Osho ơi,
Khác biệt gì giữa khao khát điều thiêng liêng và yêu người khác?
Prem Neeto,
Không có khác biệt chút nào – mọi ham muốn đều là như nhau. Bạn có thể ham muốn tiền, bạn có thể ham muốn thiền, bạn có thể ham muốn quyền, bạn có thể ham muốn Thượng đế, nhưng bạn vẫn còn là người cũ. Điều bạn khao khát không thể làm thay đổi bạn, đối thể của khao khát không có tác động lên con người bên trong của bạn; đó là cùng trò chơi được chơi lần nữa với những từ mới, với đối thể mới của ham muốn.
Bạn khao khát một người, bạn ham muốn một người. Tại sao? Vì bạn cảm thấy đơn độc. Trong bản thân bạn, bạn cảm thấy không đủ. Có một loại trống rỗng trong bạn mà bạn muốn được lấp đầy bởi sự hiện diện của người khác. Bạn cảm thấy vô nghĩa và bạn muốn người khác truyền nghĩa cho cuộc sống của bạn. Điều đó không bao giờ xảy ra; nó chỉ là khao khát và hi vọng. Nó không bao giờ được đáp ứng – nó không thể được đáp ứng theo chính bản chất của mọi thứ. Nó là không thể được vì người khác đang ham muốn bạn với cùng lí do; người đó cũng cảm thấy trống rỗng. Bây giờ hai người trống rỗng đang hi vọng được đáp ứng qua nhau: hai cuộc sống vô nghĩa đang hi vọng từ nhau để trở thành có nghĩa và có ý nghĩa.
Đây là điều ngớ ngẩn cực kì. Sớm hay muộn người ta trở nên nhận biết về hiện tượng này vì lặp đi lặp lại chỉ có thất vọng, lặp đi lặp lại chỉ có thất bại, lặp đi lặp lại hi vọng bay hơi và bạn bị bỏ lại trong đống lộn xộn sâu hơn bạn đã từng ở trước đây. Lặp đi lặp lại bạn bị vỡ mộng.
Chính bởi vì điều này mà Jean-Paul Sartre hay nói: “Người khác là địa ngục.” Ông ấy dò dẫm một cách vô ý thức trong bóng tối và đã loạng choạng vớ được sự kiện một cách vô tình, mặc dầu cách ông ấy diễn đạt nó không đích xác là điều nó đáng phải vậy. Người khác không phải là địa ngục, ham muốn của bạn về người khác là địa ngục – đó là điều mọi chư phật đã nói suốt nhiều thời đại – không phải người khác, vì khi Sartre nói, “Người khác là địa ngục,” dường như người khác chịu trách nhiệm cho khổ, thất vọng, vỡ mộng của bạn. Người khác không chịu trách nhiệm, chính mong đợi riêng của bạn đã bị đập vỡ. Mong đợi càng lớn, thất vọng càng lớn hơn.
Do đó bất kì khi nào hôn nhân được thu xếp đã biến mất và hôn nhân vì tình đã trở thành thịnh hành, có nhiều thất vọng hơn. Trong hôn nhân được thu xếp, mong đợi của bạn không lớn lắm; nó không phải là chuyện lãng mạn chút nào, bạn không hi vọng đạt tới thiên đường qua nó. Nó là hiện tượng trần tục, được thu xếp bởi bố mẹ bạn, ông bà, được thu xếp bởi xã hội, gia đình, tu sĩ, nhà chiêm tinh, được thu xếp bởi những người khác. Mơ của bạn không được tham gia mấy vào trong nó. Do đó hôn nhân được thu xếp đi trên nền tảng bằng phẳng hơn nhiều: nó không có đỉnh, không lên và không xuống. Nó giống như đường xa lộ đồng bằng – thậm chí không phải là đường xa lộ Ấn Độ mà là đường xa lộ Đức. Không cái gì trưởng thành trên nó, nó là chết; được làm từ nhựa đường hay đá giăm trộn nhựa đường hay xi măng – hoàn toàn chết, nhưng an toàn. Nó không phải là đường mòn qua đồi núi. Bạn không đi vào cái không biết. Bạn có thể có bản đồ và có cột cây số ở mọi nơi, có các con trỏ chỉ dẫn chỗ bạn đang ở, chỗ bạn đang đi tới, đích đến còn bao xa, bạn đã đi từ chỗ của bạn được bao xa. Mọi thứ là rõ ràng; đó là cách hôn nhân được thu xếp vận hành.
