Buông xuôi theo thầy
Thiền nói chân lí không thể được truyền trao, do đó nó chỉ có thể xảy ra trong mối quan hệ Thầy-đệ tử. Nó không thể được dạy cho nên không có vấn đề quan hệ giữa thầy và người được dạy – bởi vì không có việc dạy cho nên không có thầy và không có người được dạy. Nhưng đó là việc truyền trao. Truyền trao ngụ ý từ tâm sang tâm: dạy ngụ ý từ đầu sang đầu.
Khi đệ tử và Thầy gặp gỡ, hội nhập, tan chảy vào nhau, đó là chuyện tình, đó là kinh nghiệm sâu sắc, cực đỉnh, sâu sắc hơn nhiều so với bất kì tình yêu nào, bởi vì ngay cả những người yêu liên tục mang bản ngã của họ và các bản ngã nhất định va chạm, xung đột. Thầy và đệ tử tồn tại không có bản ngã. Bản ngã của Thầy đã bay hơi rồi – đó là lí do tại sao người đó là Thầy – và đệ tử buông xuôi bản ngã của mình theo Thầy.
Và nhớ, bằng việc buông xuôi bản ngã đệ tử không buông xuôi bất kì cái gì đặc biệt, bởi vì bản ngã chỉ là ý tưởng chứ không là gì khác. Nó không có thực chất; nó được làm từ cùng chất liệu tạo ra mơ. Khi bạn buông xuôi mơ của bạn, bạn buông xuôi cái gì?
Nếu bạn tới tôi và bạn nói, “Tôi cúng dường mọi mơ của tôi cho thầy,” bạn cúng dường, nhưng tôi không được bất kì cái gì! Và bạn có thể vẫn nghĩ rằng bạn đang cúng dường những mơ lớn lao về những lâu đài vàng và đàn bà đẹp và kho báu lớn… bạn đang cúng dường những mơ lớn, nhưng tôi không được bất kì cái gì.
Khi bạn cúng dường bản ngã của bạn cho Thầy, bạn đang cúng dường cái gì đó có liên quan tới bạn, bởi vì bạn coi nó là rất bản chất, rất có ý nghĩa. Khi bạn buông xuôi bạn cho rằng bạn đang làm điều gì đó lớn lao. Khi có liên quan tới Thầy, thầy đơn giản cười vào toàn bộ câu chuyện này, bởi vì thầy biết bản ngã của bạn là gì – chỉ là sự rỗng tuếch mà thôi! không có gì mấy mà ba hoa về nó.
Nhưng phương cách, phương cách đơn giản có thể giúp ích nhiều lắm. Đó chỉ là phương cách. Thầy nói, “Buông xuôi bản ngã đi.” Khi thầy nói, “Buông xuôi bản ngã đi,” là thầy đang nói, “Trao cho ta cái mà ông không có chút nào nhưng ông tin là ông có. Trao cho ta niềm tin của ông đi – ta sẵn sàng nhận nó. Để cái cớ này giúp cho ông.” Bạn có thể không có khả năng vứt bỏ nó theo cách riêng của bạn, nhưng trong tình yêu với Thầy bạn có thể có khả năng, bạn có thể thu được dũng cảm để mạo hiểm. Yêu khuyến khích bạn mạo hiểm. Trong yêu bạn có thể làm bất kì điều gì. Khi bạn trong tình yêu với Thầy và thầy nói, “Trao cho ta bản ngã của ông,” làm sao bạn có thể nói không?
Hiện hữu cùng Thầy ngụ ý ở trong trạng thái nói có, có và có nữa! Đó là cái có tuyệt đối, cái có vô điều kiện. Cho nên khi thầy nói, “Trao cho ta bản ngã của ông,” bạn đơn giản trao bản ngã của bạn cho Thầy. Với bạn nó là rất quan trọng; với thầy nó không có nghĩa lí gì, không bản chất, không sự tồn tại, nhưng thầy chấp nhận nó.
Khoảnh khắc bạn vứt bỏ bản ngã của bạn, gặp gỡ bắt đầu xảy ra. Bây giờ hai số không bắt đầu đi vào trong nhau. Hai người yêu đi vào thân thể của nhau; đó là hiện tượng vật kí và cực thích xảy ra là điều vật lí. Thầy và đệ tử là những người yêu trên bình diện tâm linh: hai số không, hai con người vô ngã đi vào trong nhau. Trong hội nhập đó cái gì đó được xảy ra. Không phải là Thầy cho bạn cái gì đó, không phải là bạn nhận cái gì đó, nhưng bởi vì gặp gỡ này mà cái gì đó xảy ra, từ gặp gỡ này mà cái gì đó xảy ra – cái gì đó lớn hơn Thầy và lớn hơn đệ tử, cái gì đó nhiều hơn gặp gỡ của hai người này, cái gì đó siêu việt.
