathagata, chờ đợi việc khám phá ra nó.
Nó là việc sống trong tính như vậy của bạn; nó bị giấu kín trong tính như vậy của bạn. Dù bạn là bất kì cái gì, sống trong nó đi. Đừng tạo ra bất kì xung đột nào, đừng sống qua điều lí tưởng. Đừng là người lí tưởng, chỉ là tự nhiên.
Nhưng mọi người được dạy là người lí tưởng: “Trở thành Jesus” hay “Trở thành Phật” hay “Trở thành Krishna.” Không ai bảo bạn chỉ là bản thân bạn! Tại sao bạn phải là Jesus? Một Jesus là đủ và một Jesus là đẹp – ông ấy làm giầu cho sự tồn tại. Nhiều Jesus chỉ mang cây chữ thập, và bất kì chỗ nào bạn đi bạn đều gặp họ… Điều đó sẽ không có vẻ đẹp, nó sẽ không thêm cho cái đẹp của sự tồn tại; nó sẽ làm cho toàn thế giới thành xấu. Bất kì chỗ nào bạn đi, bạn gặp Mahavira đứng trần trụi….
Chính bởi vì điều này mà Thượng đế không bao giờ tạo ra cùng một người lần nữa. Ngài không bao giờ lặp lại; ngài là nguyên bản. Ngài bao giờ cũng tạo ra người mới. Bạn chưa bao giờ có trước đây, và không có người nào giống bạn, và sẽ không bao giờ có bất kì người nào khác giống bạn lần nữa. Trong toàn thể vĩnh hằng một mình bạn là giống như bạn. Nhìn vào cái đẹp của điều đó và niềm vinh quanh của nó và sự kính trọng mà Thượng đế đã bầy tỏ cho bạn! Bạn còn cần sự kính trọng nào thêm nữa? Thấy tính duy nhất của bản thân bạn đi. Không có nhu cầu là duy nhất; bạn đã là duy nhất rồi, cũng như mọi người khác là duy nhất. Bạn là duy nhất trong tính bình thường của bạn, trong tính như vậy của bạn.
Tỏ ngộ được giấu kín, Yoka nói, trong chỗ bí mật của tính như vậy của ông, chờ đợi việc khám phá ra nó.
Nó phải không được tạo ra, nó đã có đó rồi; bạn chỉ phải khám phá ra nó. Đi vào trong và khám phá nó đi! Nó đang chờ đợi và chờ đợi. Và nhiều thế kỉ đã trôi qua và nhiều nhiều kiếp đã trôi qua, và bạn đã trở nên nghiện với hướng ngoại. Bạn không bao giờ đi vào trong.
Bước đầu tiên hướng tới tỏ ngộ là thiền. Tỏ ngộ là kinh nghiệm tối thượng về thiền khi thiền được hoàn thành, khi thiền đã đạt tới việc nở hoa tối thượng của nó.
Yoka nói:
Thế giới là ảo vọng đầy đủ, vậy mà không cái gì tồn tại mà có thể được gọi là ảo vọng.
Thế giới mà bạn đã tạo ra qua tâm trí bạn là ảo vọng, nhưng có thế giới khác không phải là sáng tạo của bạn. Khi tâm trí bạn biến mất, bạn khám phá ra thế giới đó: thế giới của cái như vậy. Đó là kinh nghiệm khác toàn bộ. Không lời nào có thể mô tả được nó. Hàng nghìn nhà huyền bí đã cố gắng mô tả nó, nhưng không người nào đã bao giờ có khả năng và không người nào sẽ bao giờ có khả năng mô tả nó. Nó là huyền bí, nó là đẹp tới mức mọi lời đều thất bại. Không thơ ca nào đạt tới mức độ của nó, không âm nhạc nào thậm chí chạm được chân nó.
Ánh sáng hoàn hảo của trí huệ này khai sáng cái một.
Khoảnh khắc bạn đã gạt tâm trí bạn sang bên – tâm trí ngụ ý tham vọng, hành trình bản ngã của việc là cái này cái nọ – khoảnh khắc bạn đã gạt toàn thể tâm trí sang bên, ánh sáng lớn bùng nổ trong bạn và bạn được chứng ngộ. Đây là tỏ ngộ. Nó không tới từ bên ngoài: bạn không được ai đó khác chuyển giao cho, bạn được chuyển giao bởi hiện hữu riêng của bạn, bởi bản tính riêng của bạn.
Điều đó là có thể chỉ bằng công phu toạ thiền bên ngoài suy xét. Ông có thể thấy mây một cách tự nhiên trong gương nhưng ôm giữ sự phản xạ này là không thể được.
Điều đó là có thể chỉ bằng công phu toạ thiền… Tỏ ngộ là có thể chỉ bằng việc công phu toạ thiền. Toạ thiền nghĩa là:
Chỉ ngồi, không làm gì,
Xuân tới và cỏ tự nó mọc lên.
Bạn đơn giản thảnh thơi trong hiện hữu riêng của bạn, không làm bất kì cái gì chút nào. Vấn đề không phải là làm, vấn đề đơn giản là hiện hữu. Bạn liên tục thảnh thơi trong hiện hữu của bạn. Một khoảnh khắc tới khi bạn ở trong sự thuần khiết hoàn toàn của bạn, trong tính đơn giản hoàn toàn của bạn, trong sự hồn nhiên hoàn toàn của bạn. Điều đó là tỏ ngộ.
Toạ thiền – Zazen là một từ hay. Nó đơn giản ngụ ý chỉ ngồi – thậm chí không làm thiền. Thực ra, bạn không thể làm thiền được. Thiền chỉ là ngồi một cách im lặng; nó không phải là vấn đề làm. Nếu bạn đang làm cái gì đó, bạn đang làm rối thiền của bạn.
Ai đó đang tụng mật chú; người đó đang làm rối thiền của người đó. Ai đó đang hội tụ vào cái gì đó; người đó đang làm rối thiền của người đó. Ai đó đang tập trung, ai đó đang cầu nguyện, ai đó đang nghĩ tới Thượng đế: họ đang làm rối thiền của họ. Tất cả những điều này đều là việc làm của tâm trí, và nếu việc làm này liên tục, tâm trí liên tục. Dừng làm, và tâm trí ở đâu? Khi việc làm biến mất, tâm trí biến mất. Và việc biến mất của tâm trí là tỏ ngộ.
Nó ở bên ngoài suy xét, Yoka nói. Bạn không thể nghĩ được về nó, bạn chỉ có thể trải nghiệm nó. Nó là kinh nghiệm tối thượng, và kinh nghiệm trực tiếp nữa, về chân lí, về cái đẹp, về yêu, về phúc lạc, về Thượng đế, về niết bàn.
Từ “Bước trong thiền, ngồi trong thiền”, Ch.4