Và nếu hôn nhân được thu xếp xảy ra khi bạn chỉ là đứa trẻ nhỏ, chẳng có ý tưởng gì về yêu, về dục, về lãng mạn, thế thì bạn bắt đầu coi vợ bạn như đương nhiên có hay chồng bạn là đương nhiên có, cũng như bạn coi anh và chị bạn là đương nhiên có. Không ai đã bao giờ nghĩ về đổi mẹ của mình. Nếu hôn nhân xảy ra khi bạn là đứa trẻ, đứa trẻ nhỏ, thế thì bạn không bao giờ nghĩ tới li dị. Các bạn lớn lên cùng nhau, chồng và vợ lớn lên cùng nhau như anh và chị lớn lên cùng nhau. Họ đã sống cùng nhau lâu thế, lâu như họ có thể nhớ.
Khi mẹ tôi lấy chồng, bà ấy mới chỉ bẩy tuổi. Bố tôi không quá mười hai tuổi. Bây giờ mơ mộng gì là có thể đây? Họ có thể hi vọng cái gì? Thực ra họ đã tận hưởng toàn thể vở diễn hôn nhân, họ đã được vui thích với âm nhạc, nhóm nhạc và đủ mọi loại pháo hoa – đó thực sự là một kinh nghiệm thích thú – chẳng có ý tưởng gì về họ đang tham gia vào cái gì. Và với thời gian họ trở nên nhận biết, họ đã được bắt rễ; họ đã trở thành không thể thiếu được cho nhau.
Nhưng trong hôn nhân vì tình, điều đó sẽ là khó. Ở Mĩ, cứ hai hôn nhân một cái sẽ bị tan vỡ. Đó là tỉ lệ của li dị: một li dị trong hai hôn nhân. Và nhớ, một hôn nhân đó mà không tan vỡ sẽ không đi vào trong thế giới của vui vẻ; nó sẽ không đi vào, nó đơn giản hiện hữu vì sự hèn nhát, an ninh, an toàn mà mọi người liên tục bám lấy. Khi họ trở nên dũng cảm hơn, tỉ lệ li dị sẽ trở nên ngày càng cao hơn, nó sẽ trở nên ngày càng lớn hơn.
Tại sao hôn nhân vì tình thất bại? – bởi lẽ đơn giản là có mong đợi sâu và nó không thể được hoàn thành. Bạn phải sớm nhận ra rằng bạn đã là người ngu. Hôn nhân sớm qua đi, thậm chí trước khi tuần trăng mật qua đi. Nó có thể nấn ná tiếp… điều đó tuỳ thuộc vào bạn có bao nhiêu dũng cảm. Nếu bạn là người hèn nó có thể nấn ná cả đời bạn. Nếu bạn là người dũng cảm và nếu bạn có thể thấy ra vấn đề bạn có thể li dị ngay lập tức sau khi tuần trăng mật qua đi vì hôn nhân cũng sẽ qua đi, vì bạn sẽ thấy rằng tất cả những ảo vọng đó mà bạn đã mang đều chỉ là ảo vọng thôi. Bạn đã sống trong thế giới cầu vồng, bạn đã sống trong thế giới của thơ ca, không của thực tại.
Sartre là không đúng khi ông ấy nói rằng người khác là địa ngục, nhưng theo cách vô ý thức ông ấy đã đi tới rất gần với chân lí.
Chư phật nói: Không phải người khác mà ham muốn về người khác là địa ngục. Làm cho người khác chịu trách nhiệm là đặc trưng rất thông thường của con người.
Một trong những câu châm ngôn của Murphy nói: Phạm lỗi lầm là tính con người và đổ lỗi cho người khác thậm chí còn có tính người nhiều hơn.
Đó là điều Sartre đã làm: Bạn đã phạm lỗi lầm, giờ bạn đổi lỗi cho người khác. Nếu bạn thực sự thấy ra vấn đề, thế thì bạn sẽ thấy rằng ham muốn là nguyên nhân; nếu bạn không thấy điều đó, thế thì bạn sẽ thay đổi người khác. Thế thì người khác này đang gây ra vấn đề cho bạn – thay đổi người đó. Cho nên sau li dị này là hôn nhân khác, và thế rồi hôn nhân khác và thế rồi hôn nhân khác. Và nó là cùng ảo vọng bạn sống lặp đi lặp lại! Và mọi người không thông minh, không nhận biết tới mức họ không bao giờ thấy ra vấn đề: rằng bạn có thể liên tục thay đổi toàn thế giới, lặp đi lặp lại bạn có thể thay đổi bạn tình, nhưng cùng câu chuyện sẽ vẫn còn lại vì bạn vẫn như cũ. Bất kì chỗ nào bạn đi bạn sẽ vẫn còn như cũ; tâm bạn vẫn ở cùng một trạng thái. Có lẫn lộn, không có ánh sáng bên trong bạn, chỉ có bóng tối.