Bây giờ các Thiền nhân không bận tâm tới logic; họ sống điều ngược đời tối thượng. Họ liên tục nói không có thuyết giảng và chân lí không thể được dạy, và dầu vậy Thiền sư vẫn có đó và đệ tử Thiền vẫn có đó. Và mọi người đã nêu ra câu hỏi, những người nghi ngại bao giờ cũng nêu ra những câu hỏi rằng: “Đây là cái gì? Một mặt ông nói chân lí không thể được dạy, và mặt khác sao ông vẫn khai tâm, sao ông vẫn nhận người?”
Và Thiền sư bao giờ cũng cười, bởi vì điều ngược đời này không thể được giải thích. Nếu bạn muốn biết nó một cách thực sự, bạn phải trở thành đệ tử, bạn phải trở thành người tham gia, bạn phải trở thành một phần của bí ẩn; chỉ thế thì bạn có nếm trải về nó. Đó là việc nếm trải; không lời giải thích nào có thể giúp ích. Nếu bạn đã nếm đường bạn biết nó ngọt, nhưng không lời giải thích nào có thể cho bạn ý tưởng về ngọt. Nếu bạn đã thấy ánh sáng, bạn biết nó là gì, nhưng với người mù bạn không thể giải thích được; điều đó là hoàn toàn vô tích sự.
Các Thiền sư không bao giờ bận tâm, do đó phát biểu của họ rất ngược đời.
Một Thiền sư, Nhất Hưu, trọ lại trong một ngôi chùa, ở tạm qua đêm, nhưng đêm đó là đêm lạnh và ông ấy rét run người. Đến nửa đêm ông ấy trở dậy và thấy một bức tượng Phật, bức tượng gỗ, bèn đốt nó, và rất sung sướng với ngọn lửa và hơi ấm.
Sư trụ trì chùa, thấy ánh sáng và ánh lửa bên trong chùa, không thể tin được điều đang xảy ra. Ông ta có chút hoài nghi khi ông ta cho phép Nhất Hưu ở lại qua đêm trong chùa, nhưng ông ta không hề nghĩ được rằng ông này sẽ làm điều như vậy – “Ông ấy sẽ làm cho cả chùa bị cháy mất!” Ông ta xô vào và ông ta thấy ông này đã đốt cháy một trong những bức tượng Phật đẹp nhất. Và tất nhiên là ông ta giận lắm, ông ta quát thẳng mặt Nhất Hưu rằng, “Ông làm gì vậy? Ông cho rằng mình là Phật tử sao? Rồi ông còn mặc áo choàng vàng của sư Phật giáo nữa! Mà ta thậm chí đã nghe nói rằng ông không chỉ là một sư Phật giáo, ông còn là một Thầy lớn và ông có nhiều tín đồ! Thế mà ông đã làm gì vậy?” Bức tượng đã hoàn toàn bị cháy rụi!
Nhất Hưu lấy cây thiền trượng và bắt đầu khều khều cái gì đó trong đống tro tàn. Sư này hỏi, “Ông tìm gì vậy?”
Ông ấy nói, “Ta đang tìm xương Phật đây.”
Ở phương Đông chúng ta gọi xương là “hoa (xá lị)”. Khi một người chết chúng ta thu thập xương người đó sau khi thân thể đã cháy hoàn toàn; những xương đó được gọi là “hoa (xá lị)”.
Cho nên ông ấy nói, “Ta đang tìm xá lị của Phật đây.”
Ngay cả sư này không kìm được tiếng cười. Ông ta nói, “Ông điên rồi! Làm sao ông có thể tìm được xá lị trong bức tượng gỗ?”
Bây giờ đến lượt Nhất Hưu cười khanh khách, và ông ấy cười và ông ấy nói, “Thế thì ông không ngu đến mức ta tưởng! Đem tượng nữa tới đi… còn có hai tượng nữa trong chùa và đêm vẫn còn dài lắm. Và sao ông không cùng tham gia nhỉ? Lửa ấm thế, và chúng ta sẽ đốt hai bức tượng này nữa. Khi không có xương trong nó, chắc chắn đấy không phải là Phật thực rồi – chỉ là gỗ mà thôi.”
Sư này đâm ra sợ người điên này quá, ông ta tống ông này ra khỏi chùa. Thật là nguy hiểm mà giữ ông này bên trong chùa – ông ấy có thể đốt cả hai tượng kia nữa! Chùa chỉ có ba tượng mà thôi.
Đến sáng khi sư này mở cửa ra ông ta thấy Nhất Hưu đang cúi lạy ngay phía trước ngôi chùa trước cột đá. Ông ấy đã đặt lên đó vài đoá hoa – chắc phải đã lấy hoa dại nào đó rồi – ông ấy đặt những đoá hoa đó lên cột đá và đọc lời cầu nguyện buổi sáng và thiền. Và ông ấy lẩm nhẩm câu mật chú Phật giáo nổi tiếng: “Buddham sharanam gachchhami – Tôi tới chân Thầy, Bạch Phật. Sangham sharanam gachchhami – Tôi tới chân tâm xã của Thầy. Dhammam sharanam gachchhami – Tôi tới chân của chân lí tối thượng mà Thầy đã nhận ra.”
Sư này tới, lay ông ấy và nói, “Ông làm gì vậy? Ông thực sự điên hoàn toàn rồi! Đây là cột đá, đâu có phải Phật! Ông đã đốt tượng Phật trong đêm, còn bây giờ trước cột đá ông đọc lời cầu nguyện và nói: Buddham sharanam gachchhami, sangham sharanam gachchhami, dhammam sharanam gachchhami? sao”
Nhất Hưu nói, “Vấn đề không phải là liệu nó có phải là tượng hay không; vấn đề là tâm ta. Bây giờ là buổi sáng, ta đang làm việc cầu nguyện. Bất kì cái cớ nào cũng được. Trong đêm ta đốt một cái cớ – đó chỉ là cái cớ mà thôi, đó không phải là Phật. Đây là cái cớ khác, và điều này là đơn giản hơn nhiều bởi vì ta có thể tìm thấy cột đá ở bất kì chỗ nào. Ta không cần phụ thuộc vào bất kì chùa nào, bất kì tượng nào.”
Sư nói, “Ông rất phi logic!”
Và đó là điều đã được kể cho các Thiền sư trong các thời đại – từ ngày của Mahakashyap, Thiền sư đầu tiên, Tổ thứ nhất, người ta đã lặp đi lặp lại rằng, “Các ông ngược đời lắm. Một mặt các ông phủ nhận: rằng không có thuyết giảng, mặt khác các ông trở thành đệ tử, Thầy. Một mặt các ông nói không có cầu nguyện, mặt khác các ông cầu nguyện Phật.”
Bạn phải rất rất tỉnh táo để hiểu điều ngược đời này. Lời nguyện phải đi ra từ tình yêu tuôn tràn của bạn; nó không liên quan gì tới tượng hay tảng đá. Những cái đó chỉ là cái cớ. Và Phật ở mọi nơi – với Phật tử, Phật ngụ ý Thượng đế. Đá cũng là Phật như tượng vậy. Toàn thể sự tồn tại đầy Phật tính, tính thượng đế, và Thầy đã trải nghiệm điều đó.
Đệ tử chấp nhận Thầy để cho người đó có thể tới gần với thầy hơn. Trong việc nói có với Thầy, người đó trở nên được đồng điệu với Thầy. Từ “đồng điệu” thật hay; nó ngụ ý “như một”. Người đó trở thành một với Thầy. Trong tính một đó, cái gì đó không thể trao được qua lời là truyền được qua việc hiện hữu – cái gì đó giống như việc đem một chiếc nến chưa cháy lại gần chiếc nến đang cháy. Có một điểm nào đó mà khi chiếc nến chưa cháy đi vào bên trong giới hạn đó – đột nhiên ngọn lửa từ chiếc nến đang cháy nhảy vào chiếc nến chưa cháy. Chiếc nến đang cháy không mất gì cả, nhưng chiếc nến chưa cháy thu được nhiều vô hạn.
Bây giờ quá trình đảo ngược đang xảy ra: khi đệ tử tới gần Thầy người đó trao bản ngã của mình và cứ tưởng mình bị mất nhiều – và Thầy không được gì. Khi Thầy trao cái gì đó là thầy cho vô hạn rồi, thầy cho ánh sáng của thầy, nhưng thầy không mất gì cả; ánh sáng của thầy vẫn còn như vậy. Từ một chiếc nến bạn có thể thắp sáng cả triệu chiếc nến, và chiếc nến đang sáng không mất gì mặc dầu chiếc nến chưa sáng thu được vô hạn.
Điểm này bị thiếu trong J. Krishnamurti, do đó bất kì điều gì ông ấy nói là Thiền, nhưng ông ấy đã không thực hành Thiền, nói mà không làm.
Tôi nói và làm cả hai, và chỉ việc làm mới đem tới sự hoàn thành, sự nở hoa. Chỉ nói sẽ không ích gì. Dù bạn nói cái gì đó tích cực về chân lí nó vẫn vô dụng, hay bạn nói cái gì đó tiêu cực về chân lí. Ngay cả nói rằng chân lí không thể được nói ra cũng là vô nghĩa. Suốt cả năm mươi năm cứ nói đi nói lại rằng chân lí không thể được nói ra phỏng có ích gì? Thế thì sao bận tâm? Nói một lần “Chân lí không thể được nói ra” rồi mọi ngày cứ lặp lại “Như trên” – thế là đủ – và về nhà! Không có ích gì mà nói điều đó lặp đi lặp lại mãi, trừ phi bằng việc nói điều đó bạn khuyến khích mọi người hướng tới hiện tượng nào đó khác.
Chân lí không thể được nói ra, đây là một phần. Phần thứ hai là: nhưng chân lí có thể xảy ra. Nó có thể được chia sẻ – không được nói ra nhưng được chia sẻ. Và để có việc chia sẻ đó, chuyện tình của đệ tử và Thầy là điều phải có; không có điều đó thì không thể được.
Từ “Ta là cái đó”, Ch. 9