Khi người ta trở nên chán ngán với mối quan hệ bình thường với mọi người, người ta bắt đầu tưởng tượng ra mối quan hệ với Thượng đế; đó là khao khát về điều thiêng liêng. Bây giờ Thượng đế có tốt hơn chút ít theo nghĩa rằng bạn không bao giờ có thể bị thất vọng vì bạn sẽ không bao giờ gặp ngài; bởi lẽ đơn giản rằng sẽ không có tuần trăng mật, tuần trăng mật không bao giờ có thể qua đi; bởi lẽ đơn giản rằng sẽ không có việc sống cùng với Thượng đế, bạn có thể liên tục hi vọng. Bây giờ bạn một mình: nó là độc thoại, nó không là đối thoại.
Mọi mối quan hệ con người đều thất bại vì người khác có đó và các bạn bắt đầu va chạm với nhau, các bạn bắt đầu chi phối lẫn nhau, các bạn bắt đầu ghen lẫn nhau, các bạn bắt đầu sở hữu lẫn nhau. Bạn sợ rằng bạn có thể đánh mất người kia. Và thế rồi một ngày nào đó bạn thấy rằng chẳng có gì để mất – người kia là trống rỗng như bạn vậy. Mơ này bị tan vỡ, thế rồi mơ khác….
Đó là cái đẹp của mơ tôn giáo: bạn có thể liên tục mơ, nó không thể bị tan vỡ. Mối quan hệ với Thượng đế không bao giờ có thể gặp khó khăn – điều đó là không thể được vì bạn đơn giản một mình. Khi bạn cầu nguyện, bạn đang làm gì? Việc nói cho bản thân bạn thôi! Nó giống như thổi sáo trong bóng tối – không có người nào nghe.
Thượng đế không phải là người mà bạn có thể có bất kì mối quan hệ nào. Thượng đế không phải là ai đó nói riêng, người mà bạn có thể nói với, người mà bạn có thể mong ước. Nhưng mọi thất vọng của bạn, mọi mối quan hệ của bạn, những quan hệ đã thất bại, đã không làm cho bạn đủ tỉnh táo với sự kiện rằng tốt hơn cả là bỏ toàn thể ý tưởng về ham muốn người khác. Bây giờ bạn đang cố ham muốn cái gì đó mà bạn không bao giờ có được. Một điều là tốt về điều đó: bạn có thể liên tục hi vọng trong nhiều kiếp sống. Sẽ không bao giờ có bất kì tận cùng nào cho nó; cuộc hành trình là không kết thúc. Người khác không tồn tại chút nào; bây giờ bạn đang sống trong mơ thuần khiết. Đầu tiên bạn đã sống trong mơ nhưng người khác đã có đó, cho nên giữa hai thực tại mơ nhất định bị nghiền nát – và chúng đã bị nghiền nát. Nhưng bây giờ không có người nào khác, bạn một mình. Bạn có thể làm ra Thượng đế của bạn theo cách bạn muốn.
Neeto, bạn hỏi tôi: Khác biệt gì giữa khao khát điều thiêng liêng và yêu người khác?
Không có khác biệt chút nào – khao khát là khao khát. Thế thì tôi sẽ gợi ý cái gì? Cố hiểu bản chất của khao khát, bản chất của ham muốn. Khi bạn hiểu bản chất của ham muốn, trong chính việc hiểu đó việc ham muốn biến mất. Thế thì bạn bắt đầu tận hưởng sự một mình của bạn, bạn trở thành hoàn toàn vui vẻ với bản thân bạn. Không có nhu cầu về người khác, không có phụ thuộc vào người khác.
Tôi không nói rằng bạn sẽ không có khả năng yêu. Thực ra thế và chỉ thế bạn sẽ có khả năng yêu vì thế thì yêu sẽ có phẩm chất khác toàn bộ, phẩm chất của việc chia sẻ. Bạn sẽ không là kẻ ăn xin, bạn sẽ là hoàng đế. Bạn sẽ yêu vì bạn có cái gì đó để cho, không để lấy cái gì đó. Bạn sẽ yêu vì bạn tuôn tràn với niềm vui và bạn muốn chia sẻ nó với mọi người. Nhưng thế thì nó sẽ không là mối quan hệ chút nào.
Tôi gọi nó là tạo quan hệ. Bạn có thể tạo quan hệ, nhưng không có nhu cầu tạo ra bất kì sự lệ thuộc nào, không có nhu cầu tạo ra bất kì hôn nhân nào. Bạn có thể tạo quan hệ với ai đó, bạn có thể tạo quan hệ với cùng một người trong cả đời bạn, nhưng ngày mai vẫn còn để mở, nó không bị đóng. Ngày mai không phải là hôm nay được lắng đọng, bạn không thể coi nó đương nhiên có đó; ngày mai bạn có thể cảm thấy thích chia sẻ với cùng người này, cùng người này có thể thích chia sẻ hay có thể không thích chia sẻ. Cho dù một trong hai người quyết định không chia sẻ, thế thì các bạn nói lời tạm biệt lẫn nhau với lòng biết ơn lớn vì mọi niềm vui và mọi điều đã xảy ra trước đây và mọi điều đã diễn ra trước đây, người ta đầy biết ơn. Không oán giận, không phàn nàn, không cãi cọ, các bạn đơn giản chia tay. Bạn biết, “Con đường của chúng ta tách ra bây giờ, chúng ta có thể không gặp nhau lần nữa,” cho nên bạn ra đi với bài ca trong tim, với nụ cười trên môi; với cái ôm, với cái hôn, các bạn ra đi. Các bạn ra đi trong sự thân thiện sâu sắc. Nó không phải là li dị vì đã không có bất kì hôn nhân chút nào ngay chỗ đầu tiên. Các bạn đã không bị buộc vào nhau cho nên các bạn bao giờ cũng tự do, các bạn bao giờ cũng vẫn còn là những cá nhân.
Hai cá nhân tạo quan hệ vẫn còn là hai cá nhân, hai cá nhân lâm vào quan hệ làm mất tính cá nhân của họ. Họ trở thành một đôi, và là một đôi là điều xấu. Điều đó nghĩa là bạn đã đánh mất tự do của bạn, bạn không còn là bản thân bạn; người kia cũng không còn là bản thân người đó. Cả hai đã đánh mất tự do của họ và không ai đã thu được bất kì cái gì từ nó.
Đó là lí do tại sao Sartre nói, “Người khác là địa ngục.” Nhưng tôi vẫn muốn nhắc bạn: vấn đề không là người khác, vấn đề là ham muốn về người khác. Khi bạn đã hiểu cái vô tích sự của ham muốn, cái ngu xuẩn cực kì của ham muốn, thế thì bạn tạo quan hệ theo cách khác toàn bộ; thay đổi về chất xảy ra cho bạn. Bạn hạnh phúc với bản thân bạn; bạn không tìm kiếm hạnh phúc qua người khác. Bạn hạnh phúc tới mức bạn muốn chia sẻ nó với ai đó, đó là lí do tại sao bạn tạo quan hệ.
Mối quan hệ bắt nguồn trong khổ, tạo quan hệ bắt nguồn trong phúc lạc.
Và khi bạn bắt đầu tạo quan hệ với mọi người, bạn cũng bắt đầu tạo quan hệ với sự tồn tại. Và đó là điều tôn giáo thực là gì: tạo quan hệ với sự tồn tại. Nó không phải là khao khát về Thượng đế. Bạn có thể gọi sự tồn tại là Thượng đế, không có vấn đề gì trong điều đó, nhưng tốt hơn cả là gọi nó là sự tồn tại vì một khi bạn gọi nó là Thượng đế, mọi liên kết cổ với từ này lẻn vào và bạn bắt đầu nghĩ về một ông già ngồi đâu đó trên ngai vàng trên trời đang nhìn bạn, theo dõi bạn, và thế rồi những ý tưởng kì lạ xảy ra từ điều đó.
Carl Gustav Jung nhớ lại trong tự truyện của ông ấy rằng suốt cả thời thơ ấu của ông ấy, ông ấy đã bị ám ảnh với duy nhất một ý tưởng: rằng nếu Thượng đế ngồi ở trên và đôi khi ngài đi đái thì sao? – hay đi ỉa, thì sao? Và bố ông ấy là một tu sĩ cho nên ông ấy thường hỏi bố ông ấy và người bố rất bực mình. Người bố nói, “Thôi đi! Đừng bao giờ hỏi những câu hỏi như vậy!” Thế là ông ấy phải đè nén những câu hỏi này. Ông ấy càng đè nén chúng, chúng càng có đó. Ông ấy liên tục bị ám ảnh với ý tưởng này: thế thì cái gì xảy ra? Ngài phải ăn, ngài phải uống, và ngồi trên đầu, bất kì lúc nào…. Thế rồi ông ấy bắt đầu mơ rằng Thượng đế đái và nó rơi khắp trái đất và cứt của ông ấy rơi khắp trên đất. Bản thân ông ấy trở nên rất mặc cảm, “Mình là cái gì…?” Xem đấy! Nếu bạn nghĩ về ngài ở trên, đây là điều sẽ xảy ra – bất kì khoảnh khắc nào!
Thế rồi những câu hỏi ngu xuẩn nảy sinh; từ một ý tưởng ngu xuẩn chúng nhất định tới.
Thượng đế không phải là người chút nào, Thượng đế là phẩm chất – tính thượng đế, không phải Thượng đế. Sự tồn tại đầy tính thượng đế. Khi bạn có năng lực cảm thấy vui vẻ, được mãn nguyện, được hài lòng, thế thì suy ngẫm về ham muốn, thấy cái vô tích sự của ham muốn, ham muốn biến mất và bạn được bỏ lại mà không có ham muốn. Đột nhiên an bình lớn giáng lên bạn. Trong an bình đó tự tính của bạn bắt đầu bùng nổ. Đó là phúc lạc. Phúc lạc đó rạng ngời như tình yêu, nó chiếu tới mọi người, nó chiếu tới cây cối, nó chiếu tới con vật, nó chiếu tới mây và sao. Chung cuộc nó bắt đầu chiếu tới toàn thể sự tồn tại. Đó là điều tạo quan hệ với sự tồn tại là gì. Thế thì bạn thấy mặt trời lặn và trong chính mặt trời lặn bạn thấy Thượng đế – không phải Jesus bị đóng đinh hay Krishna thổi sáo; những cái đó toàn là ý tưởng trẻ con. Bạn thấy tính thượng đế.
Bạn đã bao giờ quan sát mặt trời lặn đẹp chưa? Tính thượng đế nào hơn nữa có thể có đó? Bạn thấy đoá hồng – tính thượng đế nào hơn nữa có thể có đó? Hay chỉ nhành cỏ đung đưa trong gió…. Mọi mầu xanh này và mầu đỏ và miếng vàng! Toàn thể sự tồn tại này đầy thế, tràn đầy thế, tuôn tràn thế với im lặng, với an bình, với niềm vui, với cực lạc. Khi bạn có khả năng im lặng, an bình, vui vẻ, bạn bắt đầu tạo quan hệ với nó. Việc tạo quan hệ đó là tôn giáo.
Tôn giáo không phải là ham muốn về Thượng đế, nó là trải nghiệm về tính thượng đế. Và vấn đề không phải là làm sao tìm ra Thượng đế, vấn đề là làm sao bỏ việc ham muốn. Điều này phải được nhớ, được nhớ một cách rất nhấn mạnh: nếu bạn bắt đầu tìm và kiếm Thượng đế bạn sẽ vẫn còn là cùng con người cũ, bạn sẽ không bao giờ thay đổi. Nếu bạn bắt đầu cố hiểu bản chất của ham muốn, bạn nhất định đi qua cách mạng triệt để vì bất kì người nào có chút ít thông minh nhất định thấy cái vô tích sự hoàn toàn của ham muốn – nó chẳng dẫn tới đâu cả. Và khoảnh khắc ham muốn biến mất khỏi con người bạn, bạn đã đạt tới.
Bạn bao giờ cũng có đó; chính là duy nhất ham muốn làm sao lãng bạn. Lúc thì ham muốn là về tiền, lúc thì ham muốn là về Thượng đế, lúc thì vì quyền, danh, lúc thì vì cõi trời, thiên đường, nhưng bất kì ham muốn nào cũng đủ để làm sao lãng bạn khỏi bản tính của bạn. Khi không có ham muốn, bạn có thể đi đâu? Mọi ham muốn dẫn bạn đi xa khỏi bản thân bạn. Khi không có ham muốn bạn đơn giản được định tâm trong con người bạn. Chính việc định tâm đó là phúc lạc, là cực lạc, là samadhi, là niết bàn.
Từ “bước trong Thiền, ngồi trong Thiền”, Ch.7